0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Chủ nhật, 12/11/2023 07:34 (GMT+7)

Nâng cao giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ

Theo dõi KT&TD trên

Thủ công mỹ nghệ là ngành có giá trị gia tăng cao, tạo nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn chậm cải tiến, đổi mới, đột phá về mẫu mã để theo kịp với sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường.

Việt Nam hiện có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với nhiều lĩnh vực khác nhau như: mây tre đan, thêu dệt, gốm sứ, đúc đồng, khảm, trạm bạc, gỗ mỹ nghệ. Doanh thu của các làng nghề hiện nay đạt khoảng 75 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành hàng này mang lại lợi nhuận gấp từ 5 đến 10 lần so với các ngành khác. Chưa kể các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên cả nước đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2022 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến gần 3 tỷ USD (2021) và giảm xuống khoảng 2,4 tỷ USD (năm 2022) do tác động của suy giảm kinh tế, các diễn biến địa chính trị. Ước tính, 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu mây, tre, cói, thảm đạt gần 600 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nâng cao giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ

Các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên cả nước đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: TTX.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi sự mới lạ, nhưng nay, sức hấp dẫn bị giảm đáng kể khi chưa có sự thay đổi mẫu mã, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao. Đây đang là một trong những rào cản lớn nhất trên con đường giữ vững và mở rộng thị trường của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Hiện có tới 90% số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng, do chúng ta còn thiếu sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm. Nếu tham dự các hội chợ, triển lãm về hàng thủ công mỹ nghệ trong nước hầu như các gian hàng, sản phẩm quen thuộc như các mẫu mã truyền thống xuất hiện đều đặn: Tranh tứ linh, tranh tứ quý (đối với ngành khảm trai, sơn mài); hạc đồng, đỉnh đồng (ngành đúc đồng); sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối (ngành mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ); chụp đèn, bàn ghế (ngành mây tre đan)…

Mặc dù một số sản phẩm cũng được thay đổi, cải tiến nhưng nhìn chung, hình thức, mẫu mã của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn chậm cải tiến, đổi mới, đột phá để theo kịp với thị hiếu tiêu dùng hiện đại. Nhiều hộ sản xuất chưa coi trọng việc thiết kế cải tiến mẫu mã, có những thiết kế mẫu mã thiếu sáng tạo, đơn điệu, không phù hợp thị hiếu khách hàng nên khó ứng dụng trong sản xuất. Một số sản phẩm có thiết kế khá cầu kỳ, tỷ mỉ để phục vụ trưng bày tại một sự kiện nào đó nhưng thiếu tính thương mại, giá thành cao nên rất khó ứng dụng sản xuất hàng loạt.

Ngoài ra, ở các làng nghề số lượng nghệ nhân tài hoa, hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ xảo nghề truyền thống không có nhiều. Lớp nghệ nhân cao tuổi sức yếu, hạn chế về khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, luôn có xu hướng lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống. Còn những người trẻ lại có xu hướng sao chép mẫu sẵn có, chỉ thay đổi, thêm thắt chút ít... Hậu quả là sản phẩm vừa không có tính truyền thống đã đành, mà hiện đại cũng không tới.

Nâng cao giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu.

Từ những thực tế trên, ngay từ thời điểm này, doanh nghiệp làng nghề cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật ứng dụng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP… Qua đó, vừa khuyến khích sáng tạo mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa lựa chọn được nhiều sản phẩm đẹp để áp dụng trong sản xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu. Thực tế, các địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các nghệ nhân và làng nghề đổi mới thiết kế, đáp ứng yêu cầu thị trường. Hiện đại hóa công nghệ trong thiết kế mẫu, trong sản xuất vừa đảm bảo tính nguyên tắc thời đại nhưng không mất đi tính truyền thống, tính độc đáo, độ tinh xảo, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làm thường xuyên, liên tục trong quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm có công nghệ phù hợp, đảm bảo tính thấm mỹ, tính thương mại cũng như dễ sản xuất.

Ngoài ra, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của nhóm hàng thủ công mỹ nghệ có lợi thế, gia tăng giá trị theo hướng đa dạng hóa, tăng cường hợp chuẩn quốc tế, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu ngành, thương hiệu sản phẩm gắn với xúc tiến thương mại. nâng cao thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, trong điều kiện công nghiệp hóa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phải trở thành sản phẩm tiêu dùng mang tính văn hóa, vừa cạnh tranh vừa dung hợp với sản phẩm công nghiệp: trong điều kiện kinh tế thị trường, phải chuyển thành sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh trực tiếp; trong điều kiện đời sống xã hội mới, cần đảm bảo giá trị văn hóa và thẩm mỹ, đòi hỏi chất lượng sản phẩm...

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khuyến nghị cần xây dựng Luật về làng nghề nhằm bảo tồn và phát triển vững chắc các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trọng yếu, trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập với thế giới và tăng cường khả năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng có lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt quan tâm đến thị hiếu của người tiêu dùng thường thay đổi theo thời gian - đây là giải pháp vô cùng quan trọng để tăng kim ngạch và xuất khẩu bền vững.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Tiêu hủy 3.600 chiếc bánh bông lan sầu riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đức Thủy có địa chỉ tại thôn Lệ Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Gỡ vướng, thúc đẩy tiến độ Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 423/TB-VPCP ngày 17/9/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.