0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 16/04/2025 08:40 (GMT+7)

Khoảng trống trách nhiệm từ vụ sữa giả, kẹo Kera

Theo dõi KT&TD trên

Sau khi đường dây sữa giả quy mô khủng bị phanh phui, xâu chuỗi lại vụ kẹo rau củ Kera trước đó, công luận đặt câu hỏi về trách nhiệm cũng như hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm của những cơ quan liên quan.

Chị Đào Phương Lan, một người mẹ ở Hà Nội đã chi hàng triệu đồng để mua sữa dinh dưỡng đặc biệt cho đứa con sinh non, với hy vọng giúp bé yêu khỏe mạnh. Nhưng chị không ngờ thứ sữa đắt tiền được quảng cáo chứa "tổ yến, đông trùng hạ thảo" ấy lại là sữa giả.

Còn anh Trần Văn Hùng, một bệnh nhân tiểu đường, tin tưởng mua kẹo rau củ Kera vì lời quảng bá "hỗ trợ kiểm soát đường huyết, giàu chất xơ". Chỉ đến khi giám đốc doanh nghiệp và những người liên quan bị khởi tố, anh mới ngã ngửa.

Khoảng trống trách nhiệm từ vụ sữa giả, kẹo Kera- Ảnh 1.
Đường dây sữa giả với hơn 500 nhãn hiệu, thu lợi bất chính 500 tỷ đồng trong 4 năm chỉ được phanh phui khi cơ quan công an vào cuộc.

Chị Lan, anh Hùng chỉ là 2 trong số hàng nghìn nạn nhân của hai vụ hàng giả chấn động vừa qua.

Đường dây sữa giả với hơn 500 nhãn hiệu, thu lợi bất chính 500 tỷ đồng trong 4 năm và vụ kẹo rau củ Kera đều có một điểm chung là chỉ được phanh phui khi cơ quan công an vào cuộc.

Sau phút chấn động với tính chất, quy mô của đường dây sữa giả, dư luận lập tức truy vấn trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đầu tiên là Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế.

Tuy nhiên, cơ quan này lập tức tuyên bố "vô can" khi lý giải rằng: Các sản phẩm sữa thuộc diện tự công bố, nghĩa là doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng. Riêng sữa vi chất thì được phân cấp cho địa phương quản lý.

Lập luận này thoạt nghe có vẻ hợp lý. Nhưng cơ quan này lại "lờ" đi một trách nhiệm khác gắn liền với chức năng nhiệm vụ của họ là hậu kiểm (kiểm tra sau công bố) để đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

Việc phân cấp quản lý sữa vi chất cho địa phương cũng không thể là lời biện minh. Sở Y tế các địa phương thường thiếu nhân lực, thiết bị và chuyên môn để kiểm nghiệm sản phẩm phức tạp như sữa vi chất. Nhưng Cục ATTP lại không hỗ trợ, hướng dẫn hay giám sát hiệu quả, để lại một khoảng trống quản lý rộng lớn.

Và thực tế là hơn 500 nhãn hiệu sữa giả, quảng cáo sai sự thật về thành phần "xịn" như tổ yến hay đông trùng hạ thảo, đã lưu hành suốt 4 năm mà không một lần bị kiểm nghiệm mẫu.

Hậu quả là toàn bộ sản phẩm kém chất lượng mặc sức tiêu thụ, đánh gục lòng tin và gây hại sức khỏe của những người dễ tổn thương nhất: Trẻ sinh non, bà bầu, bệnh nhân suy thận, tiểu đường…

Xâu chuỗi lại vụ thực phẩm giả dưới mác kẹo rau củ Kera trước đó, công luận không khỏi đặt dấu hỏi về hiệu quả quản lý ATTP.

Trước khi nhiều cá nhân liên quan bị bắt, Kera từng bị tố quảng cáo thổi phồng hàm lượng chất xơ, khiến người tiêu dùng tin rằng sản phẩm giúp kiểm soát đường huyết và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, khi kiểm định, Cục ATTP lại không hề kiểm nghiệm hàm lượng chất xơ - thành phần chính gây tranh cãi - với lý do "không được ghi trên bao bì".

Thay vào đó, cơ quan này công bố: "Sản phẩm đúng với hàm lượng ghi trên bao bì".

Cách kiểm định né tránh trọng tâm, bỏ qua nguồn cơn tố cáo khiến người tiêu dùng không thể không nghi ngại. Kết quả là Kera vẫn được lưu hành với giấy chứng nhận "đạt chuẩn", cho đến khi cơ quan công an vào cuộc.

Song hành về trách nhiệm với cơ quan quản lý ATTP là lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), nay thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương).

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước Trần Hữu Linh cũng phủ nhận trách nhiệm khi lý giải, họ chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Nhưng dấu hiệu nào rõ ràng hơn việc hàng trăm nhãn hiệu sữa giả được quảng bá rầm rộ qua hội thảo, phòng khám, mạng xã hội, thậm chí cả bệnh viện? Những lời mời chào "chữa bệnh, tăng cường sức khỏe" tràn ngập mạng xã hội được người nổi tiếng hậu thuẫn? Vậy mà trong 4 năm, không một cuộc kiểm tra, phát hiện nào liên quan đến 1 trong số hơn 500 nhãn sữa này.

Mặt khác, theo quy định, QLTT không chỉ "chờ" dấu hiệu vi phạm mới vào cuộc, mà còn có trách nhiệm giám sát thị trường, đặc biệt với các sản phẩm nhạy cảm như thực phẩm chức năng và sữa.

Việc để đường dây này hoạt động 4-5 năm với quy mô hơn 500 nhãn hiệu, thu lợi bất chính 500 tỷ đồng, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Suốt thời gian dài đó, lực lượng QLTT đã ở đâu, làm gì?

Càng khó hiểu hơn khi các doanh nghiệp sữa chính hãng đã cảnh báo về hàng giả từ lâu, nhưng không thấy hành động cụ thể nào từ QLTT nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Có thể thấy, ở đây cũng có trách nhiệm của sở Y tế các địa phương. Theo phân cấp, họ được giao quản lý các sản phẩm sữa vi chất - một nhiệm vụ đòi hỏi năng lực kiểm nghiệm và giám sát cao. Tuy nhiên, các sản phẩm sữa giả đã "lọt lưới" để phân phối rộng rãi qua các phòng khám và bệnh viện địa phương.

Hậu quả của lỗ hổng thiếu trách nhiệm này không chỉ dừng ở con số 500 tỷ đồng hay hàng nghìn nạn nhân.

Đó còn là nỗi lo của những người mẹ như chị Lan, không biết thứ sữa mình mua có thực sự giúp con khỏe mạnh hay đang âm thầm gây hại.

Là sự suy sụp của những bệnh nhân như anh Hùng, khi tiền mất tật mang.

Là niềm tin bị đánh cắp của hàng triệu người tiêu dùng, khi họ khó có thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả nếu khoảng trống trách nhiệm vẫn tồn tại như hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết Khoảng trống trách nhiệm từ vụ sữa giả, kẹo Kera. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Danh tính các đối tượng trong vụ việc "bảo kê" xây dựng tại phường Xuân La
Công an thành phố Hà Nội đã triệu tập nhóm đối tượng có hành vi bảo kê vật liệu xây dựng tại Xuân La, Tây Hồ đến làm việc. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, ổ nhóm được mệnh danh là “Lợn rừng” này hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng và nhận phá dỡ các công trình tại phường Xuân La
Gỡ nút thắt hạ tầng – thể chế để logistics Việt Nam cất cánh
Hạ tầng logistics của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể với việc đầu tư xây dựng nhiều cảng biển hiện đại, mở rộng hệ thống đường cao tốc và phát triển các trung tâm logistics. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển, hạ tầng logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Tin mới

Cùng thẻ Muadee chi tiêu thông minh, tận hưởng mùa hè đúng chất
Đôi khi, một kỳ nghỉ thiếu đi trọn vẹn không nằm ở điểm đến, mà ở một chiếc vali cũ kỹ, một chiếc điện thoại hao pin nhanh, hay đơn giản là không đủ “vũ khí công nghệ” để lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Đó là lúc thẻ trả góp Muadee by HDBank xuất hiện như một người bạn nhỏ xinh đầy “quyền năng”…
Danh tính các đối tượng trong vụ việc "bảo kê" xây dựng tại phường Xuân La
Công an thành phố Hà Nội đã triệu tập nhóm đối tượng có hành vi bảo kê vật liệu xây dựng tại Xuân La, Tây Hồ đến làm việc. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, ổ nhóm được mệnh danh là “Lợn rừng” này hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng và nhận phá dỡ các công trình tại phường Xuân La
Giấc mơ nhà ở xã hội không xa vời
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang vào cuộc quyết liệt để hoàn thành 100 nghìn căn nhà ở xã hội ngay trong năm nay và 1 triệu căn đến năm 2030.