“Xanh hóa” phương tiện giao thông: Hướng đi tất yếu của Việt Nam
Liên quan đến vấn đề làm sao để giảm khí thải phương tiện giao thông, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Phóng viên:Xanh hóa phương tiện giao thông đang là một phương án hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Hiện tại các nước trên thế giới đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm xanh hóa phương tiện. Một số ý kiến cho rằng: Xanh hóa phương tiện sẽ là xu thế tất yếu của ngành giao thông vận tải tương lai. Quan điểm của Tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
TS. Hoàng Dương Tùng: Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định trên. Bởi việc xanh hóa các phương tiện giao thông là điều tất yếu và không còn con đường nào khác. Hiện nay, rất nhiều nước đã cam kết Net Zero 2050 để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính cũng như phát thải CO2 là từ các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tại Việt Nam cũng vậy, phương tiện giao thông cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm không khí, phát thải CO2, ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Các nước khác cũng vậy. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, việc chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh là việc bắt buộc để làm giảm khí nhà kính và đạt Net Zero 2050. Đây là xu hướng không thể đảo ngược được ở tất cả các nước.
Nhiều nước trên thế giới đã có cam kết mạnh mẽ trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, ví dụ như hạn chế xe sản xuất mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, hay thay đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng các nhiên liệu sạch (ví dụ như khí CNG). Một số quốc gia còn có kế hoạch vào năm 2030, 2050 các phương tiện sẽ chạy hoàn toàn bằng điện. Ngay tại Thái Lan cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, cam kết mạnh mẽ. Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo đó, cam kết của chúng ta tại COP26, COP27 đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt Net Zero 2050.
Phóng viên:Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về Chương trình này?
TS. Hoàng Dương Tùng: Trong Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải (tháng 7/2022), đã thể hiện nhiều mục tiêu mà tôi đánh giá rất cao. Các lộ trình cũng như giải pháp được thể hiện trong Quyết định này rất rõ ràng. Ví dụ, đến năm 2025 chúng ta cần làm gì? Đến năm 2030 chúng ta cần làm gì? Lộ trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện được quy định ra sao? Tăng cường giao thông công cộng như thế nào? Đối với các phương tiện giao thông cũng vậy, Quyết định 876 không chỉ đưa ra quy định dành cho các phương tiện dưới mặt đất mà còn cả các phương tiện giao thông đường thủy, đường sông và đường hàng không…
Vai trò của các địa phương cũng được thể hiện rõ. Ví dụ, đến năm 2030, Hà Nội phải đạt 45% giao thông công cộng, đi cùng với đó là gia tăng tỷ trọng các phương tiện giao thông sử dụng điện. Song song với đó, Quyết định 876 đã nêu ra nhiều biện pháp cụ thể, đồng hành cùng các địa phương trong việc thực hiện quyết định này.
Quyết định 876 được đánh giá là một trong những chương trình quan trọng nhất của ngành giao thông vận tải trong việc xanh hóa phương tiện. Nó cũng thể hiện hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết Net Zero 2050. Quyết định 876 cũng phù hợp với điều kiện cũng như nguồn lực nội tại của chúng ta, do đó các lộ trình và mục tiêu được đưa ra là tương đối hợp lý nhưng không dễ thực hiện.
Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định 876, chúng ta cần quán triệt hơn và có những biện pháp cụ thể hơn, cương quyết hơn trong thời gian tới. Cương quyết ở đây là từ các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền, cương quyết thể hiện trong việc đồng bộ, quyết tâm thực hiện. Đặc biệt, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và các địa phương cũng là yếu tố then chối. Bởi lẽ, vấn đề này không chỉ liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải, mà còn liên quan đến Bộ Tài nguyên và Môi cũng như các địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách hết sức cụ thể để khuyến khích giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng phương tiện chạy bằng điện như các nước khác đang làm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần thiết để việc sử dụng phương tiện xanh được dễ dàng, thuận tiện.
Phóng viên:Để triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì? Tiến sĩ có thể phân tích cụ thể hơn?
TS. Hoàng Dương Tùng: Thuận lợi mà chúng ta có chính là sự quyết tâm rất cao từ cấp trung ương. Nó thể hiện trong cam kết của Chính phủ tại COP26, COP27 cũng như quyết định chuyển đổi xanh trong ngành giao thông vận tải. Chúng ta cũng đã triển khai nhiều chính sách hữu hiệu, tiêu biểu là chính sách khuyến khích xe chạy điện (giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, khuyến khích công nghiệp sản xuất pin…). Đó là về mặt thuận lợi.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc xanh hóa phương tiện giao thông vận tải.
Khó khăn thứ nhất là hạ tầng. Làm thế nào để có hạ tầng, các trạm sạc điện trên khắp cả nước? Bởi rõ ràng việc sạc điện cho phương tiện như thế nào là một vấn đề lớn cần phải giải quyết, đặc biệt là trong bối cảnh hạ tầng cho phát triển phương tiện xanh của chúng ta còn rất hạn chế. Hạ tầng ở đây còn có nghĩa là nguồn vốn đầu tư, công nghệ,… Có thể người dân sẵn sàng đi xe điện nhưng chỗ sạc điện nhanh lại không có thì khó có thể khuyến khích họ sử dụng xe điện được.
