Xử lý các nền tảng xuyên biên giới vi phạm – Triệt tiêu nguồn thông tin “bẩn”
Hiện nay, tin giả xuất hiện khá nhiều trên các nền tảng Yotube, Tiktok, Facebook, việc xử lý các nền tảng này sẽ giúp kiểm soát, giảm các thông tin “bẩn”, “độc hại”, làm không gian mạng trở nên an toàn hơn.
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội lớn như Yotube, Tiktok, Facebook xuất hiện không ít những nội dung nhảm nhí, xấu độc lan truyền, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cho người trẻ. Khi người dùng mạng xã hội tiếp xúc với những nội dung không được thẩm định, mang nội dung tư tưởng sai trái sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ, hành động.
Nhưng, việc ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên không gia mạng đang gặp rất nhiều khó khăn, một phần do cơ chế kiểm duyệt dữ liệu của hệ thống vận hành mạng xã hội chưa kín kẽ, vô tình hoặc cố tình bỏ lọt những thông tin độc hại.
Phần khác là mạng xã hội với sự hậu thuẫn của các tập đoàn công nghệ nước ngoài hoạt động xuyên biên giới với những quy định, nguyên tắc do đơn vị làm chủ áp đặt, để buộc họ chấp hành, tuân thủ những quy định theo luật pháp Việt Nam là việc không dễ dàng.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các mạng xã hội này luôn tránh né việc xử lý, ngăn chặn chúng. Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác” - tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hùng cũng thừa nhận rằng, thông tin xấu độc phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước nên những thông tin vi phạm pháp luật này tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới. Việc quản lý, kiểm tra, rà soát để phát hiện tin giả, thông tin xấu độc còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến nghệ thuật, văn hóa…
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong những năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.642 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; khóa 08 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá; gỡ bỏ 04 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; gỡ 54 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.
Ngoài ra, tự chủ động, rà quét gỡ bỏ 344.000 nội dung vi phạm trên nền tảng (tỷ lệ 91%); Google đã gỡ 6.359 video vi phạm trên Youtube. Ngoài ra, chặn 08 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam, xóa 02 kênh (tỷ lệ 94%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ: 416 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực. Trong đó, có 149 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, tự chủ động rà quét, gỡ bỏ 1.981 nội dung vi phạm trên nền tảng (tỷ lệ 92%).
Để triệt tiêu nguồn thông tin “bẩn” trên không giang mạng, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ chặn, gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao; tiếp tục đấu tranh để gỡ các tài khoản vi phạm.
Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử sẽ phối hợp với cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung số để triển khai chiến dịch truyền thông về phòng, chống tin giả trên mạng.
H.A