Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp Khu kinh tế Nghi Sơn
Thời gian qua, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tại Thanh Hóa đã chủ động cơ cấu, tối ưu hóa quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động. Qua triển khai thực hiện, ngành công nghiệp xứ Thanh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Cánh chim đầu đàn
Nhắc đến ngành công nghiệp tại Thanh Hóa, trước hết phải nói tới Khu kinh tế Nghi Sơn. Sau khi hoàn thành bảo dưỡng lần đầu vào cuối năm 2023, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã duy trì công suất nhà máy trên 100%. Thời gian gần đây, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã chủ động nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; đồng thời triển khai nhiều sáng kiến cải tiến nhằm bảo đảm hoạt động ổn định của nhà máy lọc hóa dầu. NSRP cũng đã liên tục củng cố và hoàn thiện các quy định, quy chuẩn bảo đảm an ninh, an toàn nhằm giảm thiểu rủi ro trong vận hành nhà máy.
Bên cạnh đó, NSRP cũng đã không ngừng tập trung nghiên cứu và phát triển để cho ra mắt các sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Điển hình như trong quý I/2024, NSRP đã lần đầu tiên xuất bán thành công dòng sản phẩm dầu diesel 10ppm có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp, chỉ 10 phần triệu (ppm) ra thị trường trong nước. Đây là sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt nhất, mang lại hiệu suất vượt trội, cải thiện hiệu suất sử dụng nhiên liệu và giảm thiểu việc bảo trì động cơ, góp phần mang lại môi trường sạch và xanh hơn.
Theo NSRP, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của công ty đạt hơn 91.060 tỷ đồng; tăng 19,92% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng một số sản phẩm tăng rất cao như: Xăng RON 92 tăng 81,2%; dầu diesel tăng 24,6%. Doanh nghiệp đã nộp ngân sách Nhà nước 13.200 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ.
Theo đại diện NSRP, để đáp ứng nhu cầu xăng dầu tiêu dùng của thị trường trong nước ngày càng thiếu hụt và phải nhập khẩu trong thời gian tới, đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động tối ưu, công ty đang tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để tăng khả năng nâng công suất của nhà máy từ 15 đến 20% so với hiện nay.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và cải tiến toàn bộ sản phẩm xăng dầu, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng tốt nhất đối với nhóm sản phẩm này cho thị trường trong nước, tăng hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, những tháng đầu năm nay đã phát huy tối đa vai trò cung ứng điện do được Trung tâm Điều độ điện quốc gia (A0) huy động tối đa công suất. Tổng sản lượng điện phát lên lưới 6 tháng đầu năm đạt hơn 4,4 tỷ kWh, tăng 102% so với cùng kỳ; doanh thu đạt hơn 8.700 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Từ đó, doanh nghiệp đã nộp ngân sách Nhà nước 610 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Theo đại diện Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, với sự ổn định về huy động công suất lên lưới, dự kiến trong năm 2024, tổng sản lượng điện phát sẽ đạt hơn 8 tỷ kWh và doanh nghiệp dự kiến nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.100 tỷ đồng.
Để đạt hiệu quả trên, công tác quản lý và xúc tiến đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm 2024 đến nay, có 5 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và 15 đoàn nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu đầu tư tại đây. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã tổ chức đón tiếp, làm việc và trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho các đoàn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến làm việc và nghiên cứu đầu tư.
Trong 6 tháng đầu năm, Khu kinh tế Nghi Sơn cấp mới 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 399 tỷ đồng; 14 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với số vốn điều chỉnh tăng 1.645 tỷ đồng.
Không ngừng phát triển
Lũy kế đến nay, tại Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 336 dự án, trong đó có 311 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 161.619 tỷ đồng và 25 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.827 triệu USD, vốn thực hiện đạt 76.744 tỷ đồng và 12.702 triệu USD.
Đặc biệt, đơn vị đã ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn có công suất 1.500MW, diện tích thực hiện dự án khoảng 68,2ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58.026 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 2.453 triệu USD).
Đến nay, tiếp tục triển khai công tác lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án; hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology (thuộc Khu công nghiệp Phú Quý) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, thời gian gần đây, Thanh Hóa cũng ghi nhận sự tham gia của một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động. Điển hình như Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn chính thức khánh thành, đi vào hoạt động. Đây là nhà máy sản xuất các sản phẩm phụ kiện quần áo như dây khóa kéo, cúc nhựa, cúc kim loại, là những sản phẩm mới trong danh mục sản phẩm công nghiệp Thanh Hóa...
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, dăm gỗ... đã bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng ổn định cho thời gian dài, với sản lượng sản xuất tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp cũng chuyển dịch phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng chi phối trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, chiếm khoảng 92% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: “Nửa đầu năm 2024 ghi nhận tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp Thanh Hóa. Bên cạnh sự gia nhập thị trường của các sản phẩm mới thì hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều tăng trưởng mạnh; trong đó, chiếm tỷ trọng chi phối là các sản phẩm: Lọc hóa dầu, điện sản xuất, xi măng, clinker, thuốc lá bao, giấy bìa các loại...
Đặc biệt, hoạt động ổn định và tăng công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án nguồn điện, nhất là Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đã tạo động lực chính đưa chỉ số IIP tại Thanh Hóa tăng trưởng mạnh”.