Sơn La: Phát triển du lịch xanh gắn với sinh thái nông nghiệp, nông thôn
Khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng, độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Sơn La, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng.
Với xu hướng du lịch thay đổi cùng với những thành công gắn liền với thương hiệu “du lịch xanh, du lịch bền vững” đã trở thành lợi thế để Sơn La tập trung phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Các ngành chức năng cần tập trung triển khai các nội dung, nhiệm vụ phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, như: Tổ chức chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó xác định sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương; khảo sát đánh giá các tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn, chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ gắn với định hướng phát triển nông nghiệp an toàn nhằm lựa chọn điểm phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái trên địa bàn các huyện, thành phố. Tổ chức lựa chọn và hỗ trợ xây dựng phát triển mô hình điểm du lịch cộng đồng cơ sở khai thác các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La, giá trị nông nghiệp, sinh thái.
Sơn La đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch những năm gần đây, đặc biệt là xu hướng du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, du lịch xanh gắn với sinh thái nông nghiệp, nông thôn đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và khách du lịch. Cùng với những mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái đang thu hút khách như: Hái dâu tây và thưởng thức các sản phẩm từ dâu tây VietGAP tại Chimi Farm 1, Hoa Mộc Châu Farm, trải nghiệm thăm vườn mận, vườn mơ mùa hoa và thu hoạch quả tại thung lũng mận Nà Ka, thung lũng mận Mu Náu, trải nghiệm chăm sóc bò sữa tại trang trại du lịch bò sữa Dairy Farm (Mộc Châu); trải nghiệm hái cam tại vườn ở xã Mường Thải (Phù Yên), xã Chiềng Ban (Mai Sơn); thăm quan đồi chè cổ thụ 300-500 năm tuổi kết hợp với trải nghiệm quá trình sản xuất chè của bà con dân tộc Mông tại bản Mống Vàng và bản Chung Chinh, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên; trải nghiệm mùa vàng trên những cánh đồng và mùa hoa sơn tra tại các bản vùng cao của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao với hàng trăm chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; hàng chục ngàn hecta cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; nhiều sản phẩm địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ...
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 của HĐND tỉnh Sơn La nhằm triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La để khuyến khích, động viên và hỗ trợ thiết thực đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế du lịch, sản phẩm du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc, sản vật địa phương, đảm bảo an ninh, an toàn trong các hoạt động du lịch. Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống, gắn với du lịch nông thôn, góp phần đưa du lịch nông nghiệp Sơn La thành một thế mạnh, một hướng đi mới và bền vững của ngành du lịch địa phương trong năm nay và những năm tiếp theo.
Phi Long - Minh Đông/ VP Tây Bắc