0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 13/05/2025 14:22 (GMT+7)

Vụ buôn lậu đất hiếm: Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn thừa nhận sai phạm

Theo dõi KT&TD trên

Tại phiên tòa, trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Cổ phấn tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) bật khóc, thừa nhận sai phạm trong khai thác đất hiếm và trình bày do năng lực hạn chế.

Ngày 13/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm 27 bị cáo trong vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm xảy ra tại Công ty Thái Dương gây thất thoát cho Nhà nước hơn 736 tỷ đồng.

Trong vụ án, bị cáo Đoàn Văn Huấn bị xét xử về 3 tội: “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Gây ô nhiễm môi trường”.

Vụ buôn lậu đất hiếm: Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn thừa nhận sai phạm
Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn khai báo tại Tòa.(Ảnh: M.H)

Theo cáo buộc, bị cáo Huấn với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương đã tổ chức, chỉ đạo hoạt động khai thác quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái) từ năm 2019 - 2023 vi phạm quy định pháp luật. Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép trị giá hơn 864 tỷ đồng và đã tiêu thụ tổng số quặng đất hiếm, quặng sắt có trị giá hơn 736 tỷ đồng.

Vừa bước lên bục khai báo, bị cáo Huấn liên tục khóc. Bị cáo cho biết, Công ty Thái Dương thành lập từ năm 2002 với 3 cổ đông, trong đó bị cáo là người trực tiếp điều hành cùng vợ và anh trai. Đồng thời, bị cáo cũng thừa nhận truy tố của Viện Kiểm sát là đúng.

Khi được hỏi về số tài nguyên đã khai thác, tiêu thụ cũng như số tiền hưởng lợi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Dương trình bày rằng không nhớ rõ. Theo lời khai của Huấn, bị cáo mới chỉ học hết lớp 8 nên quá trình hoạt động kinh doanh, bị cáo giao hết việc sổ sách kế toán cho bộ phận kế toán tổng hợp.

Bị cáo không nhớ rõ con số về tổng tài sản, chỉ áng chừng khoảng 1.000 tỷ đồng; ngoài ra còn 2 nhà máy đất hiếm ở Yên Bái. Khi thành lập công ty có 3 cổ đông gồm bị cáo, vợ và anh trai bị cáo, tuy mô hình là công ty cổ phần nhưng thực chất là công ty gia đình.

Công ty đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có khai thác khoáng sản, quặng, đất hiếm. Công ty chủ yếu khai khoáng, hoạt động ở Yên Bái, có giấy phép khai thác từ năm 2013 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Dương khai không nhờ vả, tác động đến ai, cũng không chi quà cho ai để được cấp phép.

Trình bày về việc không thực hiện đúng giấy phép, bị cáo Huấn thừa nhận việc biết rõ quy định phải xây xong nhà máy mới được khai thác đất hiếm nên Công ty Thái Dương đang xây dựng cấp tốc nhà máy chế biến sâu. Nói đến đây bị cáo Huấn vừa khóc vừa thừa nhận bản thân đã sai.

Vụ buôn lậu đất hiếm: Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn thừa nhận sai phạm
Các bị cáo tại Tòa. (Ảnh: M.H)

Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, bị cáo bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Ngọc bị cáo buộc cố ý làm trái nguyên tắc, điều kiện cấp phép cho Công ty Thái Dương.

Khai tại tòa, cựu Thứ trưởng nói rằng nếu Công ty Thái Dương thực hiện đầy đủ như giấy phép thì đã không có sai phạm xảy ra và khẳng định không có ai tác động để cấp phép, bị cáo cũng không quen biết Đoàn Văn Huấn.

Quá trình cấp phép, về thủ tục, hồ sơ nhận qua văn thư, nếu có vấn đề gì thì bộ phận chức năng sẽ có ý kiến rồi trả lại. Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận khi ký giấy phép thì hồ sơ chưa phù hợp với Luật Khoáng sản nhưng phù hợp với Chỉ thị 02 của Chính phủ và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. “Việc truy tố là có cơ sở, so sánh quy định pháp luật thời điểm đó thì cấp phép là sai rồi”, cựu Thứ trưởng thừa nhận.

Trong khi đó, tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bị xét hỏi về việc ký tờ trình đề xuất cấp giấy phép khai thác đất hiếm cho Công ty Thái Dương từ năm 2011.

Bị cáo thừa nhận đã không trực tiếp kiểm tra hồ sơ mà “tin anh em đã đọc và ký rồi nên ký luôn bản dự thảo gửi lên Bộ để trình Chính phủ”.

Bị cáo Thuấn khai, vào thời điểm đó, phía Nhật Bản đang mong muốn hợp tác trong lĩnh vực khai thác đất hiếm, nên khi nghe Công ty Thái Dương báo đã tìm thấy mỏ, bị cáo rất kỳ vọng vào cuộc hợp tác quốc tế này và đã chủ quan trong việc thẩm định hồ sơ.

Bị cáo cũng trình bày rằng năm 2015, trong bối cảnh xây dựng Nghị định khoáng sản mới bị phản đối quyết liệt, bản thân chuẩn bị nghỉ hưu và chịu nhiều áp lực.

Khi Hội đồng xét xử hỏi về việc có quen biết hay bị tác động bởi Đoàn Văn Huấn hay không? bị cáo Thuấn khai, sau khi Công ty Thái Dương được cấp giấy phép, vào khoảng tháng 7/2013, văn phòng tổ chức sinh nhật cho bị cáo, Đoàn Văn Huấn, có đến tham dự, chúc mừng bằng một bó hoa và một túi hoa quả. Khi về, bị cáo mở túi hoa quả ra thì thấy bên trong có phong bì 500 triệu đồng.

Bị cáo Thuấn cho rằng, bản thân không có gì vụ lợi từ sai phạm, sau đó bị cáo đã gọi điện để trả lại số tiền cho Huấn nhưng không nghe máy. Hiện, bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền nêu trên tại Cơ quan điều tra.

Bạn đang đọc bài viết Vụ buôn lậu đất hiếm: Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn thừa nhận sai phạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người dùng ô tô không cần quá lo về quy chuẩn khí thải
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, theo dự thảo về quy chuẩn khí thải, nếu một chiếc ô tô được kiểm tra, bảo dưỡng đầy đủ đều có thể đáp ứng mức khí thải theo lộ trình. Người đang sử dụng ô tô không cần phải quá lo lắng.

Tin mới

Đề xuất áp giá trần với nhà ở xã hội: Cần thêm thời gian đánh giá kỹ
Bộ Tư pháp vừa đề xuất bổ sung quy định áp giá trần với nhà ở xã hội trong dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù, nhằm đảm bảo người dân tiếp cận được nhà ở với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng chưa đồng tình, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện hơn trước khi áp dụng.
Thị trường bất động sản phía Nam sôi động trở lại
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của thị trường BĐS sau thời gian dài trầm lắng. Hàng loạt dự án mới được công bố, mở bán rầm rộ, cho thấy các DN đang đón đầu chu kỳ phục hồi với kỳ vọng lớn vào nhu cầu thực và sự tháo gỡ vướng mắc pháp lý từ chính sách mới.
Cầu căn hộ dịch vụ tại Hà Nội cải thiện nhờ dòng vốn FDI
Phân khúc căn hộ dịch vụ tại Thủ đô đang chứng kiến sự phục hồi tích cực, được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng nhu cầu lưu trú dài hạn đến từ các chuyên gia nước ngoài. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản Hà Nội sau giai đoạn trầm lắng kéo dài.
Nước giải khát có đường: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, nhằm định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng là một trong các vấn đề được đặt ra khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo.
Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi): Sắp xếp ưu đãi thuế hợp lý, bổ sung nhiều chính sách vượt trội
Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) đã rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế hợp lý một mặt không ảnh hưởng chính sách ưu đãi chung, nhưng cũng bổ sung các chính sách ưu đãi mới vượt trội để hỗ trợ DN mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.