Xuất khẩu rau quả dự báo tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm
Với kết quả đã đạt được trong 10 tháng qua, dự báo xuất khẩu ngành hàng rau quả cả năm 2023 có thể đạt được đến 5,5 - 5,8 tỷ USD.
Vượt xa so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm, xuất khẩu rau quả Việt Nam tiếp tục đạt con số cao kỷ lục trong 10 tháng qua. Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, lũy kế 10 tháng của năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, tăng gần 79% so cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 10 tháng năm 2023 và có tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 164,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, UAE cũng tăng đáng kể trong 10 tháng năm 2023.
Đáng chú ý, trong báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 10/2023 có thể đạt mức cao kỷ lục từ 450 - 500 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2023, giá trị sầu riêng xuất khẩu lên tới 2,2 tỷ USD. Việc Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 là động lực thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng mạnh. Trong những tháng cuối năm 2023, hàng rau quả sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, bởi đây là thời điểm lễ, Tết nên nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại nhiều thị trường tăng cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 10/2023 có thể đạt mức cao kỷ lục từ 450 - 500 triệu USD.
Tính riêng 9 tháng của năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc chiếm 65,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam, đạt 2,8 tỷ USD, tăng 159,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng cao sang thị trường Trung Quốc góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng nhanh. Cùng với Trung Quốc, các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng nhập khẩu các mặt hàng rau quả Việt Nam. Trong đó, thanh long, xoài, mít và chuối là bốn loại trái cây có khối lượng xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 85% khối lượng xuất khẩu quả tươi của Việt Nam hiện nay.
Qua thống kê quý IV năm nay, cả nước sẽ có khoảng gần 4 triệu tấn trái cây chủ lực các loại được thu hoạch và đưa ra tiêu thụ. Như vậy, trong hai tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể đem về 0,6 - 0,8 tỷ USD. Với kết quả đã đạt được trong 10 tháng qua, dự báo xuất khẩu ngành hàng rau quả cả năm 2023 có thể đạt được đến 5,5 - 5,8 tỷ USD. Theo các doanh nghiệp, con số này hoàn toàn khả thi, nhờ việc sản phẩm rau quả Việt Nam đảm bảo chất lượng cao, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường cao cấp.
Thực tế, nhu cầu nhập khẩu rau quả của các thị trường trên thế giới còn rất lớn nên việc Việt Nam bảo đảm về chất lượng hàng hóa sẽ là cơ hội lớn để khai thác tiềm năng này. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2018- 2022, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ bình quân khoảng 46 tỷ USD/năm, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 0,6% tổng trị giá nhập khẩu. Thị trường Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình đạt 3,9 tỷ USD/năm, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam cũng chỉ chiếm 4,3% tổng trị giá nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), nhập khẩu quả xoài của Hàn Quốc trong 9 tháng năm 2023 đạt 23,6 nghìn tấn, trị giá 95 triệu USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, tuy nhiên, tại thị trường Hàn Quốc trái xoài của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng chưa cao, do đó vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu xoài trong thời gian tới.
Theo dự báo, Hàn Quốc cũng sẽ ngày càng chuyển hướng tập trung vào trái cây nhiệt đới như xoài và chanh dây. Đối với thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu quả xoài cũng rất lớn, song hiện Mỹ nhập khẩu xoài tươi từ Việt Nam chỉ chiếm 0,19% tổng lượng nhập khẩu. Nguyên nhân là do vị trí địa lý xa xôi và khâu bảo quản gặp nhiều khó khăn khiến mặt hàng xoài chưa phát huy được hết giá trị ở thị trường tiềm năng này. Trong khi đó, với các sản phẩm chế biến như nước xoài ép, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam có tỷ trọng tăng đáng kể trong thời gian qua. Vì vậy, đẩy mạnh chế biến sâu là hướng đi mà các doanh nghiệp nên đầu tư để tăng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới.
Với kết quả đã đạt được trong 10 tháng qua, dự báo xuất khẩu ngành hàng rau quả cả năm 2023 có thể đạt được đến 5,5 - 5,8 tỷ USD. Ảnh: TTX.
Dù tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những kết quả nổi bật, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu. Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…Năm nay, đã có một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp. Do đó, các doanh nghiệp và các địa phương cần kiểm soát tốt chất lượng để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu. Có như vậy, ngành hàng rau quả và xuất khẩu rau quả mới đạt được tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), trong 10 tháng vừa qua, EU đã đưa ra gần 3.900 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam. Con số này đã giảm khoảng 15% so với năm 2022. Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác. Trong đó vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm cao nhất với gần 60%
Theo các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Nếu chấp hành tốt các quy định, EU sẽ giảm tần suất kiểm tra, giảm quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập vào. Liên minh châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm quan trọng của Việt Nam.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều thách thức khi liên tục thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật. Do vậy vấn đề đặt ra lúc này là các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ những quy định để kịp thời điều chỉnh sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn mới. Đồng thời, các cơ quan hữu quan cũng cần đồng hành với doanh nghiệp trong chiến lược đưa hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này...
Thanh Hải