Tạo đột phá để du lịch cất cánh, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam.
Ngày 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VPCP, các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị kỹ, chu đáo Hội nghị, những ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn, cho thấy quyết tâm cao phát triển đột phá ngành du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần đi sau nhưng phải vượt lên trước; yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm, quyết liệt, tập trung triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bám sát thực tiễn, ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030; ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngày 15/3/2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát khá vững chắc, Việt Nam quyết định mở lại các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm hơn so với rất nhiều quốc gia.
Ngày 15/3/2023, tổ chức Hội nghị toàn quốc để đánh giá tình hình phục hồi và phát triển du lịch sau 1 năm mở cửa trở lại. Ngày 18/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững với 07 nhóm giải pháp chủ yếu.
Tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển.
Cùng với đó, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển du lịch như cắt giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành quốc tế; áp dụng thị thực điện tử; khôi phục chính sách miễn thị thực đơn phương và đa phương; điều chỉnh giá điện cho các doanh nghiệp lưu trú...
Du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội để phát triển
Về những kết quả phục hồi và phát triển du lịch, các báo cáo và ý kiến phát biểu đã đề cập đầy đủ, Thủ tướng cho rằng, những kết quả này là khá tích cực cả về phát triển nguồn lực, sản phẩm và đóng góp với nền kinh tế-xã hội.
Điều đó giúp ngành du lịch tự tin để phát triển, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Nếu chúng ta có chính sách, chủ trương đúng, tổ chức thực hiện tốt thì hiệu quả mang lại rất cao.
Nhân dịp này, Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp du lịch và cả ngoài ngành du lịch trong điều kiện khó khăn thời gian qua đã chung tay, góp sức, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để phục hồi và phát triển ngành du lịch.
Theo Thủ tướng, du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển thời gian tới.
Những nền tảng quan trọng để du lịch Việt Nam phát triển là: Hệ thống chính trị nước ta ổn định; an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững.
Vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ với cả 5 phương thức (đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải) và đang phát triển theo hướng tăng cường liên kết.
Có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. Có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả núi, rừng, biển và sông; nền văn hóa dân tộc phong phú, đặc sắc; người dân hiền hậu, mến khách, cần cù, linh hoạt, sáng tạo. Chuyển đổi số được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực...
Chúng ta đang tiếp tục củng cố và mở rộng các yếu tố nền tảng. Về hội nhập và đối ngoại, chúng ta vẫn giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với cả 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nước G20; đồng thời, ký kết 16 FTA với trên 60 quốc gia, đối tác lớn; tham gia hơn 500 Hiệp định song phương và đa phương. Điều này tiếp tục mở ra những thời cơ, vận hội cho phát triển KTXH, nhất là lĩnh vực du lịch.
Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về du lịch
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, yếu kém của ngành du lịch, mà trước hết là thể chế, chính sách, pháp luật cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế... với du lịch chưa chặt chẽ, chưa hình thành mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược cùng phát triển; chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia.
Các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc Việt Nam theo tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Nhiều sản phẩm du lịch được sao chép từ địa phương này sang địa phương khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác dẫn đến chất lượng không cao, thiếu tinh tế, thiếu sáng tạo, thiếu tính bền vững, thiếu bản sắc...
Chưa có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, được tổ chức chuyên nghiệp cao, thường xuyên để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam như Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, Festival di sản Huế.
Công tác đánh giá, dự báo, định hướng phát triển thị trường chưa rõ nét, đồng bộ, sát thực tiễn. Chuyển đổi số trong du lịch ở cả cấp Trung ương và địa phương chưa mạnh mẽ, đồng bộ. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới, thiếu tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Huy động và bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn hạn chế, phân tán, dàn trải.
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối diện với không ít thách thức. Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm.
Nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi).
Tác động bất lợi từ những bất ổn chính trị, xung đột, thiên tai, kinh tế tăng trưởng chậm tại các thị trường truyền thống. Cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt. Biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và triều cường tác động ngày một lớn tới hoạt động du lịch.
Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam
Nhận định du lịch là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, liên quan tới các vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó, phải có cách tiếp cận tương đối toàn diện, toàn cầu, toàn dân; "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới.
