VNREA kiến nghị giải pháp gỡ “nút thắt” về vốn cho nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội đang đối mặt với vô vàn rào cản, từ vướng mắc quỹ đất, thủ tục hành chính, đến nguồn vốn và chính sách chưa thực sự hiệu quả. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã đưa ra những kiến nghị mạnh mẽ để hóa giải “điểm nghẽn” và khơi thông dòng chảy cho phân khúc quan trọng này.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang nỗ lực phục hồi và áp lực an sinh về nhà ở ngày càng gia tăng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà một loạt kiến nghị mang tính đột phá. Trong đó, điểm nhấn là đề xuất gói vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp chưa từng có, được xem như “cú hích chính sách” để tháo gỡ các “điểm nghẽn” kéo dài suốt nhiều năm qua.
Dù nhu cầu về nhà ở xã hội tại Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu công nghiệp đang ngày càng tăng, nhưng tiến độ triển khai vẫn giẫm chân tại chỗ. Theo VNREA, thị trường đang bị kìm hãm bởi hàng loạt rào cản, từ thiếu quỹ đất sạch, thủ tục rườm rà, cho tới thiếu nguồn vốn dài hạn và chính sách chưa thực sự hiệu quả.

Một trong những rào cản lớn nhất là mức lợi nhuận trần 10% dành cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, con số được cho là không đủ hấp dẫn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao liên tục. Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn chưa chủ động bố trí ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, khiến các dự án bị “treo” vô thời hạn.
Trong khi đó, dù Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP đã phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc bố trí quỹ đất, nhưng việc áp dụng thiếu rõ ràng khiến các tỉnh, thành phần lớn chọn cách “an toàn” là ép các chủ đầu tư thương mại dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội thay vì chủ động quy hoạch riêng biệt.
Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội cũng gần như bị “chặn cửa” bởi chính sách vay vốn hiện hành. Mức hỗ trợ tối đa 80% giá trị căn hộ, yêu cầu người vay phải có sẵn 20% vốn đối ứng là rào cản lớn đối với người lao động thu nhập thấp. Đặc biệt, nhóm lao động tự do thường không thể chứng minh thu nhập, dẫn đến bị loại khỏi danh sách vay vốn.
Ngoài ra, vị trí quy hoạch nhà ở xã hội nhiều nơi quá xa trung tâm, thiếu hạ tầng và kết nối giao thông khiến người dân ngần ngại chuyển đến, dù giá rẻ hơn nhiều so với nhà thương mại.

Trước thực trạng trên, VNREA đã đề xuất một gói tín dụng ưu đãi có điều kiện tài chính tốt nhất từ trước đến nay, được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt thực sự cho thị trường nhà ở xã hội.
Đối với chủ đầu tư: Lãi suất chỉ 3-4%/năm cho các dự án bán; 2-3%/năm cho các dự án cho thuê; thời hạn vay tối thiểu 20-25 năm. Đối với người mua nhà: Lãi suất dưới 4%/năm; thời hạn vay 23-25 năm. Kết hợp mô hình trả góp linh hoạt, phù hợp với khả năng chi trả thực tế của người thu nhập thấp.
Đây được xem là mức hỗ trợ chưa từng có trong lĩnh vực nhà ở xã hội tại Việt Nam, vượt xa cả gói 120.000 tỷ đồng công bố năm 2023, vốn đến nay mới giải ngân chưa tới 5% do lãi suất thực tế vẫn cao và thời gian vay ngắn.
Không dừng lại ở tín dụng, VNREA còn kiến nghị giảm thuế VAT cho dự án nhà ở xã hội xuống chỉ còn 0-3%, thay vì mức 5% hiện hành để giảm chi phí đầu tư và giá bán cho người mua.
Bên cạnh đó, cần huy động nguồn vốn xã hội hóa, bao gồm: Quỹ đầu tư phát triển địa phương, phát hành trái phiếu chính phủ và hợp tác công - tư để đảm bảo nguồn vốn bền vững.
Một đề xuất then chốt khác là yêu cầu các địa phương lập danh mục dự án nhà ở xã hội cụ thể, bố trí quỹ đất sạch có hạ tầng đầy đủ, gần trung tâm hoặc khu công nghiệp. Điều này giúp nâng cao tính hấp dẫn với người mua và hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đô thị.
Đại diện VNREA khẳng định: “Không thể nói chính sách tốt nếu doanh nghiệp không muốn làm, người dân không thể vay, còn dự án thì mãi nằm trên giấy. Nhà ở xã hội cần được nhìn nhận như một trụ cột trong chiến lược an sinh quốc gia không chỉ trên giấy tờ, mà bằng hành động và cơ chế cụ thể”.
Nếu được triển khai quyết liệt, minh bạch và đồng bộ, gói vay lãi suất thấp cùng hệ sinh thái hỗ trợ về đất, thuế, tín dụng do VNREA đề xuất có thể mở ra một chương mới cho nhà ở xã hội tại Việt Nam, nơi người thu nhập thấp không chỉ “có quyền mơ”, mà còn thực sự có cơ hội sở hữu một mái ấm an toàn, bền vững.