0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 24/06/2024 14:11 (GMT+7)

Trúng thầu nghìn tỷ, ‘sức khoẻ’ tài chính Xây dựng cầu đường Hà Nội thế nào?

Theo dõi KT&TD trên

Công ty cổ phần Xây dựng cầu đường Hà Nội được biết tới là một trong những nhà thầu có thế mạnh khi trúng nhiều gói thầu tại các Ban QLDA Đầu tư xây dựng trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Đa số các gói thầu đều trúng với tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước ở mức khá thấp.

Nhà thầu “quen thuộc” tại các Ban QLDA Đầu tư xây dựng ở Hà Nội

Công ty cổ phần Xây dựng cầu đường Hà Nội (Xây dựng Cầu đường Hà Nội) được thành lập vào tháng 7/2004, có địa chỉ tại số 68 phố Thanh Bình, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Văn Hưng.

Xây dựng cầu đường Hà Nội là đơn vị chuyên ngành xây dựng giao thông, thủy lợi và dân dụng. Chính vì vậy, không quá bất ngờ khi doanh nghiệp là một trong những nhà thầu có nhiều thế mạnh và khá quen thuộc trong lĩnh vực xây lắp trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Đáng chú ý, các gói thầu của Xây dựng cầu đường Hà Nội từng tham gia đấu thầu có tỷ lệ trúng thầu gần như sát giá, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước ở mức rất thấp tại các đơn vị như: Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai thành phố Hà Nội, Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa, Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Thường Tín, Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa,…

Trúng thầu nghìn tỷ, ‘sức khoẻ’ tài chính Xây dựng cầu đường Hà Nội thế nào?
Công ty cổ phần Xây dựng Cầu đường Hà Nội (Xây dựng Cầu đường Hà Nội) được thành lập vào tháng 7/2004

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy, Xây dựng cầu đường Hà Nội đã tham gia đấu và trúng 27 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu hơn 2.867,5 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 1.054,2 tỷ đồng và tổng giá trị các gói thầu đã tham gia và trúng thầu với vai trò liên danh hơn 1.813,2 tỷ đồng.

Đơn cử, vào tháng 12/2023 trong vai trò liên danh, Xây dựng cầu đường Hà Nội cùng với CTCP Tư vấn và xây dựng phát triển công nghệ - CTCP Đầu tư và xây dựng Lộc Phát Việt Nam – CTCP Xây lắp điện Duy Anh trúng Gói thầu số 14: Thi công xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư, với giá trúng thầu 409,03 tỷ đồng. Gói thầu này có giá dự toán hơn 409,49 tỷ đồng; như vậy tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ 0,1%.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Liên danh Xây dựng cầu đường Hà Nội - CTCP Minh Trâm – Công ty TNHH Nam Thành cũng trúng Gói thầu: Thi công xây dựng công trình, đảm bảo giao thông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư, với giá trúng thầu hơn 362,74 tỷ đồng; giá dự toán hơn 363,18 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ chỉ 0,12%.

Tại Gói thầu số 05: Xây dựng đảm bảo ATGT, dự án đường giao thông liên xã Đông Lỗ - Kim Đường, kết hợp cứng hóa kênh mương đoạn từ kênh I2-14 đến kênh A2-12, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư. Trong vai trò liên danh, Xây dựng cầu đường Hà Nội cùng với CTCP Tư vấn và xây dựng phát triển Công nghệ - CTCP Minh Trâm trúng thầu với giá hơn 153,65 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 153,99 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ chỉ 0,2%.

Trúng thầu nghìn tỷ, ‘sức khoẻ’ tài chính Xây dựng cầu đường Hà Nội thế nào?
Xây dựng Cầu đường Hà Nội được biết tới là một trong những nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại các Ban QLDA Đầu tư xây dựng trên địa bàn thủ đô Hà Nội

Vào tháng 5/2023, Liên danh Xây dựng cầu đường Hà Nội và Công ty TNHH Nam Thành đã trúng Gói thầu số 07: Xây dựng công trình và đảm bảo an toàn giao thông tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Huyện Mỹ Đức làm chủ đầu tư. Liên danh có sự góp mặt của Xây dựng cầu đường Hà Nội đã trúng với giá hơn 244,14 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 244,65 tỷ đồng; tiết kiệm được cho ngân sách với tỷ lệ chỉ 0,2%.

Tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai thành phố Hà Nội, Xây dựng Cầu đường Hà Nội với vai trò độc lập liên tiếp được đơn vị này “chọn mặt gửi vàng” tại nhiều gói thầu. Đơn cử, Xây dựng Cầu đường Hà Nội trúng Gói thầu số 3: Phần xây dựng công trình, chi phí hạng mục chung, thuộc dự án Đường quốc lộ 21B-Tân Ước (giai đoạn II), với giá trúng thầu hơn 30,49 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 30,54 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ khiêm tốn chỉ 0,1%.

Hay tại Gói thầu số 5 xây dựng công trình, chi phí hạng mục chung, thuộc dự án Đường trục xã Kim Thư (đoạn từ QL21B đi đê tả Đáy), Xây dựng cầu đường Hà Nội “một mình một ngựa” trúng thầu với giá hơn 12,83 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 12,84 tỷ đồng. Tại gói thầu này, đơn vị trúng thầu tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước ở mức “siêu thấp” chỉ 0,07%.

“Sức khoẻ tài chính” Xây dựng cầu đường Hà Nội thế nào?

Việc trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn đưa doanh thu của Xây dựng cầu đường Hà Nội hàng năm lên con số hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tham gia vào nhiều gói thầu với giá trị lớn dường như đang tạo ra áp lực khá lớn cho bức tranh tài chính của Xây dựng cầu đường Hà Nội trong năm 2023. Điều này được phản ánh qua nợ phải trả của công ty tăng mạnh, cùng với đó là nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn.

Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Xây dựng Cầu đường Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2023, tổng cộng tài sản của công ty là 380,7 tỷ đồng, tăng 37,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 355,1 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 25,5 tỷ đồng.

Xây dựng cầu đường Hà Nội hiện có gần 2,7 tỷ đồng tiền mặt và hơn 109,1 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Đáng chú ý, trả trước cho người bán ngắn hạn của công ty là hơn 79,8 tỷ đồng, tăng gấp 12,3 lần số đầu năm.

Tại ngày 31/12/2023, hàng tồn kho của công ty ghi nhận ở mức hơn 124,1 tỷ đồng, bao gồm: Nguyên liệu, vật liệu hơn 41,2 tỷ đồng và Chi phí sản xuất dở dang hơn 82,89 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Xây dựng cầu đường Hà Nội ghi nhận hơn 357,7 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng sau 12 tháng. Đáng chú ý khi toàn bộ nợ của công ty là nợ ngắn hạn.

Như vậy, hiện hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Xây dựng cầu đường Hà Nội là 0,99. Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Trên bảng lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Xây dựng cầu đường Hà Nội âm 62,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 17 triệu đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của công ty âm 73,7 tỷ đồng, cùng kỳ âm 16 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 22,9 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của công ty hiện gấp tới 15,6 lần so với vốn chủ sở hữu.

Việc nợ phải trả cao gấp 15,6 lần vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của Xây dựng cầu đường Hà Nội được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Được biết, nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên họ có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.

Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.

Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề, không lường trước rủi ro sụt giảm.

Minh Đức

Bạn đang đọc bài viết Trúng thầu nghìn tỷ, ‘sức khoẻ’ tài chính Xây dựng cầu đường Hà Nội thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng uy tín năm 2025
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng uy tín năm nay gồm có Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tổng Công ty Viglacera - CTCP, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Cổ phần Vicostone...
Gỡ bỏ “rào cản” để kinh tế tư nhân phát triển
Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, phần lớn vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên gặp không ít “rào cản” để mở rộng phát triển như thiếu vốn, thiếu kết nối, thiếu sự đổi mới công nghệ… Thậm chí, không ít doanh nghiệp tư nhân “không muốn lớn”.
"Kích hoạt" tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân
Các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực FDI và khu vực hành chính công về phương diện tạo thu nhập cho người lao động và khoảng cách này ngày một nới rộng hơn.
DOJI Group đồng hành Festival Huế 2025
Sự đồng hành của Tập đoàn DOJI không chỉ góp phần nâng cao tầm vóc của Festival Huế 2025, mà còn thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

Tin mới

Iki Matcha Tàu Hủ & Iki Matcha Latte – Dấu ấn matcha mới từ KATINAT
Từ lâu, KATINAT đã trở thành một trong những thương hiệu tiên phong trong việc mang đến những trải nghiệm thức uống độc đáo. Với Iki Matcha Tàu Hủ và Iki Matcha Latte, KATINAT không chỉ giới thiệu hai thức uống mới mà còn mở ra một góc nhìn khác về sự kết hợp giữa matcha Nhật Bản và ẩm thực Việt.
Liên tiếp phát hiện số lượng lớn móng giò lợn và chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực kiện ý kiến chỉ đạo của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn về tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, Đội QLTT số 6 cùng các cơ quan phối hợp phát hiện gần hơn 2 tấn móng giò lợn và chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ đang chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ.