0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 18/04/2025 19:04 (GMT+7)

Thêm một sản phẩm sữa giả "lọt" vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Cạn

Theo dõi KT&TD trên

Trước thông tin thêm một sản phẩm sữa giả "lọt" vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Cạn, chuyên gia y tế cho rằng, đây là hồi chuông báo động về toàn bộ hệ thống giám sát chất lượng vật tư y tế và đạo đức trách nhiệm trong ngành y.

Lại phát hiện sữa giả "lọt" vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Cạn

Chị Đinh Tử Hương, một người mẹ ở Bắc Kạn vừa chia sẻ câu chuyện mua phải sữa Hapomil, 1 loại sữa trong đường dây sữa giả vừa bị Bộ Công an triệt phá. Đáng nói loại sữa này được chị Hương mua ngay trong nhà thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Cạn.

Người mẹ trẻ xót xa khi biết biết những giọt sữa đầu đời của con mình lại được pha từ các sản phẩm sữa giả (ảnh chụp lại từ FB).

Trên trang facebook cá nhân của mình, chị Hương cho biết, trước khi sinh em bé đã chuẩn bị sẵn sữa cho con, nhưng y bác sỹ tại bệnh viện nói không được dùng sữa ngoài mà phải theo bệnh viện kê.

Con sinh non, tin tưởng "chỉ định" của bác sỹ, nên chị Hương chỉ mua sữa Hapomil tại nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, đến nay hơn chục hộp. Đến nay, chị Hương mới ngã ngửa khi biết rằng Hapomil là một trong số hơn 500 nhãn sữa giả vừa bị phanh phui. "Xót ruột, xót gan lo cho con", chị Hương nói.

Trước thông tin chia sẻ của chị Hương, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết: Qua rà soát toàn bộ các sản phẩm sữa đang được sử dụng tại đơn vị, bệnh viện đã phát hiện có sữa giả Hapomil. Từ ngày 12/4, bệnh viện đã dừng tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hapomil tại tất cả các khoa điều trị, đồng thời tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm để trả lại nhà cung cấp.

"Nhà thuốc bệnh viện là đơn vị tổ chức đấu thầu sữa. Qua rà soát, bệnh viện xác định sữa Hapomil được cung cấp trong bệnh viện do Công ty Cổ phần Dinh dưỡng quốc tế Happy World cung ứng. Sản phẩm này được đưa vào sử dụng sau quá trình đấu thầu. Bệnh viện không ký kết hợp đồng trực tiếp với Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, một trong những đơn vị bị điều tra trong vụ việc nêu trên", vị lãnh đạo bệnh viện nói.

Cảnh báo kẽ hở trong giám sát chất lượng vật tư y tế

Trước các thông tin liên tiếp về sữa giả đến với người dùng là bệnh nhân, mẹ bầu, trẻ sơ sinh thông qua việc len lỏi vào nhiều bệnh viện (như đã phát hiện sữa Hofumil Gold Plus tại Bệnh viện 108), BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng chia sẻ: "Sự việc không chỉ là cú sốc với người bệnh mà còn là lời cảnh báo về những kẽ hở trong hệ thống giám sát chất lượng vật tư y tế tại Việt Nam.

Loại sữa nói trên được bán cho bệnh nhân với giá gần một triệu đồng/hộp, không có trong danh mục bảo hiểm chi trả. Điều đáng nói, sản phẩm này đã "đường đường chính chính" lọt qua quy trình đấu thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật, và xuất hiện trong danh mục tiêu dùng của bệnh viện – một điều tưởng chừng không thể xảy ra".

Theo ông Hoàng, các bệnh viện khẳng định đã tuân thủ Luật Đấu thầu. Nhưng sự cố này cho thấy tuân thủ quy trình không đồng nghĩa với đảm bảo chất lượng. Một sản phẩm kém chất lượng vẫn có thể trúng thầu nếu hồ sơ kỹ thuật chỉ là hình thức; Nhà thầu được xét duyệt chủ yếu trên giấy tờ, không có kiểm tra thực tế năng lực; Không có kiểm định chất lượng lô hàng sau khi trúng thầu.

Thực tế, quy trình nhập hàng chủ yếu dựa vào số lượng, hạn sử dụng, tem nhãn, chứ chưa có hệ thống kiểm nghiệm độc lập, nhất là với các sản phẩm "ngoài danh mục BHYT" mà người bệnh tự chi trả.

Chính vì vậy, giải pháp cấp bách là cần cải tiến quy trình, tăng cường kiểm tra, công khai minh bạch. Với bệnh viện cần thiết lập quy trình kiểm nghiệm sau nhập hàng, trước khi sử dụng cho bệnh nhân; Tăng vai trò hội đồng thuốc và điều trị trong việc xét duyệt sản phẩm; Xây dựng hệ thống cảnh báo nội bộ, tiếp nhận nghi ngờ từ y bác sĩ và người bệnh; Rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhà cung cấp.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ trong quản lý dinh dưỡng y học và thực phẩm chức năng; Cải cách Luật Đấu thầu theo hướng linh hoạt hơn, cho phép đánh giá chất lượng vượt lên trên giá cả; Tăng cường hậu kiểm, thanh tra định kỳ và công khai kết quả; Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại bệnh viện và nhà thuốc.

Ông Huy Hoàng cũng nhấn mạnh: "Vụ việc sữa giả len lỏi vào các bệnh viện không chỉ là lỗi cá biệt của một doanh nghiệp hay một bệnh viện. Đây là hồi chuông báo động về toàn bộ hệ thống giám sát chất lượng vật tư y tế và đạo đức trách nhiệm trong ngành y.

Khi người dân mất niềm tin vào sự an toàn trong chính bệnh viện, thì thiệt hại không chỉ là kinh tế hay sức khỏe, mà là một sự sụp đổ về lòng tin, thứ vốn rất khó để phục hồi. Đã đến lúc ngành y tế phải nhìn lại một cách nghiêm túc và quyết liệt".

Bạn đang đọc bài viết Thêm một sản phẩm sữa giả "lọt" vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Cạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sữa giả lọt bệnh viện và dấu hỏi đạo đức, trách nhiệm
Diễn biến vụ sữa giả không dừng ở nhóm doanh nghiệp, đối tượng phạm tội. Vụ việc đặt ra dấu hỏi lớn về đạo đức và trách nhiệm của ngành y tế - từ hậu kiểm lỏng lẻo đến vai trò của bệnh viện như một kênh phân phối đầy quyền lực.

Tin mới

Bùng nổ nhượng quyền đồ uống: Xu hướng nhất thời hay chiến lược dài hạn?
Thị trường đồ uống Việt Nam đang chứng kiến một sự bùng nổ chưa từng có của các mô hình nhượng quyền. Từ những con phố nhỏ ở Hà Nội đến các trung tâm thương mại sầm uất ở Thành phố Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp những thương hiệu trà sữa, cà phê hay nước ép trái cây đang mọc lên như nấm sau mưa.
Thực hiện ngay các giải pháp để ổn định thị trường vàng
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng.