Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất HOSE làm ăn ra sao trong quý II
Không như kỳ vọng của các nhà đầu tư, ngành chứng khoán không ghi nhận kết quả kinh doanh quý II khả quan so với cùng kỳ năm trước. Trong số 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất sàn HOSE quý II, chỉ có 4 đơn vị ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng.
Quý II khép lại với việc VN-Index, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán (TTCK), tăng hơn 5% so với cuối quý I. Thị trường đã sôi động trở lại, khối lượng giao dịch bình quân sàn HOSE đạt khoảng 11.700 tỷ đồng mỗi phiên, qua đó chặn đứng đà giảm thanh khoản 5 quý liên tiếp (kể từ quý I/2022-quý I/2023).
Số lượng tài khoản mở mới sau khi chạm đáy 23.000 đơn vị vào tháng 4 đã bật tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6 với tổng cộng khoảng 250.000 đơn vị, nâng tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước lên mức 7,2 triệu đơn vị.
Top 10 đơn vị có thị phần môi giới lớn nhất sàn HOSE
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) mới đây đã công bố thị phần giá trị giao dịch môi giới quý 2 và bán niên năm 2023 của 10 công ty chứng khoán lớn nhất tại HOSE.
Theo đó, tổng thị phần môi giới sàn HOSE của top 10 thị phần trong quý 2/2023 đạt 68,09% tăng 1,33% so với quý trước. Dẫn đầu vẫn là Công ty chứng khoán VPS với thị phần quý 2 đạt 19,01% tăng 3,34% so với quý trướcc: tiếp theo là SSI với 10,22%, giảm 1,31% so với quý trước; Chứng khoán VNDirect với 7,27% tăng 0,47% so với quý trước.
Các vị trí còn lại thuộc về TCBS với 5,47%; MAS với 5,16%; HSC với 4,98%; MBS với 4,85%; VCSC với 4,62%; KIS với 3,27% và FPTS với 3,23%.
Như vậy trong quý 2 này, TCBS từ vị trí thứ 8 trong quý 1 lên vị trí thứ 4; HSC từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 6; VCSC từ vị trí thứ 6 xuống vị trí 8 và VCBS bị loại khỏi top 10 và lọt vào top 10 là FPTS.
Ba công ty giữ nguyên vị trí nhưng thị phần quý 2 này giảm so với quý trước là MSS, MBS và KIS.
Thị phần giá trị giao dịch môi giới bán niên năm, VPS tiếp tục giữ vững vị thứ số 1 về thị phần môi giới với 17,65%; SSI đứng thứ 2 với 10,76% và thứ 3 VNDS với 7,08%.
Các vị trí tiếp theo thuộc về HSC với 5,53%; MAS với 5,46%; TCBS với 5,01%; VCSC với 4,82%; MBS với 4,77%; KIS với 3,32% và cuối cùng là FPTS với 3,14%.
Duy chỉ có 4 công ty ghi nhận tăng trưởng
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhóm 10 công ty này cũng thể hiện sự phân hóa rõ rệt khi có tới 60% đơn vị suy giảm tăng trưởng, duy chỉ có 4 đơn vị ghi nhận tăng trưởng tích cực trong quý II.
Cụ thể, Báo cáo tài chính quý II của Chứng khoán VPBank (VPBankS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 477 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL đạt 328 tỷ đồng, gấp 4,1 lần; lãi từ các khoản cho vay và phải thu 115 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Các mảng môi giới, tư vấn tài chính hay lưu ký chứng khoán cũng đều ghi nhận doanh thu gia tăng đáng kể.
Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 25% so với quý II năm trước lên trên 42 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí cho nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Trong khi đó, khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL thu hẹp 58%. VPBankS báo lãi sau thuế 314 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ quý II năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động đạt 884 tỷ đồng và lãi sau thuế 573 tỷ đồng, gấp lần lượt 5,4 lần và 7,7 lần so với nền thấp của cùng kỳ năm 2022.
Chứng khoán SSI (Mã: SSI) hiện là đơn vị có vốn điều lệ lớn nhất ngành với 15.011 tỷ đồng (VPBankS: 15.000 tỷ đồng, VNDirect: 12.178 tỷ đồng). Doanh thu quý II của SSI đạt gần 1.575 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu doanh thu hoạt động, lãi từ các tài sản tài FVTPL chiếm tỷ trọng cao nhất, với gần 692 tỷ đồng. Mảng cho vay và môi giới chứng khoán lần lượt đem lại doanh thu 360,2 tỷ đồng và 335,8 tỷ đồng.
SSI báo lãi sau thuế quý II đạt 525 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Theo dõi từng quý, mức lợi nhuận trong quý II/2023 của SSI hiện cao nhất trong 5 quý trở lại, trong khi đó doanh thu cao nhất trong 4 quý.
Ngoài ra, còn có Chứng khoán MB (Mã: MBS) ghi nhận tăng 3%. Chứng khoán FPT (FPTS) tăng 87%.
Nếu so với cùng kỳ năm trước chưa có nhiều tín hiệu tăng, tình hình kinh doanh ngành chứng khoán quý II đã khởi sắc hơn quý I/2023. Trong bối cảnh môi trường lãi suất có xu hướng giảm, TTCK tăng sức hút trở lại, nền kinh tế chung dần hồi phục, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng các công ty chứng khoán sẽ có kết quả tăng trưởng khả quan hơn trong quý III.
Thái Đạt (t/h)