Theo đó, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao.
Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Liên kết chặt chẽ, phối hợp hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các chủ thể liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và tư nhân, giữa các bộ ngành, địa phương. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết quốc gia và toàn cầu.
Khi tình hình thay đổi thì phải có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận phù hợp, theo hướng chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dự báo, đánh giá dựa trên dữ liệu….
Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KTXH với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển du lịch nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại.
Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch.
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao…
Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch
Về một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, định hướng phát triển xuyên suốt của du lịch Việt Nam đã được xác định trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 là "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".
Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện", trong đó tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Bình...).
Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - các tỉnh miền núi phía bắc; Huế - Đà Nẵng; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng, TPHCM và phụ cận; Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang).
Tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế.
Tăng cường quan hệ hợp tác công-tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.
Thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công-tư trong phát triển du lịch; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Giao thông vận tải tích cực trao đổi với Cơ quan hữu quan các nước bạn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi kết nối đường bay trực tiếp từ các thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm đến Việt Nam.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch đẩy mạnh khai thác du lịch đường bộ, khách qua biên giới (gồm cả du lịch bằng xe tự lái) và đường thủy (hiện đường bộ, đường biển còn ít, trong khi tiềm năng, dư địa còn lớn).
Chủ tịch UBND các cấp phát huy vai trò của người đứng đầu trong hoạch định, điều hành, chỉ đạo đổi mới tư tuy về quản lý và phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đồng hành phát triển du lịch".
Xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo
Thứ hai, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động du lịch; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch.
Thứ ba, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh (du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, sức khỏe...).
Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường, đảm bảo khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm, truyền thống và từng bước mở rộng các thị trường mới tiềm năng. Thúc đẩy cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu. Thủ tướng lấy ví dụ, để thu hút khách du lịch theo Hồi giáo, cần chú ý cung cấp thực phẩm Halal, bố trí các địa điểm cầu nguyện phù hợp…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong xây dựng, xúc tiến, quản lý, phát triển các sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia và có tính liên vùng.
Nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có tính chất đột phá với tầm nhìn dài hạn, huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng. Tăng cường năng lực, quy mô, tính hiệu quả của hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia. Thực hiện rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế quản lý và vận hành để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Bộ Ngoại giao phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan đại diện, các tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài, các kênh ngoại giao... trong quảng bá, phát triển du lịch. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng vào các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam và những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi (như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh Bình; Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế; TPHCM – các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL…)
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gắn kết hiệu quả xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam và các chương trình xúc tiến thương mại khác.
Thủ tướng cho rằng nghiên cứu, tổ chức nhiều hơn các festival phim, âm nhạc… quốc tế, giới thiệu, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ quốc tế sáng tác về Việt Nam, đề cập tới Việt Nam trong các tác phẩm nghệ thuật... Thủ tướng gợi ý tổ chức các sự kiện này tại một địa điểm nhất định để tạo điểm nhấn, thương hiệu.
Thứ năm, tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách - "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch".
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa.
Các địa phương xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa ở các khu du lịch; nâng cao trình độ văn hóa của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.
Hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh
Thứ sáu, đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung phát triển cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối thông tin cho hoạch định chính sách, điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh.
Các địa phương cần bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch của địa phương mình, đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện.
Với Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các địa phương, Thủ tướng đề nghị tiếp tục duy trì hoạt động và làm tốt công tác chỉ đạo, điều phối sự hợp tác, liên kết của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong phát triển du lịch; kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn vướng mắc, đề xuất chính sách mới phù hợp với thực tiễn của đất nước, xu hướng phát triển của thế giới.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Trong đó, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phát hiện, tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch để đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp du lịch phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi du lịch. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn.
Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nói không với tiêu cực. Đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thủ tướng khẳng định: Trên tinh thần "Lời nói đi đôi với việc làm", "việc hôm nay chớ để ngày mai", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển du lịch nhanh và bền vững.
Thủ tướng tin rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của ngành du lịch, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các bộ, ngành, sự liên kết và hợp tác đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo nên "sức mạnh tổng hợp to lớn" để du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và cất cánh, thực hiện thành công Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để tới năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao./.