Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Nỗ lực để lấy lại nhịp tăng trưởng tích cực
Năm 2023, kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố không thuận lợi đó đã tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực và bảo hiểm (BH) cũng không ngoại lệ.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 10 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí của ngành bảo hiểm nhân thọ đạt 127.000 tỷ đồng, giảm 10,93% so với cùng kỳ năm 2022. Theo cơ quan này, trong lịch sử 20 năm, chưa bao giờ bảo hiểm nhân thọ ghi nhận kết quả doanh thu phí tăng trưởng âm như 10 tháng năm 2023.
Ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường bảo hiểm vừa trải qua một năm “rất khó quên” đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), cũng như những người làm nghề. Chúng ta có thể tạm gọi là một năm thị trường bảo hiểm Việt Nam (TTBH) chịu tác động từ cả các yếu tố khách quan, lẫn nội tại và thị trường đã phải “vượt thách thức kép”.
Năm 2023, kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố không thuận lợi đó đã tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực và bảo hiểm (BH) cũng không ngoại lệ. Cùng với đó, chúng ta thấy rõ những vấn đề nội tại của thị trường đã bộc lộ, “lượng” đã tích đủ và đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ để chuyển đổi về “chất”.
Áp lực và thách thức là rất lớn, nhưng với các chính sách đúng đắn của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính; sự hỗ trợ phối hợp của nhiều bộ, ngành cơ quan, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội BH Việt Nam, các DNBH; sự đồng hành của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí và đặc biệt là sự cảm thông, chia sẻ của khách hàng… TTBH Việt Nam đã từng bước thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Ông Trung cho rằng, hiện nay, cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động về bán BH qua ngân hàng đã khá toàn diện và phù hợp với tình hình TTBH trong thời gian vừa qua, cũng như đảm bảo phát triển ổn định trong thời gian tới.
Để đảm bảo sự phát triển theo hướng bền vững của kênh bán BH qua ngân hàng, quy định pháp lý mới đã tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: Tăng cường tính minh bạch trong cung cấp BH qua ngân hàng; Đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; Tăng cường giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán BH qua ngân hàng.
Rất nhiều quy định mới theo hướng chặt chẽ, bảo vệ khách hàng đã được đưa ra. Chẳng hạn như, quy định mới đã bổ sung các yêu cầu đối với đại lý BH là tổ chức tín dụng, thì tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng sẽ phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý BH, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, đối với các sản phẩm BH phức tạp như sản phẩm BH liên kết đầu tư, quá trình tư vấn của đại lý phải được ghi âm, yêu cầu đại lý thông tin cho khách hàng về công cụ tính toán giúp bên mua BH có thể tự xây dựng được kế hoạch BH và quy tắc, điều khoản của sản phẩm BH khách hàng dự kiến tham gia trên trang thông tin điện tử (website) của DNBH.
Bên cạnh đó, yêu cầu các ngân hàng hoạt động đại lý phải thông tin rõ cho khách hàng các sản phẩm BH được phân phối qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và việc tham gia sản phẩm BH không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của tổ chức tín dụng.
Cùng với nhiều quy định khác, một điểm nhấn về pháp lý mới cũng đã bổ sung quy định về việc tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng BH liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Điều này nhằm hạn chế tối đa hiện tượng “ép buộc” khách hàng tham gia các sản phẩm BH nhân thọ khi đến vay vốn tại ngân hàng.
Đồng thời, cùng với Luật Kinh doanh BH và Nghị định 46/2023/NĐ-CP, Nghị định 67/2023/NĐ-CP về BH bắt buộc trách nhiệm dân sự, Thông tư 67/2023/TT-BTC và sắp tới đây là Nghị định sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BH sẽ được ban hành... đã giúp cơ sở pháp lý của TTBH cơ bản được hoàn thiện.
Hệ thống quy định pháp lý mới về lĩnh vực kinh doanh BH đã cơ bản đảm bảo khắc phục được những tồn tại, hạn chế qua thực tiễn phát sinh trên thị trường, đồng thời mang tính định hướng cho giai đoạn phát triển mới. Những quy định pháp lý mới sẽ tạo ra yêu cầu và động lực cho các bên liên quan phải thay đổi theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chất lượng hơn và mục tiêu hướng tới quan trọng nhất chính là đem lại sự hài lòng và bảo vệ tốt nhất có thể cho người tham gia BH.
Được biết, theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, đến năm 2025, mục tiêu kế hoạch đặt ra là có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030, chỉ tiêu này tăng lên 18%. Các công ty bảo hiểm cũng cho biết, đang tập trung vào nhóm dân số già (trên 65 tuổi), bởi tới năm 2050, Việt Nam sẽ có thêm 17 triệu người già và đây cũng là nhóm dân số cần được bảo vệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và người trong ngành, để đạt được mục tiêu trên, quan trọng là đổi mới về cách bán, hay còn gọi là “chuyển hóa” chất lượng dịch vụ.
“Những bài học khủng hoảng từ các thị trường quốc tế đã chỉ ra rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất không phải chạy theo doanh thu, mà là cung cấp dịch vụ tốt, đặc biệt là dịch vụ bồi thường. Bởi hiện nay, nhiều đại lý bảo hiểm đã rời bỏ ngành và các công ty bảo hiểm đang cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm nhân sự, bao gồm cả nhân viên dịch vụ bồi thường, trong khi khách hàng (người tham gia bảo hiểm) đã trả phí và xứng đáng nhận được dịch vụ bồi thường tốt. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp khách hàng không thể liên hệ được với đại lý bảo hiểm khi cần bồi thường. Khi đến gặp nhân viên dịch vụ khách hàng và văn phòng của công ty bảo hiểm, họ ngậm ngùi khi thấy các văn phòng này đã đóng cửa và nhân viên quá tải công việc, không thể hỗ trợ họ giải quyết bồi thường, bởi thế rất cần một sự chuyển hóa về dịch vụ bồi thường”.
Có thể nói, TTBH vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên, TTBH cần thêm thời gian để chuyển biến, theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước những vấn đề của thị trường bảo hiểm thời gian qua, cơ quan quản lý đã đưa ra một loạt quy định chặt chẽ và rõ ràng, thậm chí được coi là khắt khe về các sản phẩm, kênh phân phối, đào tạo, nghĩa vụ pháp lý của các doanh nghiệp và đại lý kinh doanh bảo hiểm, nội dung của hợp đồng bảo hiểm, chế tài xử lý đối với các hành vi sai phạm… để chấn chỉnh thị trường, tạo dựng lại niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, để tạo dựng lại niềm tin cho khách hàng, theo các chuyên gia, cần có chế tài xử phạt các công ty bảo hiểm có tỷ lệ duy trì hợp đồng thấp và phát hiện hành vi lừa dối khách hàng, đồng thời ngăn chặn các công ty đó mở rộng hoạt động cho đến khi vấn đề được khắc phục.
Bộ Tài chính hướng tới quản lý, giám sát các doanh nghiệp BH trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp.
Tiến Hoàng