Tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát khi bán thuốc online tràn lan
Trong thời đại công nghệ số, việc mua bán hàng hóa trực tuyến ngày càng phổ biến và tiện lợi. Tuy nhiên, khi nói đến việc mua bán thuốc online, những nguy cơ tiềm ẩn và khó kiểm soát đang dần trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Mua thuốc trên các nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, bởi người tiêu dùng khó có thể xác minh chất lượng, nguồn gốc, và tính an toàn của sản phẩm.
Liên quan đến một số quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp tứ 7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cho biết cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trải qua dịch COVID-19… việc kinh doanh, mua sắm trên internet, giao dịch điện tử ngày càng phổ biến.
Để kiểm soát được chất lượng thuốc, dự thảo Luật quy định, chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo phương thức truyền thống, được phép kinh doanh thêm trên thương mại điện tử. Đặc biệt, dự thảo Luật quy định, chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh trên thương mại điện tử.
Đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây không phải quy định mới trong dự thảo Luật lần này mà đã được quy định trong Luật Dược năm 2016. Tuy nhiên, trong Luật Dược năm 2016 chưa có điều khoản quy định cụ thể loại hình kinh doanh này.
Vì vậy, trong lần sửa đổi Luật Dược này, Ban soạn thảo mong muốn quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, điều kiện kinh doanh; phát huy tính ưu việt của chuỗi nhà thuốc; kiểm soát chất lượng thuốc, giá thuốc, dịch vụ đi cùng…
Mua sắm trực tuyến rất dễ dàng và tiện lợi. Nhưng người tiêu dùng hãy hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn mua thuốc trực tuyến. Bởi việc bán thuốc online vẫn chưa được phép tại Việt Nam, có thể có nhiều cửa hàng trực tuyến bán thuốc hoàn toàn hợp pháp, nhưng thật không may, một số cửa hàng trực tuyến bán thuốc bất hợp pháp. Thậm chí nhiều cơ sở quảng cáo tung hô là thuốc ngoại, thuốc xách tay, không rõ tem nhãn phụ, hướng dẫn sử dụng…
Đáng quan tâm hơn, mua bán trực tuyến rất khó để kiểm soát, nhất là đối với các quy trình sản xuất hoặc bán thuốc bất hợp pháp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không có cách nào để nhận biết thuốc chứa thành phần gì và tác dụng của thuốc như thế nào, nguy cơ “tiền mất, tật mang”. Tệ hơn là thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc thậm chí có thể gây tử vong.
Người tiêu dùng hết sức thận trọng trước những quảng cáo trực tuyến để bán thuốc thông qua các trang web internet, sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội hoặc sử dụng nhiều ứng dụng điện thoại thông minh khác nhau.
Nhiều chuyên gia cho rằng trước sự phát triển của hệ thống TMĐT và thói quen mua sắm online thì việc bán thuốc, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe không thể đứng ngoài xu thế này. Hiện nay, việc cá nhân và nhà thuốc bán thuốc có được bán thuốc online hay không chưa được quy định cụ thể. Do đó, sự ra đời của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược được kỳ vọng giải quyết những "nút thắt" trong loại hình kinh doanh thuốc này.
Liên quan đến đề xuất cấm mua bán thuốc qua MXH, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; song pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng này. Thuốc là mặt hàng kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe. Để quản lý việc bán thuốc trên mạng, ông Cường cho rằng cần liên thông kết nối các hệ thống từ người kê đơn đến người bán thuốc; đồng thời có chế tài phạt nặng người bán thuốc trong danh mục kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ qua hệ thống phần mềm.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ cho bán thuốc trên mạng đối với những thuốc trong danh mục được phép bán không kê đơn (OTC) và thực phẩm chức năng. Các cá nhân không được phép livestream, quảng cáo bán thuốc kê đơn trên các nền tảng MXH.
Tiến Hoàng