Khó khăn thứ hai là xử lý pin thải của phương tiện chạy bằng điện như thế nào? Đó cũng là một vấn đề cần phải tính toán. Bởi lẽ, khi xanh hóa phương tiện giao thông thì sau một thời gian sẽ phát sinh rất nhiều pin hết hạn sử dụng, hỏng hóc. Đây là chất thải nguy hại thì sẽ xử lý như thế nào? Công nghệ nào? Xử lý ở đâu?
Khó khăn thứ ba là các vấn đề về chi phí bảo dưỡng khi mà người dân sử dụng xe điện. Qua một số khảo sát người sử dụng xe điện thì phần lớn cảm thấy chi phí vận hành xe điện vẫn ở mức cao.
Đó là ba khó khăn lớn mà tôi cho rằng chúng ta cần phải tìm ra phương án giải quyết phù hợp và hiệu quả. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang gặp phải những khó khăn này khi thực hiện quá trình xanh hóa phương tiện giao thông.
Phóng viên:Như Tiến sĩ đã phân tích ở trên, Việt Nam còn nhiều khó khăn để triển khai Chương trình. Vậy, để khắc phục những khó khăn đó, chúng ta cần có những giải pháp nào? Tiến sĩ có đề xuất gì để Chương trình phát huy hiệu quả, qua đó đạt được mục tiêu đề ra là phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050?
TS. Hoàng Dương Tùng: Tôi thấy rằng, hiện tại việc “xanh hóa” phương tiện giao thông tại Việt Nam đã và đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Ví dụ như hệ thống xe buýt điện của một doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, tuy còn hạn chế về số lượng nhưng lại chiếm được thiện cảm của nhiều người (sạch sẽ, không ô nhiễm, không có ống bô xả khói đen kịt… Tôi nghĩ rằng là đây là chuyện tốt.
Vậy làm thế nào để đẩy nhanh quá trình xanh hóa phương tiện? Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là chính sách của Nhà nước. Chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích xanh hóa phương tiện, nhưng cần cụ thể hơn nữa. Ví dụ như xây dựng hạ tầng thì khuyến khích như thế nào để các nhà đầu tư tham gia? Trợ giá như thế nào cho người dân khi họ mua và xử dụng xe điện?...Tôi thấy ở nước ngoài khi ra vào sân bay thì xe chạy điện được ưu tiên còn xe chạy xăng thì không. Những chính sách kinh tế, xây dựng hạ tầng cho phát triển giao thông xanh tôi nghĩ cần phải cụ thể hơn nữa.
Bên cạnh việc chuyển đổi giao thông xanh cũng phải xây dựng hệ thống giao thông phi cơ giới. Ví dụ như đường đi bộ, đường đi xe đạp… Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới họ đã lập những vùng phát thải thấp, tức là chỉ có phương tiện phát thải thấp mới được đi vào trong đó.
Vấn đề ở đây là chúng ta phải cụ thể hóa các chính sách chứ không thể nói chung chung và triển khai đại khái được, như vậy sẽ rất khó để thực hiện. Việc xanh hóa phương tiện giao thông là xu thế tất yếu, do đó chúng ta càng triển khai nhanh thì càng tốt cho môi trường và sức khỏe của người dân bấy nhiêu.
Phóng viên:Bên cạnh việc định hướng và đưa ra những quyết sách mang tính chiến lược của Chính phủ và các bộ, ban ngành thì công tác tuyên truyền người dân chung tay trong việc xanh hoá phương tiện giao thông cũng rất quan trọng. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vai trò của người dân trong công cuộc “xanh hoá” ngành giao thông vận tải?
TS. Hoàng Dương Tùng: Người dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình xanh hóa phương tiện giao thông, bở họ là những người trực tiếp tham gia giao thông. Hiện nay, phương tiện cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng còn hạn chế. Do vậy, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho người dân, để họ thay đổi nhận thức và thấy được lợi ích lâu dài của việc xanh hóa phương tiện giao thông.
Khi người dân sẵn sàng tham gia thì tham gia bằng cách nào? Tôi nghĩ, mỗi người trong chúng ta đều có cách riêng của mình. Ví dụ, bảo trì xe máy thường xuyên cũng là một cách để giảm phát thải; hoặc tăng cường đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện công cộng; tắt máy trong thời gian chờ đèn đỏ… Chỉ cần người dân sẵn sàng tham gia giao thông xanh thì nhiều việc nhỏ sẽ mang lại hiệu quả lớn. Bảo vệ không khí, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cho thế hệ con cháu chúng ta sau này.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Người dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình xanh hóa phương tiện giao thông, bởi họ là những người trực tiếp tham gia giao thông. Hiện nay, phương tiện cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng còn hạn chế. Do vậy, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho người dân, để họ thay đổi nhận thức và thấy được lợi ích lâu dài của việc xanh hóa phương tiện giao thông.
Nội dung: Hoàng HảiĐồ họa: Nguyên Vũ