Top 10 Công ty sản xuất nước giải khát lớn nhất Việt Nam
10 công ty này được lựa chọn theo phân khúc chính và thị phần trong phân khúc, bao gồm 4 công ty trong phân khúc đồ uống có cồn, 3 công ty trong phân khúc nước giải khát và 3 công ty trong phân khúc đồ uống nóng.
Thị trường nước giải khát Việt Nam đã phát triển trở lại sau đại dịch Covid-19. Dự báo tăng trưởng doanh số tiêu thụ nước giải khát giai đoạn 2022-2024 dao động trong khoảng 4.3% – 4.8% khi nền kinh tế trở lại bình thường. Triển vọng thị trường nước giải khát Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng trên nhiều phân khúc nhỏ.
10 Công ty sản xuất nước giải khát lớn nhất Việt Nam được lựa chọn theo phân khúc chính và thị phần trong phân khúc, bao gồm 4 công ty trong phân khúc đồ uống có cồn, 3 công ty trong phân khúc nước giải khát và 3 công ty trong phân khúc đồ uống nóng.
» Đồ uống có cồn: Bia là đồ uống có cồn chính tại Việt Nam nên 3 công ty bia được chọn vào danh sách, đây cũng là 3 công ty có thị phần lớn nhất. Bên cạnh đó, một công ty rượu mạnh nhất được chọn
» Nước giải khát: 3 công ty lớn nhất được bình chọn theo thị phần, gồm 2 công ty nước ngoài và 1 công ty trong nước
»Đồ uống nóng: 3 công ty lớn nhất được bình chọn theo thị phần, gồm 2 công ty ngành cà phê và 1 công ty ngành chè
1. TỔNG CÔNG TY BIA - RƯỢU - NƯỚC GIẢI KHÁT SÀI GÒN SABECO (Mã chứng khoán: SAB)
Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có tiền thân là Nhà máy bia Sài Gòn được thành lập năm 1977. Năm 2004, công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và chính thức cổ phần hóa, đổi tên thành Tổng công ty CP bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào đầu năm 2008.
Ngày 06/12/2016, cổ phiếu của Tổng Công ty được niêm yết trên sàn giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Ngày 18/12/2017, sau khi Nhà nước thoái vốn khỏi Sabeco, công ty Vietnam Beverage sẽ trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ 53,59% cổ phần của Sabeco. Vietnam Beverage được thành lập tháng 10/2017 với vốn điều lệ 681,66 tỷ đồng. Hãng bia Thái Lan ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi gián tiếp sở hữu 49% cổ phần của F&B Alliance Việt Nam, công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Vietnam Beverage.
Suốt quãng thời gian hoạt động, Sabeco luôn được đánh giá là đơn vị dẫn đầu ngành với thành tích xuất sắc trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của ngành, địa phương và đất nước với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Với 40% thị phần sản xuất bia tại Việt Nam, Sabeco hiện đang phân phối sản phẩm khắp cả nước và xuất khẩu tới gần 20 quốc gia trên thế giới.
Trong những năm qua, Sabeco luôn duy trì được tốc độ phát triển vượt trội hàng năm trên 20%. Với 2 loại bia chai Larue dung tích 610 ml và bia chai 33 dung tích 330 ml thời kỳ đầu tiếp quản, đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special , bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt góp mặt đầy đủ trên thương trường. Trải qua bao khó khăn và thách thức, dù trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều thương hiệu bia nổi tiếng trên thế giới, nhưng Bia Sài Gòn và Bia 333 vẫn đang là thương hiệu Việt dẫn đầu thị trường bia Việt Nam và đang trên đường chinh phục các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Nhật, Hà Lan...
2. CÔNG TY TNHH MTV NHÀ MÁY BIA HEINEKEN VIỆT NAM
Khởi đầu từ nhà máy đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991, đến nay HEINEKEN Việt Nam vận hành 6 nhà máy với 3.500 nhân viên trên khắp Việt Nam. Là một công ty không ngừng đổi mới sáng tạo, HEINEKEN Việt Nam kết hợp kinh nghiệm quốc tế với những bí quyết và hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam để mang đến cho người tiêu dùng Việt danh mục sản phẩm đa dạng, phù hợp với những nhu cầu, sở thích và thời điểm thưởng thức khác nhau.
Tại Việt Nam, HEINEKEN sản xuất và phân phối các nhãn hiệu Heineken®, Tiger, Larue, BIVINA, Bia Việt và Strongbow. Trong đó có những sản phẩm được sáng tạo bởi chính các chuyên gia nấu bia Việt Nam, dành riêng cho người yêu bia trên khắp Việt Nam như Bia Việt – nhãn hiệu mới nhất trong danh mục sản phẩm của công ty.
3. TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BIA RƯỢU NƯỚC GIẢI KHÁT HÀ NỘI (Mã chứng khoán: BHN)
Tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội là Nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890, là khởi đầu cho một dòng chảy nhỏ bé cùng song hành với những thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội. Ngày 15/8/1958, trong không khí cả nước sôi sục chào mừng kỷ niệm 13 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bốn năm Thủ đô hoàn toàn giải phóng; chai bia Việt Nam đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời trong niềm vui xúc động lớn lao của cán bộ công nhân viên Nhà máy.
Một sản phẩm khẳng định quyền làm chủ của người lao động, phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội trong giai đoạn khôi phục và phát triển. Từ cột mốc này, Nhà máy bước vào thời kỳ mới – thời kỳ khẳng định thương hiệu của ngành Công nghiệp nước ta nói chung và ngành Đồ uống nói riêng, là niềm tự hào của Hà Nội và cả nước. Từ đó trở đi, ngày 15/8 hàng năm được chọn là Ngày truyền thống của Bia Hà Nội.
Ngày 6/5/2003, Bộ trường Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 75/2003/QĐ-BCN thành lập Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (viết tắt là HABECO). Từ ngày 16/6/2008, Tổng công ty chính thức chuyển đổi mô hình tổ chức từ một Tổng Công ty Nhà nước sang Tổng Công ty Cổ phần. Đây là bước ngoặt quan trọng để Bia Hà Nội khẳng định vị thế của mình trong giai đoạn hội nhập.
Trải qua gần 130 năm lịch sử với hơn nửa thế kỷ khôi phục và phát triển, đến nay, Habeco đã trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu của ngành Đồ uống Việt Nam. Những dòng sản phẩm nổi tiếng làm nên thương hiệu Habeco như Bia hơi Hà Nội, Bia lon Hà Nội, Bia Trúc Bạch, Hanoi Beer Premium… đã nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng về cả chất lượng và phong cách, chinh phục những người sành bia trong và ngoài nước.
4. CÔNG TY CỔ PHẦN RƯỢU RƯỢU HÀ NỘI
Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội – HALICO tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898, đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ.
Qua hơn 125 năm xây dựng và phát triển, HALICO ngày nay là doanh nghiệp sản xuất rượu uy tín, lớn nhất Việt Nam với các nhãn rượu nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế yêu thích như: Lúa mới, Nếp mới, Vodka Hà Nội, Vina Vodka, Vodka 94 Lò Đúc, Ba Kích Sealion,…
5. CÔNG TY TNHH NƯỚC GIẢI KHÁT SUNTORY PEPSICO VIỆT NAM
Ngày 24/12/1991, Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) được thành lập. Năm 1994, Pepsico chính thức gia nhập thị trường Việt Nam khi liên doanh với công ty Nước giải khát Quốc tế IBC. Năm 2003, Công ty được đổi tên thành Công ty Nước Giải khát Quốc tế Pepsico Việt Nam. Năm 2004 thông qua việc mua bán, sáp nhập nhà máy Điện Bàn, công ty mở rộng sản xuất và kinh doanh tại Quảng Nam.
Năm 2007, SPVB phát triển thêm ngành hàng sữa đậu nành. Tháng 2/2010, nhà máy mới tại Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy PepsiCo có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã được khánh thành tại Bắc Ninh vào tháng 10 năm 2012. Tháng 4/2013, liên minh nước giải khát chiến lược Suntory Pepsico Việt Nam đã được thành lập giữa Suntory Holdings Limited và Pepsico Inc.
Công ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam (SPVB), 100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng. Những nguyên tắc kiểm soát chất lượng về quy trình, nguyên vật liệu đầu vào theo tiêu chuẩn của tập đoàn Suntory Holdings Limited - một trong những Tập đoàn đồ uống lớn nhất tại Nhật Bản và Pepsico – một trong số tập đoàn nước giải khát hàng đầu thế giới, luôn được đề cao.
6. CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN NƯỚC GIẢI KHÁT COCA-COLA VIỆT NAM
Công ty Coca-Cola Việt Nam chuyên sản xuất và kinh doanh nước giải khát, là một trong những công ty có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất và có lịch sử hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Coca-Cola Việt Nam hiện có các nhà máy đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội, tạo ra khoảng 4.000 công việc trực tiếp cũng như gián tiếp tạo số lượng việc làm gấp 6 đến 10 lần từ các hoạt động trong chuỗi cung ứng của mình. Với định hướng trở thành công ty nước giải khát toàn diện, hướng đến người tiêu dùng, công ty không ngừng cải tiến và cung cấp nhiều loại nước giải khát đa dạng, chất lượng, bao gồm các dòng sản phẩm ít đường và không đường, đồng thời đa dạng mẫu mã và mở rộng mức độ phủ sóng kinh doanh ở khắp mọi nơi.
Các nhãn hiệu nước giải khát của Coca-Cola tại Việt Nam bao gồm Coca-Cola, Coca-Cola Light, Coke Zero, Sprite, Fanta, Minute Maid Nutriboost, Minute Maid Teppy, Schweppes, Dasani và Aquarius, trà đóng chai Fuzetea+, cà phê đóng lon Georgia và Nước tăng lực Coca-Cola® Enegy.
7. CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ TÂN HIỆP PHÁT
Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập năm 1994 với đơn vị tiền thân là nhà máy bia và nước giải khát Bến Thành, có chức năng kinh doanh bia, nước giải khát. Công ty hiện đang là thành viên của Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam.
Hiện nay, Tân Hiệp Phát đã trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm ở mức hàng nghìn tỉ đồng, luôn dẫn đầu trên thị trường nước giải khát trong nước và vươn tầm thế giới. Với những nỗ lực xây dựng và phát triển không ngừng, công ty Tân Hiệp Phát đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hiện đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần bia và nước giải khát của thị trường trong nước.
8. CÔNG TY TNHH NESTLÉ VIỆT NAM
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam được thành lập năm 1995, là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, trực thuộc Tập đoàn Nestlé S.A. – là tập đoàn thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới hiện có mặt tại 191 nước với 328.000 nhân viên trên toàn cầu, có trụ sở đặt tại Vevey – Thụy Sĩ. Nestlé cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào một tương lai khỏe mạnh hơn cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Với cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam, trong những năm qua tập đoàn Nestlé đã không ngừng đầu tư xây mới, mở rộng dây chuyền sản xuất tại các nhà máy và đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu về thực phẩm, dinh dưỡng và sống vui khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam.
Tất cả các nhà máy của Nestlé tại Việt Nam đều được thiết kế và xây dựng nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng thống nhất trong cả tập đoàn, đồng thời luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm và áp dụng những sáng kiến nhằm giảm phát thải ra môi trường, tiết kiệm nước, hướng đến mục tiêu Zero về chất thải ra môi trường trong sản xuất (Path to Zero).
Các sản phẩm của công ty là Milo, Nestea, Nestcafe, Lavie, Kit Kat, Maggi, Coffee-Mate. Hầu hết nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu từ nước ngoài và sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang Philippines, Thái Lan, Campuchia và Hàn Quốc bên cạnh thị trường nội địa.
9. TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ VIỆT NAM
Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP (Vinatea,jsc.) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ NN & PTNT, được thành lập từ năm 1958. Vào tháng 12 năm 2015, Tổng công ty Chè Việt Nam MTV chuyển đổi mô hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần, trở thành Tổng công ty Chè Việt Nam – CTCP theo Quyết định 864 của Thủ Tướng Chính Phủ.
Vinatea sở hữu vùng nguyên liệu trồng chè và nhà máy sản xuất chè trải dài khắp các tỉnh Miền Bắc Việt Nam như: Phú Thọ, Mộc Châu, Thái Nguyên, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Liên Sơn, Hà Tĩnh, Hà Nội… với tổng diện tích trồng chè gần 4.300 ha với các vườn chè năng suất cao, chất lượng tốt. Vinatea đạt được chứng chỉ quốc tế Rainforest Alliance về phát triển nông nghiệp bền vững cho 70% vùng trồng chè đen và 50% vùng trồng chè xanh; chứng nhận VIETGAP cho 100% vùng trồng chè xanh, hoàn chỉnh và duy trì một chuỗi giá trị đầy đủ từ vùng nguyên liệu tới nhà máy theo tiêu chuẩn mạng lưới nông nghiệp bền vững SAN (Sustainable Agriculture Network), cùng đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ chuyên môn và tay nghề cao.
Vinatea với hơn 50 năm kinh nghiệm cung cấp các sản phẩm trà sạch, đảm bảo chất lượng, hình thức hiện đại, tiện dụng đáp ứng nhu cầu của cả người yêu trà Việt và trên thế giới. Hiện Công ty có quan hệ thương mại với trên 120 công ty và tổ chức thương mại tại trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mục tiêu trọng tâm và ưu tiên của chúng tôi hiện nay là chinh phục người tiêu dùng trong nước, thiếp lập lại chuẩn mực cho trà, làm trà sạch, trà tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và góp phần gắn kết tình cảm gia đình, xây dựng văn hóa Trà Việt.
10. CÔNG TY CỔ PHẦN VINACAFÉ BIÊN HÒA ( Mã chứng khoán: VCF)
Tiền thân của Vinacafé Biên Hòa là Nhà máy cà phê Coronel được thành lập năm 1969 với công suất thiết kế 80 tấn cà phê hòa tan/năm với toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị được nhập khẩu từ Đức. Năm 1975, nhà máy cà phê Coronel được đổi tên thành Nhà máy cá phê Biên Hòa. Ngày 29/12/2004, Nhà máy cà phê Biên Hòa chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty CP và đổi tên thành Công ty CP Vinacafé Biên Hoà (Vinacafé BH).
Vinacafé Biên Hòa được đánh giá là công ty sản xuất cà phê hòa tan số 1 tại Việt Nam, phát triển thành công hai nhãn hiệu Vinacafé và Wake-Up, chiếm 41% thị phần cà phê hòa tan. Bên cạnh đó, Vinacafé BH cũng dẫn đầu toàn quốc về chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh, đổi mới công nghệ, sáng tạo và ứng dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ngoài ra, hệ thống phân phối sản phẩm của Vinacafé Biên Hòa (thuộc hệ thống phân phối đồ uống của Masan) được xem là hệ thống phân phối mạnh, sâu, rộng nhất toàn quốc với 130.000 điểm bán lẻ đồ uống, 3.000 nhân viên bán hàng, 08 trung tâm phân phối đảm bảo phân phối hàng hóa trên 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục duy trì cà phê hòa tan là sản phẩm chính và xây dựng danh tiếng của doanh nghiệp không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Bảo Anh