Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%, mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2011-2022
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021
Số liệu từ Tổng cục Thống kê vừa công bố, tăng trưởng kinh tế quý IV ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.
Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%). Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2022 ước đạt 1.514,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với quý trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).
Vận tải hành khách quý IV/2022 ước đạt 874,8 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 41 tỷ lượt khách.km, gấp 3 lần. Tính chung năm 2022, vận tải hành khách ước đạt 3.664,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 52,8% so với năm trước (năm 2021 giảm 32,7%) và luân chuyển đạt 171,8 tỷ lượt khách.km, tăng 78,3% (năm 2021 giảm 40,9%). Vận tải hàng hóa quý IV/2022 ước đạt 537,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 121,5 tỷ tấn.km, tăng 23,8%. Tính chung năm 2022, vận tải hàng hóa ước đạt 2.009,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 23,7% so với năm trước (năm 2021 giảm 8,4%) và luân chuyển 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% (năm 2021 tăng 0,5%).
Doanh thu hoạt động viễn thông quý IV/2022 ước đạt 84,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 2,1%). Tính chung năm 2022, doanh thu hoạt động viễn thông ước đạt 333,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,6%).
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng mười Hai đạt 707,1 nghìn lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và gấp 41,2 lần so với năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.