VN-Index sẽ rung lắc mạnh để lập đỉnh 1.280 -1.300 điểm
Các chuyên gia dự báo, VN-Index năm nay sẽ lập đỉnh ở khu vực 1.280 -1.300 điểm song để lên được mức này thị trường sẽ rung lắc rất nhiều lần.
Thị trường đã hồi phục đáng kể
Thời gian gần đây, các định chế tài chính quốc tế như World Bank hay IMF… đều đã nâng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023. Trong khi đó, các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc cũng đã phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn dự kiến… Còn ở trong nước, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được thúc đẩy, thị trường chứng khoán cũng đã tăng mạnh vượt ngưỡng 1.200 điểm, thanh khoản có lúc lên mức tỷ USD/phiên…
Nhận định về những tín hiệu từ nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết: “Số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn tín dụng 5 tháng đầu năm tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, nhìn lại thời điểm cùng kỳ, đến hết tháng 5/2022, tín dụng tăng trưởng 8% so với cuối năm 2021. Khả năng tín dụng vẫn sẽ tiếp tục yếu từ nay tới cuối năm.
Mặc dù vậy, giảm lãi suất điều hành mang tính chất định hướng nhiều hơn bởi thực tế mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Do đó, trong thời gian tới cần phải khuyến khích, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Thị trường chứng khoán hồi phục đáng kể sau động thái bốn lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, dòng vốn dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán thực chất không đáng kể vì lãi suất điều hành giảm nhưng lãi suất tiền gửi vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Lãi suất giảm sẽ tác động tích cực cho sản xuất kinh doanh, bất động sản, chứng khoán, song nhà đầu tư không nên quá chủ quan vì triển vọng hồi phục doanh nghiệp không thể nhanh, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn quá yếu”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là động lực lớn nhất dẫn dắt nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường, đặc biệt là với những người ưa khẩu vị rủi ro cao. Đây là những nhà đầu tư thích lướt sóng, không mặn mà với việc gửi tiết kiệm, tuy nhiên trong giai đoạn chứng khoán khó khăn năm 2022 thì nhóm này buộc phải trú ẩn vào ngân hàng. Do đó, khi lãi suất giảm thì một phần tiền này sẽ chuyển sang kênh chứng khoán.
Bối cảnh lãi suất ở thời điểm hiện tại dẫn đến dòng tiền đáo hạn thời gian qua dịch chuyển đổ lại kênh chứng khoán. Cơ bản, thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc 90% vào dòng tiền cá nhân vì vậy 6 tháng cuối năm 2023 sẽ có một cơn sóng rõ ràng chứ không phân hóa như giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, sẽ rất khó để đón được một cơn sóng thần như năm 2021 vì 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, 80% nhà đầu tư cá nhân thiệt hại tài sản lớn sau đợt giảm của thị trường năm 2022, tâm lý sợ hãi vẫn còn.
Thứ hai, Fed và các ngân hàng trung ương vẫn thắt chặt chưa nới lỏng nên khó để kỳ vọng chu kỳ tiền rẻ quay lại, lạm phát chưa về mục tiêu của Fed, các yếu tố vĩ mô, địa chính trị mà chúng ta chưa dự báo được nên khó có dòng tiền rẻ quay lại và thị trường chưa thể bùng nổ. Việc chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ là cơ sở để tiền chuyển từ tiết kiệm sang kênh chứng khoán”.
VN-Index sẽ lập đỉnh ở khu vực 1.280 -1.300 điểm?
Dự báo về thị trường những tháng cuối năm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 rằng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm nay và VN-Index sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 1.280-1.300 điểm.
Theo ông Khánh, trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, các kênh tiền gửi, tiết kiệm, trái phiếu… đều kém hấp dẫn. Với kênh đầu tư ngoại tệ và vàng, hiện tại biến động thị trường ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì chính sách giữ tỷ giá ổn định, theo đó khả năng sinh lợi của các tài sản này không cao. Thị trường bất động sản vừa trải qua khủng hoảng, dòng tiền chưa có dấu hiệu trở lại khi lực cầu yếu.
“Các thị trường chứng khoán như Mỹ, Nhật Bản… và một số thị trường khác đều có đà tăng tích cực. Kênh cổ phiếu đang hấp dẫn hơn cả so với các kênh đầu tư khác”, ông Khánh nói.
Thị trường chứng khoán đã tăng rất mạnh sau khi chạm đáy vào năm 2022. Thị trường đã quay trở lại tăng mạnh, niềm tin nhà đầu tư đã tăng. Tuy nhiên ở dòng tiền hiện tại, khối nội đang chi phối rất mạnh trên thị trường. Thanh khoản của thị trường tăng trong 2-3 tuần trở lại đây, thanh khoản mỗi phiên lên tới 20.000 -24.000 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại lại giao dịch rất thấp, theo thống kê chỉ có tháng 1 và tháng 3 là khối ngoại có mua ròng khoảng 1.500 – 2.000 tỷ đồng.
"Con số này so với volume giai đoạn trước thì rõ ràng, họ giao dịch rất cầm chừng và chưa giải ngân mạnh trên thị trường", Giám đốc phân tích VPS cho hay.
Đánh giá thực trạng của nền kinh tế trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, tình hình khó khăn đối với các doanh nghiệp vẫn đang tồn tại. Sự phục hồi của lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng doanh thu vẫn còn rất chậm. Tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục nên thị trường chứng kiến dòng tiền tìm tới kênh tăng trưởng tốt hơn, nhất là chứng khoán.
Theo ông Khánh, thị trường hiện có phản ứng khá lạc quan so với tình hình sức khoẻ của các doanh nghiệp khi niềm tin của nhà đầu tư tăng lên, dòng tiền không tìm thấy kênh nào hấp dẫn hơn. Điều này cũng rất bình thường bởi thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế thực, ông Khánh cho hay.
Đánh giá cơ hội đầu tư nên vào nhóm ngành nào hơn ông Khánh cho rằng, ngoài yếu tố dựa trên kết quả doanh thu, lợi nhuận còn phải xem xét đến những yếu tố về tiềm năng và giá cổ phiếu. Ông Khánh dự báo mốc cao nhất của VN-Index năm nay nằm ở khu vực 1.280 -1.300 điểm, song để tăng đến khu vực này thị trường sẽ rung lắc rất nhiều lần.
Nhóm ngành nào tiềm năng nửa cuối năm?
Về nhóm ngành tiềm năng, ông Khánh gợi ý nhóm công nghệ viễn thông, dầu khí, bán lẻ, số hoá và nhóm hưởng lợi từ đầu tư công. Bên cạnh đó, ông Khánh khuyến nghị nhà đầu tư cần chú ý hơn đến các mã cổ phiếu riêng lẻ đáp ứng được tiêu chuẩn đầu tư.
Giám đốc phân tích VPS cũng đưa ra lời khuyên rằng nhà đầu tư nên chú ý nhiều hơn đến hướng đi của chính sách, xu hướng điều chỉnh lãi suất của các Ngân hàng Trung ương. Ví dụ như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 0,25% trong tháng 7 và có khả năng tiếp tục tăng lãi suất và sau đó là đổi hướng sang giảm trong đầu năm tới.
"Xu hướng lãi suất ảnh hưởng rất nhiều tới đầu tư. Với Việt Nam, tôi cho rằng, khó khăn đã qua và tiến tới là phục hồi như thế nào, có thể là khởi sắc từ từ chứ không nhanh như kỳ vọng. Đâu đó đã có ánh sáng ở cuối đường hầm, từ nay đến cuối năm và sang năm 2024 sự phục hồi của nền kinh tế sẽ ngày càng rõ ràng và cơ hội sẽ xuất hiện nhiều hơn", ông Khánh nhìn nhận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Phú - Phó Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ MB Capital cho rằng, nhìn chung, các cổ phiếu đều đi lên trong nửa đầu năm 2023. Xét trên góc độ cơ bản, những nhóm ngành như chứng khoán, vật liệu xây dựng (đặc biệt nhóm nhựa), dầu khí, thép đều là những nhóm có triển vọng tốt và có sự thể hiện tích cực hơn so với thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cơ bản.
"Nhìn về nửa cuối năm nay, tôi đánh giá khá lạc quan cho những nhóm ngành cơ bản có triển vọng tốt. Đặc biệt, nhà đầu tư nên tập trung vào những nhóm có khả năng phục hồi trở lại sau giai đoạn khó khăn từ nửa cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Đây sẽ là cơ hội đón đầu sự phục hồi hoạt động kinh doanh." ông Nguyễn Hữu Phú chia sẻ.
Về 2 nhóm vốn hóa lớn là ngân hàng, bất động sản, Phó Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ MB Capital đánh giá cao nhóm ngân hàng, bởi định giá vẫn còn tương đối rẻ so với thị trường chung. Dù chưa thể khẳng định đã qua giai đoạn khó khăn nhưng đã nhận diện được các rủi ro tương đối rõ.
Bên cạnh đó, giai đoạn huy động vốn đầu vào cao như nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đã kết thúc, dẫn đến triển vọng ngành ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng theo tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của nhóm ngân hàng có bộ đệm khá vững chắc, do đó ngành này vẫn hấp dẫn và có thể xem xét đầu tư dài hạn.
Còn với nhóm bất động sản, triển vọng chung vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024, do nhiều năm vừa qua, mặt bằng giá của nhóm bất động sản đã neo tương đối cao. Với tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân suy giảm hoặc đi ngang và chững lại thì cần thêm thời gian để có thể hấp thụ các dự án mới của các chủ đầu tư.
Muốn đầu tư vào nhóm bất động sản, nhà đầu tư cần xem xét rất kỹ từng chủ đầu tư, từng dự án sắp mở bán. Nếu các dự án có pháp lý tốt, được mở bán trong thành phố hoặc vùng ven thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… là các doanh nghiệp bất động sản có thể xem xét. Đồng thời, lưu ý tình hình tài chính xem doanh nghiệp đó có vay nợ quá cao hay không hoặc có phát hành trái phiếu nhiều quá hay không.
Nhìn chung, ngành bất động sản vẫn còn khó khăn nên nếu có đầu tư, phải tìm doanh nghiệp có danh mục dự án trong ngắn hoặc trung hạn khả thi.
Hồng Quang