Tập đoàn SK (Hàn Quốc) muốn làm dự án điện khí 2,1 tỷ USD ở Nghệ An
Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đang tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập 2,15 tỷ USD, công suất 1.500MW.
Ngày 15/4 vừa, Đoàn công tác Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Tập đoàn SK đã giới thiệu dự án hỗ trợ phát triển công nghiệp tại Việt Nam thông qua các Cụm công nghiệp – Năng lượng (SEIC) tại các khu vực tiềm năng. Tại khu vực Bắc Trung bộ, Tập đoàn dự kiến sẽ đầu tư cụm Công nghiệp – Năng lượng AI/Công nghệ cao. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã giới thiệu về các phương án triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập sẽ được triển khai tại 2 thôn Đồng Minh và Đồng Thanh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An trên diện tích khoảng 210 - 360 ha. Quy mô đầu tư xây dựng dự án bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ. Nhu cầu LNG của dự án vào khoảng 1,15 triệu tấn/năm và cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT.

Đây là 1 trong 14 dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG thuộc danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành Điện tới năm 2030, nhằm đưa tổng công suất nhiệt điện LNG cả nước đạt 22.400 MW. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2,15 tỷ USD, công suất đạt 1.500MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phùng Thành Vinh đã giao Sở Công thương là cơ quan đầu mối, cung cấp các thông tin cho Tập đoàn SK.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn SK là tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, viễn thông, dầu khí, năng lượng... của Hàn Quốc. Tập đoàn SK có giá trị vốn hóa thị trường gần 200 tỷ USD, đứng thứ hai tại Hàn Quốc và thuộc top 100 tập đoàn lớn nhất toàn cầu.
Liên quan tới dự án điện khí này, cuối năm 2024 đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến dự án này và đã tham gia nộp hồ sơ, điển hình như: Liên danh Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP; Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và SK E&S CO.,LTD., liên danh này có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 332,28 ha (gồm: diện tích đất 59,75 ha, diện tích mặt nước 272,53 ha). Tổng công ty Phát điện 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 260 ha (gồm: diện tích đất 60 ha; diện tích mặt nước 200 ha).
Cùng với đó là Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản, có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 182,63 ha (gồm: diện tích đất 65,6 ha; diện tích mặt nước 117,13 ha); Liên danh CTCP Đầu tư năng lượng Bamboo Việt Thành và Gulf Petroleum Limited (Qatar), có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 175,9 ha (gồm: diện tích đất 57,9 ha; diện tích mặt nước 118 ha).
Ngoài ra, còn có sự góp mặt của Liên danh Công ty POSO International của Hàn Quốc và CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam, có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 345,3 ha (gồm: diện tích đất 95,55 ha; diện tích mặt nước 249,75 ha).
Minh Thành