0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 14/01/2025 11:17 (GMT+7)

Sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê thuế để chống thất thu thuế

Theo dõi KT&TD trên

Công tác thống kê thuế là một phần không thể tách rời với định hướng phát triển của ngành Thuế. Ngành Thuế tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án hiện đại hóa công tác thống kê thuế, từng bước sử dụng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác thống kê, phân tích…,

Giúp hoạch định chính sách cũng như điều hành, quản lý, chống thất thu NSNN.

Ngành Thuế đang tích cực ứng dụng công nghệ cơ sở dữ liệu lớn trong công tác thống kê để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế

Phản ánh đầy đủ tình trạng hoạt động, kinh doanh

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, trong nhiều năm qua, cùng với việc cung cấp ngày càng nhiều hơn, tiện ích hơn các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế (NNT), ngành Thuế đã từng bước xây dựng và tích lũy được một nguồn dữ liệu to lớn với lượng thông tin khổng lồ và là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá phản ánh đầy đủ tình trạng hoạt động, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế của mọi doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt hoạt động.

Nguồn dữ liệu ngành Thuế tích lũy được gồm: thông tin liên quan đến đăng ký kinh doanh, thành lập DN như: loại hình DN, chủ sở hữu, nguồn vốn, quy mô, số lượng lao động…; tình hình tài chính như: tài sản, nợ vay, vốn chủ sở hữu…; thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh như: doanh thu, chi phí, lợi nhuận…; thông tin về tình hình chấp hành pháp luật thuế, thông tin về khoản nộp NSNN của trên 1 triệu DN, tổ chức đang hoạt động, gần 3 triệu hộ cá nhân kinh doanh và hàng chục triệu cá nhân có nghĩa vụ với NSNN.

Đặc biệt, từ 01/7/2022 đến nay, cơ sở dữ liệu (CSDL) hóa đơn điện tử đã phản ánh gần như toàn bộ giao dịch mua bán của nền kinh tế ngay tại thời điểm phát sinh; bên cạnh đó là nguồn dữ liệu thu thập được từ việc trao đổi thông tin, phối hợp công tác các cơ quan quản lý nhà nước hay từ chính NNT là các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử... Theo Vụ trưởng Lê Thị Duyên Hải, đây là cơ sở quan trọng để ngành Thuế thực hiện các mô hình quản lý thuế mới, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý thuế, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ theo hướng hệ thống ra quyết định và giao việc cho cán bộ thuế, kiểm soát công việc và giám sát kết quả.

Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, nguồn thông tin dữ liệu to lớn trên là vô cùng quan trọng, ngành Thuế “quyết không để lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này”. Người đứng đầu ngành Thuế đã giao cho các vụ, đơn vị của Tổng cục Thuế, trong đó có Vụ Kê khai và Kế toán thuế xây dựng Đề án hiện đại hóa công tác thống kê thuế, từng bước sử dụng CSDL để phục vụ cho công tác thống kê, phân tích, dự báo xu hướng…, phục vụ cho công tác hoạch định chính sách cũng như điều hành, quản lý, chống thất thu NSNN.

Ngành Thuế đã và đang thực hiện các mô hình quản lý thuế mới, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý thuế, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ

Tăng cường quản lý thuế trên mọi ngành, lĩnh vực

Năm 2025, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị ngành Thuế, Vụ Kê khai và Kế toán thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án hiện đại hóa công tác thống kê thuế; hoàn thiện các chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo thống kê tĩnh và động phục vụ nhu cầu quản lý của cơ quan thuế các cấp.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, biểu mẫu báo cáo thống kê trong lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế, phục vụ tốt cho công tác thống kê, quản lý thuế; sửa đổi, bổ sung quy chế quy định trách nhiệm về kiểm soát xử lý dữ liệu, từ đó quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan thuế các cấp, công chức thuế trong việc làm sạch CSDL phục vụ công tác thống kê, quản lý thuế.

Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp sẽ triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu theo từng nhóm chức năng như đăng ký thuế như: rà soát toàn bộ thông tin đăng ký của NNT, số căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật, trạng thái, loại hình, ngành nghề kinh doanh…; thông tin kê khai, nộp thuế như: cập nhật kịp thời, đầy đủ dữ liệu tờ khai, báo cáo tài chính; rà soát chuẩn hóa dữ liệu nộp thừa, dữ liệu hóa đơn điện tử và ứng dụng giải pháp công nghệ để phân loại các nhóm hàng hóa phục vụ công tác thống kê, phân tích.

Vụ trưởng Lê Thị Duyên Hải khẳng định, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện quy chế, hệ thống trao đổi thông tin hiện có với Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại… Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, mở rộng trao đổi thông tin với các đơn vị khác như Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06), Bộ Giao thông vận tải (Cục đường bộ, Cục đường cao tốc…).

Song song với đó, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường, mở rộng trao đổi, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế như: OECD, IMF, cơ quan thuế của các nước phát triển để áp dụng các tiêu chuẩn quản lý thuế tiên tiến, ngăn chặn, phát hiện kịp thời tình trạng thất thu từ các giao dịch xuyên quốc gia.

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê thuế để chống thất thu thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cổ phiếu nhóm ngành bất động sản bất ngờ tăng mạnh
Kể từ cuối tháng 6 đến nay, nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ bứt phá mạnh mẽ. Đáng chú ý, không chỉ những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt ghi nhận đà tăng, mà cả các công ty đang thua lỗ, bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục cũng liên tục có chuỗi phiên tăng trần.

Tin mới

Đua “săn” ngôi nhà thứ hai ven biển TP.HCM: Casa dẫn đầu với vị thế tài sản nghỉ dưỡng “truyền đời”
Sở hữu vị trí “ven biển, chạm phố”, kết nối trung tâm TP.HCM, toàn vùng và toàn quốc qua hệ thống hạ tầng hiện đại, phân khu Casa thuộc Blanca City nổi bật như khoản đầu tư “second home” chiến lược, vừa phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, vừa mang lại khả năng kinh doanh và tăng trưởng giá trị.
Khó khăn bủa vây nhiều nhóm ngành công nghiệp
Dù nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm, các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, động lực tăng trưởng chính vẫn rất cần những chính sách linh hoạt và hỗ trợ cụ thể để vượt qua thách thức, duy trì đà sản xuất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Siết chặt kiểm tra, xử lý găm hàng, thổi giá trong mưa bão
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), Bộ Công thương đã ban hành văn bản hỏa tốc yêu cầu các địa phương, lực lượng quản lý thị trường và doanh nghiệp chủ động kiểm soát thị trường, đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Tái định vị sản phẩm trong nền kinh tế tiêu dùng thông minh
Nền kinh tế tiêu dùng thông minh đang định hình lại cách thức các doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ khách hàng. Trong bối cảnh này, việc tái định vị sản phẩm không còn là chiến lược tùy chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển.