TP.HCM: Đề xuất chuyển 3 cá nhân liên quan đến chứng chỉ hành nghề xây dựng sang cơ quan điều tra
Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 168/KL-TTTP-P8 về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và quản lý Nhà nước về trật tự đô thị tại UBND quận Bình Tân (thời kỳ 2021-2022).
Theo Kết luận Thanh tra, UBND quận Bình Tân để 40 đơn vị sự nghiệp công lập và 2 địa chỉ của Trung tâm Văn hóa – Thể dục thể thao quận sử dụng nhà, đất công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được UBND Thành phố phê duyệt đề án, là chưa đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Về khu đất tại địa chỉ số 1756A, đường Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo báo cáo UBND Thành phố chưa đúng diện tích trong quy hoạch. Chủ trương dừng cho thuê đối với 4 mặt bằng tại các phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa B và phường An Lạc nhưng chưa báo cáo và chưa được UBND Thành phố chấp thuận.
“Áp dụng đơn giá cho thuê của chứng thư thẩm định giá đối với tài sản thẩm định có diện tích lớn để ký nhiều hợp đồng cho thuê mặt bằng với diện tích nhỏ hơn tại cùng 1 địa chỉ, là chưa phù hợp, làm giảm đơn giá thuê của tài sản; chấp thuận gia hạn hiệu lực chứng thư thẩm định giá (đã hết hiệu lực theo quy định) để ký hợp đồng cho thuê, là chưa đảm bảo quy định tại Mục 7 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 5 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06, 07”, Kết luận Thanh tra nêu rõ.
Cũng theo Kết luận Thanh tra, 10 địa chỉ sử dụng chưa hết công năng, giảm hiệu quả khai thác tài sản, không đảm bảo vệ sinh môi trường (6 địa chỉ để trống, 3 địa chỉ sử dụng để làm kho, 1 địa chỉ người dân dựng nhà tạm cư ngụ) theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và 3 địa chỉ nhà, đất cần báo cáo, đề xuất lại Thường trực Ban Chỉ đạo 167 để rà soát, trình UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo.
Chưa xây dựng phương án quản lý, sử dụng đối với các khu đất dôi dư trên địa bàn quận theo Kết luận Thanh tra số 26/KL-TTTP-P4 ngày 11/12/2020 của Thanh tra Thành phố.
Kết luận Thanh tra cũng chỉ ra về quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đô thị còn một số tồn tại. Cụ thể, một số trường hợp cấp giấy phép xây dựng; giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà chưa đầy đủ về trình tự, thủ tục: Không có bản kê khai năng lực, kinh nghiệm, chứng chỉ hoạt động xây dựng của Công ty và chứng chỉ hành nghề của cá nhân tham gia kiểm định móng, kết cấu công trình.
Đáng chú ý, trong đó có 3 công trình trong khu quy hoạch 1/500 cấp phép không đúng quy hoạch, sai mẫu nhà được duyệt. Cá biệt có 3 cá nhân sử dụng chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng không phải do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp, có dấu hiệu vi phạm hình sự, cần chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định.
Ngoài ra, 79 công trình tại phường Tân Tạo, 1 công trình là biệt thự xây trái phép trên đất trồng cây lâu năm và 1 công trình vị trí đất bên hông cầu An Lạc cùng trên địa bàn phường An Lạc chưa được tháo dỡ dứt điểm. Còn 9 trường hợp phát hiện chậm dẫn đến quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (gồm 2 trường hợp tại phường An Lạc A, 3 trường hợp tại phường An Lạc, 1 trường hợp tại phường Tân Tạo và 3 trường hợp tại phường Bình Hưng Hòa B).
“Để xảy ra các sai sót, vi phạm nêu trên trách nhiệm chính trực tiếp thuộc về Đội Thanh tra địa bàn quận, Phòng Quản lý đô thị, Đội Quản lý trật tự đô thị, Chủ tịch UBND các phường có địa chỉ nhà, đất vi phạm qua các thời kỳ. Phó Chủ tịch UBND quận được giao phụ trách và Chủ tịch UBND quận tại thời kỳ có liên quan có trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành”, Kết luận Thanh tra nhấn mạnh.
Từ Kết luận Thanh tra nêu trên, Thanh tra Thành phố kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Chủ tịch UBND quận Bình Tân tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan qua từng thời kỳ…