Những vụ “đại án” thao túng ngân hàng đã được phanh phui
Trước khi vụ án bà Trương Mỹ Lan thao túng ngân hàng SCB được phanh phui, đã từng có nhiều vụ đại án tương tự được cơ quan tố tụng đưa ra xét xử, như vụ Bầu Kiên, Ngân hàng Việt Hoa, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm…
Đại án Ngân hàng Việt – Hoa là 1 vụ án kinh tế lớn xảy ra vào những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI với 75 người bị khởi tố về tội tham ô, cố ý làm trái và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án được khởi tố năm 1997, sau khi Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này là Trần Tuấn Tài chết.
Trong bản cáo trạng dày 283 trang, viện kiểm sát khẳng định, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là rất tinh vi, táo bạo. Theo đó, giai đoạn năm 1993-1997, bằng việc lập chứng từ khống, cho vay, rút tiền không cần tài sản thế chấp... Trần Tuấn Tài (Chủ tịch HĐQT), Trương Kiệt Tường, Nguyễn Văn Minh (2 Phó Tổng Giám đốc) và Phùng Ngọc Lợi (nguyên giám đốc Công ty THNN XNK tổng hợp Long An) cùng đồng phạm khác đã rút 1.500 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Việt - Hoa và các doanh nghiệp cùng nhiều ngân hàng khác.
Trong đó, số tiền các bị can tham ô của Nhà nước được xác định là 213 tỷ đồng và 69 triệu USD, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN 15 triệu USD và 15 tỷ đồng; lừa đảo của công dân 65 tỷ đồng.
Vũ Ngọc Nhung (Tổng giám đốc Việt - Hoa) người bị cáo buộc là đồng phạm với Trần Tuấn Tài trong vụ án này đã ký bảo lãnh cho công ty của Phùng Ngọc Lợi mở các L/C cao hơn định mức mà không cần tài sản thế chấp, và ký quỹ.
Tại phiên toà xét xử vụ án, Nhung thừa nhận dù là tổng giám đốc, nhưng mọi hoạt động tại Việt - Hoa đều do Tài thao túng, bị cáo chỉ việc ký giấy tờ. Thậm chí nhiều lần Nhung yêu cầu Tài được cho tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhưng không được.
Năm 2002 khi xét xử, có 3 bị cáo lĩnh án cung thân (gồm Phùng Ngọc Lợi, Lô Ký Ngươn và Nguyễn Văn Minh), 16 bị cáo được hưởng án treo, 2 người được thả tự do tại tòa còn các bị cáo khác bị các mức án khác nhau.
Riêng, Trương Kiệt Tường (nguyên tổng giám đốc), Tào Bình Thâm (nguyên giám đốc chi nhánh Hùng Vương) qua đời do bệnh nên được đình chỉ, còn 8 bị can khác bỏ trốn nên cũng đình chỉ điều tra.
Ông Nguyễn Đức Kiên hay thường được gọi là “bầu” Kiên sinh năm 1964, từng được mệnh danh là “ông trùm” của các ngân hàng Việt Nam.
Năm 1994, ông Nguyễn Đức Kiên cùng với một số cổ đông sáng lập Ngân hàng thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Từ năm 1994-2008, ông Kiên giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của ACB và có thời gian giữ chức Tổng Giám đốc của ngân hàng này. Năm 2008, ông Kiên chủ động rút khỏi các vị trí trong HĐQT và thành lập "Hội đồng sáng lập" của ngân hàng ACB với 6 thành viên và giữ vị trí Phó Chủ tịch.
Ngoài ra, ông Kiên còn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB có chức năng giúp cho HĐQT ACB thực hiện thẩm định các dự án đầu tư.
Do ông Kiên và những người thân của mình nắm giữ rất nhiều cổ phiếu của ACB nên dù không có trong HĐQT của ngân hàng, nhưng ông Kiên vẫn giữ nguyên ảnh hưởng, quyền lực và gián tiếp điều hành mọi hoạt động của ACB.
Để dễ bề thao túng ACB, ông Kiên còn thành lập nhiều công ty "sân sau" và bằng ảnh hưởng của mình, ông Kiên đã chỉ đạo ACB cho các công ty này vay tiền thông qua hình thức mua trái phiếu. Sau đó, ông Kiên dùng tiền bán trái phiếu và tiền vay được mua cổ phiếu của các ngân hàng khác… Sau đó, Kiên lại chỉ đạo đem cổ phiếu mua được thế chấp ngân hàng khác nữa để tiếp tục vay tiền. Cứ như vậy ông Kiên đã đầu tư chéo, tạo vốn ảo, rút vốn thật ngân hàng này đầu tư vào ngân hàng khác và ngược lại, tạo nên quan hệ chằng chịt trong các ngân hàng mà Kiên thao túng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với thủ đoạn trên và nếu không bị ngăn chặn, đến khoảng những năm 2018-2020, ông Kiên và đồng bọn sẽ chi phối toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Năm 2014, ông Nguyễn Đức Kiên hầu toà với với tội danh cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế. Tổng số tiền thiệt hại do ông Kiên gây ra được cơ quan điều tra xác định là gần 1.700 tỷ đồng, chưa kể hơn 400 tỷ lỗ kinh doanh vàng. 5 cựu lãnh đạo ACB cũng bị cho là cố ý làm trái, chủ trương sai khiến ngân hàng thiệt hại 719 tỷ đồng.
Sau 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Bầu Kiên bị tòa tuyên án 30 năm tù giam, nguyên Tổng giám đốc Lý Xuân Hải bị 8 năm còn các bị cáo khác chịu án 2-4 năm tù.
Ngoài ra, nhóm 6 công ty của bầu Kiên còn vay nợ hơn 8.600 tỷ đồng ở ngân hàng ACB và đến nay ngân hàng này vẫn chưa giải quyết xong số dư nợ ấy (còn hơn 500 tỷ). Biến cố bầu Kiên cũng khiến ACB lao đao trong một thời gian dài từ 2012, vào mới bắt đầu phục hồi lại từ vài năm trở lại đây.
Theo kết quả điều tra, trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Phạm Công Danh là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, nhận tái cấu trúc lại ngân hàng TrustBank khi đang làm ăn thua lỗ và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2014, với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Phạm Công Danh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh lập hồ sơ khống để thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỷ đồng của VNCB; ký các hợp đồng khống để thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, sau đó lấy 581 tỷ đồng từ VNCB trả cho các hợp đồng khống này để trả lãi cho các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác.
Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu (trị giá 900 tỷ) này cho 3 công ty từ nguồn tiền của VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng. Ngoài ra, Phạm Công Danh còn rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB.
Vì cần tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống để rút 4.700 tỷ đồng của VNCB để trả nợ cho nhiều nhóm khác nhau. Chỉ trong 2 năm (từ năm 2012 đến 2014) tổng số tiền mà Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 9.000 tỷ đồng.
Ngày 24/1/2017, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm ngày ngày 9 tháng 9 năm 2016 của TAND TP.HCM. Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh lãnh án 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 18 năm tù cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Danh là 30 năm tù.
Ngoài mức án trên, HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng gốc và lãi mà bị cáo Phạm Công Danh thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.
Cùng hai tội danh nêu trên, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) cũng bị tuyên y án 22 năm tù; Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT VNCB) 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 19 năm tù.
Liên quan đến vụ án, các bị cáo còn lại cũng bị tuyên mức án từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù, trong đó hầu hết các bị cáo làm giám đốc thuê đều được tuyên án treo.
Chiều 24 tháng 10 năm 2014, sau khi phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị của ông Thắm tại đây.
Trong thông cáo phát đi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Hà Văn Thắm, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng với ông này để điều tra về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo Điều 179 Bộ luật hình sự.
Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã cáo buộc Hà Văn Thắm ba tội danh là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra 46 người khác cũng bị truy tố, trong đó có một số bị can là lãnh đạo cấp cao của OceanBank như Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (đều nguyên tổng giám đốc); Nguyễn Văn Hoàn, Lê Thị Thu Thủy (nguyên phó tổng giám đốc).
Cáo trạng vụ án xác định trong quá trình hoạt động, OceanBank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho OceanBank và các cổ đông.
Theo cáo trạng, đến ngày 31/3/2014, hành vi của ông Thắm và các đồng phạm dẫn đến nợ xấu của OceanBank hơn 14.000 tỉ đồng và mô tả việc làm của các bị cáo “không chỉ gây thiệt hại cho OceanBank” mà còn còn gây ảnh hưởng đến điều được gọi là “các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.
Tổng số tiền bị thiệt hại trong vụ án là hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hành vi cố ý làm trái là chi lãi suất ngoài trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.500 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan điều tra còn xác định, ngoài hành vi chỉ đạo chi lãi suất ngoài hợp đồng để thu hút khách hàng, bị can Hà Văn Thắm còn liên quan đến các khoản vay có tổng dư nợ xấu tới 1.800 tỷ đồng của 8 khách hàng là doanh nghiệp... cơ quan điều tra còn nghi ngờ ông Thắm có hành vi tạo dựng 45 hợp đồng khống với 20 đối tác để rút tiền sử dụng cá nhân gây thiệt hại cho OceanBank 118 tỷ đồng.
Thời gian qua, vụ việc Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rút ruột hơn 304.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB bị phanh phui khiến đã khiến cho dư luận xôn xao.
Theo kết luận điều tra, mặc dù không trực tiếp giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng với việc nắm giữ trên 90% cổ phần, Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, biến SCB trở thành công cụ tài chính để bị can tổ chức huy động tiền gửi.
Kể từ khi Ngân hàng SCB sáp nhập 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, bà Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn sử dụng vào mục đích cá nhân.
Đây đều là các khoản vay khống, do vậy, khi đến hạn không trả được nợ, bà Lan cùng đồng phạm tiếp tục tạo ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại ngày càng lớn.
Trong đó, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỷ đồng.
Hành vi trên phạm vào tội tham ô tài sản. Ngoài ra, hành vi này của bà Lan còn gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, để che giấu thực trạng tài chính yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB, đồng thời để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bị can Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, đồng thời là trưởng đoàn thanh tra.
Bà Lan còn chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc với Ngân hàng SCB tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho bà Đỗ Thị Nhàn và các thành viên trong đoàn thanh tra, với số tiền hơn 5 triệu USD để được bao che sai phạm.
H.A