Xuất khẩu mây, tre đan sang Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất sản phẩm mây, tre đan, cói và thảm Việt Nam với kim ngạch đạt con số kỷ lục, hơn 31,3 triệu USD, tăng trưởng tới 107,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2024, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói và thảm của nước ta đạt hơn 79,7 triệu USD, tăng 11,8% so với tháng trước đó và tăng 74,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thu về 31,3 triệu USD, tăng trưởng tới 107,2% so với tháng 1/2023, chiếm tỷ trọng 39,2%. Kế tiếp đó là Anh với kim ngạch 5,3 triệu USD, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 6,6%. Nhật Bản đứng thứ ba, với 5,2 triệu USD trong tháng 1 năm 2024, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 6,5%.
Bên cạnh đó, ngay trong đầu năm 2024, một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như Thụy Điển (288%), Canada (230%), Ý (119%), Trung Quốc (214%)...
Dự báo, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ nói chung và sản phẩm mây, tre, cói, thảm của Việt Nam có .
Mặc dù đã có sự tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây, song sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan… Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp cũng nên tập trung khai thác thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Chile…
Theo nhận định chung, cơ hội phát triển cho ngành hàng mây tre đan của Việt Nam còn khá rộng mở. Khả năng chiếm lĩnh 10% - 15% thị phần trên thị trường thế giới là hoàn toàn khả thi. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành này có thể đạt tới 1 tỷ USD chứ không chỉ mãi “đì đẹt” vài trăm triệu USD mỗi năm như hiện tại.
Một số thị trường mới nổi những năm gần đây như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Australia… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam. Cụ thể, những năm gần đây, Trung Quốc và Tây Ban Nha đã gia tăng nhập khẩu các mặt hàng mây tre đan Việt Nam với mức tăng đáng kể, đó là cơ hội dể cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, cói, thảm có cơ hội tăng tốc.
Việt Nam có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Đến nay, các sản phẩm mây tre đan đã xuất khẩu tới hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng qua từng năm, và chiếm khoảng 14% - 18% tổng kim ngạch XK hàng thủ công mỹ nghệ trong cả nước.
Minh Đức