0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 19/11/2024 10:50 (GMT+7)

TP.HCM: Nhiều giải pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử

Theo dõi KT&TD trên

Với những nỗ lực đồng bộ của ngành thuế Thành phố, trong 10 tháng năm 2024, tổng doanh thu thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đạt 91.962 tỉ đồng, tăng 43,7% so cùng kỳ, chiếm 33,5% doanh thu thương mại điện tử cả nước.

Đưa vào quản lý trên 11.600 người kinh doanh thương mại điện tử

Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo triển khai giải pháp thu thuế liên quan lĩnh vực thương mại điện tử, nhằm tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử và đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời đối với hoạt động kinh doanh này.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Cục Thuế thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường cùng một số đơn vị liên quan để tham mưu UBND Thành phố văn bản chỉ đạo về các giải pháp thu thuế liên quan lĩnh vực thương mại điện tử chậm nhất ngày 20/11/2024, nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2024.

TP.HCM: Nhiều giải pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử
Cục Thuế TP.HCM đã rà soát, đưa vào quản lý 11.606 người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử.

Trường hợp phát sinh nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương thì sớm tham mưu UBND Thành phố có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền để được hướng dẫn hoặc chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, sớm xây dựng và ký kết quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục Thuế Thành phố và các sở, ngành trên địa bàn trong quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử, làm cơ sở triển khai trong tháng 12/2024.

Cục Thuế TP.HCM phối hợp Sở Nội vụ rà soát, kiện toàn nhân sự và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu, đôn đốc thu nộp ngân sách Nhà nước trên địa bàn, trình UBND thành phố trong tháng 11/2024.

Về phía Sở Công Thương, UBND TP.HCM giao cơ quan này chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan kiện toàn nhân sự của Hội đồng ngành thương mại điện tử thành phố và trình UBND Thành phố trước ngày 30/11/2024.

Trong vài năm gần đây nhiệm vụ chống thất thu thuế trong kinh doanh thương mại điện tử là một trong những chuyên đề chống thất thu ngân sách Nhà nước luôn được ngành thuế TP.HCM ưu tiên tập trung thực hiện.

Song song đó, Cục Thuế TP.HCM và các ngành chức năng đã từng bước nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; tập trung rà soát, xây dựng dữ liệu đối với hoạt động thương mại điện tử để áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử và tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng doanh thu thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM đạt 91.962 tỉ đồng, tăng 43,7% so cùng kỳ, chiếm 33,5% doanh thu thương mại điện tử cả nước.

Cũng trong thời gian này, Cục Thuế TP.HCM đã rà soát, đưa vào quản lý 11.606 người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Doanh thu quản lý thuế đối với nhóm hoạt động này là 562.047 tỉ đồng, với tổng số thuế phải nộp qua kê khai là 7.373 tỉ đồng.

Thu thập dữ liệu đa nền tảng

Những năm gần đây xu hướng kinh doanh qua thương mại điện tử đã phát triển như vũ bão và trở thành một thách thức đối với ngành thuế. Đặc biệt tại Việt Nam một quốc gia được đánh giá phát triển thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Đơn cử trong năm 2023, thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng 25% so với năm 2022, đạt 25 tỉ USD với quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỉ USD, cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của kinh tế.

“Cơn lốc” kinh doanh online, livetream bán hàng qua thương mại điện tử đưa ngành thuế vào một thách thức và nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Trong đó, công tác rà soát hoạt động tài chính qua dữ liệu của ngân hàng cung cấp đã đưa ra những hiệu quả lớn. Việc cung cấp dữ liệu tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế nói trên được thực hiện theo Nghị định 126/2020 và Luật Quản lý thuế 2019. Theo đó, các thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch được ngân hàng cung cấp theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế để phục vụ công tác kiểm tra nghĩa vụ thuế. Phía ngành Thuế có trách nhiệm bảo mật khai thác, lưu trữ thông tin tài khoản của người nộp.

Ngoài dữ liệu tài khoản ngân hàng, ngành Thuế cũng nắm thông tin của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và 130 tổ chức trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, về quản lý thuế, ngành thuế đã tiếp cận hoạt động thương mại điện tử theo các nền tảng có hoạt động thương mại điện tử để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm: Nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Amazon, Alibaba...; website/ứng dụng thương mại điện tử như Abay.vn, Ahamove, Amway.com.vn, Bachhoaxanh.com, Đienmayxanh.com…; nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok…; nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận như Grab, Be, Foody, Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh…; nền tảng đại lý như Booking, Agoda, Airbnb…; nền tảng sử dụng usename như Netflix, Spotify...; các nền tảng quảng cáo khác như Facebook, Google, Youtube...; hay nền tảng kho ứng dụng Apple Store, CH Play…

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như sau năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỉ đồng (gần 130,57 tỉ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỉ đồng; năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỉ đồng (gần 146,28 tỉ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định.

Theo đó, kết quả lũy kế trong 3 năm 2021, 2022 và 2023 đã có 31.570 tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát. Trong tổng số các trường hợp đưa vào diện rà soát, đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỉ đồng. Trong số đó xử lý kê khai, truy thu, xử lý vi phạm là 1.818 tỉ đồng, giảm lỗ là 986 tỉ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 113,9 tỉ đồng.

Với xu thế phát triển chung “thủ phủ kinh tế” TP.HCM được xem là điểm nóng về thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Địa phương này cũng đã có những bước đi tiên phong trong lĩnh vực quản lý thuế thời gian qua và có những hiệu quả tích cực.

Theo Cục Thuế TP.HCM, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cơ quan thuế sẽ chủ động làm việc với các Sở Thông tin và Truyền thông, Công Thương để xây dựng chương trình/đề án tổng thể quản lý trước mắt và lâu dài; đồng thời xây dựng làm giàu cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử. Đây được xem là cơ sở để cơ quan thuế khai thác hiệu quả thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số. Từ đó, lập kế hoạch quản lý thuế, chống thất thu thuế, rà soát và xử lý nợ thuế theo quy trình, quy định.

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP.HCM kiến nghị Tổng cục Thuế làm việc với một số sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiktok... để lấy danh sách nhà cung cấp thực hiện các phiên livestream với doanh thu lớn. Từ đó, cơ quan thuế sẽ kiểm tra tính tuân thủ pháp luật thuế của các đơn vị. Đồng thời, lập danh sách và thực hiện rà soát, kiểm tra về thuế (đăng ký và kê khai nộp thuế) đối với các cá nhân là người nổi tiếng, người sáng tạo nội dung tại Việt Nam trên những nền tảng mạng xã hội Facebook, Tikok, Youtube...

Cơ quan thuế cũng sẽ phối hợp thông qua những công ty đối tác của Google, Facebook, Tiktok... tại Việt Nam để xác minh thu nhập của các Youtuber, Tiktoker và người nổi tiếng.

Đình Dân

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nhiều giải pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng phó khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao
Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao và thiết lập kỷ lục mới. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý cần làm gì để ứng phó với biến động của tỷ giá.

Tin mới

Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
Đội QLTT số 2,Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Công an huyện Yên Phong kiểm tra Điểm tập kết hàng hóa tại thôn Đông Mai, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, tạm giữ hơn 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất.
Giai điệu mới cho câu chuyện nông sản Việt
"Giải cứu nông sản" - cụm từ từng gây nhức nhối, ám ảnh bao người nay đã dần được thay thế bằng "tự hào nông sản Việt". Đâu là bí quyết cho sự thay đổi ngoạn mục này? Câu trả lời nằm ở chính những nỗ lực phi thường của các doanh nghiệp Việt, cùng sự hỗ trợ đắc lực từ nền tảng TikTok.
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên sàn thương mại điện tử Tiktok Shop
Trong vòng hơn 01 tháng theo dõi, Đội QLTT số 4 phát hiện đối tượng có kho hàng hoá kinh doanh tại xóm Sơn Hồng, xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Ngày 13/11/2024, Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - Ma tuý, Công an huyện Giao Thủy tiến hành kiểm tra kho hàng trên.