Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm
Trái với kỳ vọng của SSI Research, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng trong tuần từ 26/06/2023 – 30/06/2023 không gặp nhiều áp lực trong thời điểm cuối quý và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm thậm chí đã giảm về 0,39% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 trong phiên giao dịch ngày thứ 5.
Thông tư 06 về hoạt động cho vay của các TCTD siết chặt hơn đối với các lĩnh vực rủi ro
Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ 26/06/2023 – 30/06/2023 của SSI Research, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng.
Cụ thể, mặc dù NHNN chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 45.000 tỷ đồng (giảm 10% so với tuần trước đó), đều với lãi suất 4,0%, không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận.
Trên kênh mua kỳ hạn, có gần 294 tỷ đồng đáo hạn và như vậy đưa khối lượng lưu hành trên cả kênh tín phiếu và mua kỳ hạn về mức 0. Trái với kỳ vọng của SSI, thanh khoản không gặp nhiều áp lực trong thời điểm cuối quý và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm thậm chí đã giảm về 0,39% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 trong phiên giao dịch ngày thứ 5.
Kết tuần, mặt bằng lãi suất dao động từ 0,7% - 3,1% - giảm hơn 400 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng, huy động và M2 tính đến 20/6 lần lượt là 3,13%, 3,26% và 2,53% so với cuối năm 2022 (tương đương với mức tăng 8,5%, 7,2% và 5,4% so với cùng kỳ). Như vậy, chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn đã thu hẹp đáng kể về chỉ còn vào khoảng 92 nghìn tỷ, từ mức gần 300 nghìn tỷ vào cuối tháng 4.
NHNN mới đây đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 39 liên quan đến các hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ 1/9/2023. Nhìn chung, trong văn bản này, NHNN đã cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tín dụng, với việc cho phép các TCTD được tự chủ/linh hoạt hơn trong hoạt động cho vay của mình. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với trách nhiệm nhiều hơn đối với TCTD và các hoạt động sau giải ngân và do vậy SSI đánh giá mức độ tác động của Thông tư này nghiêng nhiều về phía siết chặt hơn đối với các lĩnh vực rủi ro.
Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ
Các số liệu kinh tế Mỹ được công bố trong tuần trước cho thấy nền kinh tế vẫn duy trì đà quán tính tích cực và thị trường đang nghiêng nhiều về khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 7 (88.7%). Trong đó, Chính phủ Mỹ công bố GDP Quý 1 chính thức tăng 2,0% so với quý trước (đã chuẩn hóa về năm), cao hơn nhiều mức 1,3% theo thống kê sơ bộ, đồng thời vượt mạnh mức 1,4% theo kỳ vọng.
Thống kê từ Conference Board cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 109,7 điểm trong tháng 6, tăng khá mạnh từ 102,5 điểm của tháng 5, vượt qua mức 103,9 điểm theo kỳ vọng. Ngược lại, về lạm phát, chỉ số PCE cơ bản tăng 4,6% so với cùng kỳ, hạ nhiệt nhẹ so với mức tăng 4,7% ghi nhận ở tháng 4.
Đồng thời, trong tuần, chủ tịch Fed trong một diễn đàn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức hôm thứ Tư nhấn mạnh không loại trừ khả năng tăng lãi suất trong những cuộc họp tiếp theo, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế được công bố do lạm phát kỳ vọng chưa thể quay trở về mức mục tiêu dài hạn trong năm nay.
Đồng USD đi ngang trong tuần do diễn biến phân hóa của các đồng tiền chủ chốt, trong đó EUR (+0,14%). CNY (-1,03%) mất giá tương đối mạnh khi NHTW TQ (PboC) tiếp tục thực hiện giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh nền kinh tế, đặc biệt ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Trên thị trường trong nước, tỷ giá bật tăng trong giai đoạn cuối Quý, tương đồng với quan điểm thận trọng của SSI trước đó. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng 0.25%, lên VND 23,583 và đồng thời tỷ giá bán niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do lần lượt tại VND 23,750 và VND 23,630, tăng 60 đồng so với tuần trước đó.
Áp lực đối với tiền Đồng vẫn còn khi Fed kỳ vọng tiếp tục tăng lãi suất và áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các DN FDI. Điểm tích cực đến từ dòng vốn FDI giải ngân duy trì khá tốt (đạt 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm – tương đương với cùng kỳ) hay cán cân thương mại thăng dư lớn (ước tính hơn 12 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm) do nhập khẩu giảm.
Lợi suất trái phiếu giảm mạnh ở thị trường sơ cấp
Tuần trước, KBNN đăng ký gọi thầu 7,0 nghìn tỷ đồng, ở các kỳ hạn 5, 10, 15 và 20 năm trong đó tỷ lệ trúng thầu TPCP đạt 100% cho kỳ hạn 10 và 15 năm, kỳ hạn 5 năm huy động được 200 tỷ (tỷ lệ trúng thầu 40%) và kỳ hạn 20 năm huy động được 50 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 10%). Lợi suất trúng thầu giảm khá mạnh trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, trong đó giảm tới 45 điểm cơ bản cho kỳ hạn 5 năm.
Tính từ đầu năm đến nay, KBNN đã huy động thành công 179,9 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 45% kế hoạch năm. Với kế hoạch phát hành Quý 2, KBNN mới chỉ hoàn thành 62% kế hoạch, trong đó chỉ có kỳ hạn 5 năm là đã hoàn thành mục tiêu. Tốc độ giải ngân đầu tư công có cải thiện trong tháng 6 nhưng hiện tại mới chỉ hoàn thành 33% kế hoạch năm, do vậy áp lực phát hành từ phía KBNN trong Quý 2 là không nhiều.
Lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp phân hóa ở các kỳ hạn. Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (2,12%, +1 bps), 3 năm (2,14%; +1 bps); 5 năm (2,15%, +1 bps); 10 năm (2,64%, +10 bps); 15Y (2,85%, +9 bps); 20Y (3,14%, -2 bps) và 30Y (3,28%, -1 bps). Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp giảm 34%, về chỉ còn 7 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 275 tỷ đồng, chủ yếu ở kỳ hạn 10 năm.
Trung Anh