TP.HCM: Đứng đầu cả nước về xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử 2024
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử năm 2024 với 87 điểm, đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, thứ 3 là Bình Dương (51,3 điểm).
Ngày 24/4 vừa qua, tại Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2024), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã chính thức công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024.
Theo báo cáo, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm. Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng là Bình Dương với 51,3 điểm và cũng có khoảng cách rất xa so với Hà Nội lên tới 33 điểm. Điểm trung bình của Chỉ số năm nay là 23,1 điểm.
Bên cạnh đó, khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP.HCM với các tỉnh, thành còn lại là rất lớn. Khoảng cách giữa các tỉnh, thành xếp đầu Chỉ số là TP.HCM so với tỉnh, thành thấp nhất trong bảng xếp hạng của 58 tỉnh, thành là 76,4.
Sự thay đổi phương pháp tính toán và xếp hạng từ năm 2020 với mục tiêu phản ánh chân thực hơn hiện trạng, cũng như tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử giữa các địa phương. Các chỉ số thành phần được bổ sung từ nhiều nguồn số liệu uy tín có tính chất định lượng và chính xác.
Đặc biệt, Báo cáo năm nay nhấn mạnh nội dung rác thải nhựa từ thương mại điện tử nhằm kêu gọi các các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia góp phần giảm tác động của thương mại điện tử đến môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử bền vững.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm nay là nguồn thông tin hữu ích cho mọi đối tượng quan tâm tới kinh doanh trực tuyến, bao gồm các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và tư vấn, các cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật… Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể đề xuất các hoạt động cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình, để thúc đẩy từng chỉ tiêu thành phần trong chỉ số chung, qua đó góp phần phát triển thương mại điện tử tại địa phương.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử những năm gần đây đã chỉ ra sự cần thiết phải triển khai các chính sách và giải pháp, nhằm giải quyết 3 vấn đề lớn nêu trên. Từ năm 2019, VECOM đã đề xuất Chương trình Phát triển thương mại điện tử bền vững và trong những năm qua đã tích cực triển khai một số hoạt động cụ thể.
Trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, VECOM sẽ tư vấn, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất chính sách và pháp luật hướng tới phát triển bền vững kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, đồng thời tuyên truyền, vận động cộng đồng kinh doanh trực tuyến tích cực triển khai các hoạt động cụ thể.
Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần, bao gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Y Thanh