Siết quảng cáo hàng hoá sai bản chất, nội dung xấu độc
Không chỉ là những quảng cáo có nội dung xấu, độc hại, mà tình trạng quảng cao sai về công dụng, bản chất của sản phẩm, dịch vụ vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến nhiều thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến để xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường cần phải quy định nội dung bắt buộc thể hiện trên sản phẩm quảng cáo... Không chỉ vậy, các cơ quan chức năng cũng sẽ nỗ lực để điều chỉnh các quy định liên quan, nhất là những ưu tiên tăng chế tài xử lý vi phạm cũng như xử phạt bổ sung hành vi quảng cáo bán hàng sự thật trên mạng xã hội.
Quảng cáo sản phẩm sai bản chất, nội dung xấu độc tràn lan
Hiện nay, không ít người tiêu dùng bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Một trong những vấn đề nhức nhối nhất là tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vẫn nạn quảng cáo thuốc đông y, sữa… được phóng đại một cách vô tội vạ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân là rất lớn.
Có một thực tế đáng buồn là quảng cáo thông qua người dẫn dắt dư luận chủ chốt (KOL) hiện vẫn là một mắt xích trong các chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng. Nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng cũng đã tham gia thực hiện các quảng cáo này và với sức hút, sự ảnh hưởng của họ, người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng và chọn mua sản phẩm theo gợi ý. Đáng chú ý, có một số nghệ sỹ vì do thiếu hiểu biết hay cố tình quảng cáo cho nhãn hàng, đã ngang nhiên giới thiệu các loại thực phẩm như sữa, thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.
Cùng với việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền tràn lan tạo ra ma trận sản phẩm gây nhiễu cho người dùng thì các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, Youtube để phát tán các sản phẩm cờ bạc, cá độ. Chúng xây dựng các video clip ngắn có nhiều phần thưởng hấp dẫn, giá trị cao để chạy trên các nhóm (Fanpage), kênh trên Youtube nhằm thu hút người tham gia, tặng mã khuyến mại (code) lôi kéo người chơi. Đồng thời tuyển đại lý, kênh quảng cáo vệ tinh, trung gian để khuếch tán sản phẩm cờ bạc của mình và đã có rất nhiều người dùng bị dụ dỗ tham gia đánh bạc trên mạng thông qua hình thức quảng cáo này.
Các đối tượng còn lợi dụng hình thức quảng cáo trên để lôi kéo, dụ dỗ người dùng vay tiền trực tuyến với lãi suất cao. Trên nhiều web, mạng xã hội, app nhan nhản thông tin quảng cáo cho vay với thủ tục trực tuyến, đơn giản nhưng lãi suất thì "cắt cổ"…
Ngoài ra, lợi dụng tình trạng các đơn vị đặt quảng cáo chỉ yêu cầu số lượng view và khá dễ dãi... nên các đại lý quảng cáo thả lỏng và nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn với các nội dung xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước, sai sự thật, khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền, vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết, đó là người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; trong đó, Youtube, Facebook, TikTok cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó. Bên cạnh đó, công cụ để kiểm soát nội dung quảng cáo, vi phạm quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả.
Cơ chế quản lý nội dung, bật kênh kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ các quy định pháp luật; cơ chế xử lý vi phạm thiếu trách nhiệm, không triệt để. Trong khi đó, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo thì chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng; không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm.
Trong khi đó, các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm còn thấp và chưa đủ sức răn đe. Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, cho biết đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có những quy định cụ thể về sử dụng mạng xã hội.
Dự kiến giữa năm 2024, Nghị định mới sẽ được Chính phủ ban hành. Khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành các quy định xử phạt hành chính, trong đó có nội dung tăng mức phạt tiền và xử phạt bổ sung hành vi sai lệch, quảng cáo bán hàng sai sự thật trên mạng xã hội.
Sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung trong Luật Quảng cáo
Thông tin từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), cho biết Bộ đang lấy ý kiến để xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó có những quy định chặt chẽ liên quan đến quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, nhất là việc nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo cho các nhãn hàng… không đúng sự thật.
Theo Bộ VHTTDL, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và càng ngày một khẳng định được vị trí trong hoạt động doanh nghiệp của cơ chế thị trường. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, nhất là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho cộng đồng và trực tiếp là người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo Bộ VHTTDL, luật hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; chưa có phân định về hoạt động quảng cáo và các yêu cầu bắt buộc về việc cung cấp thông tin sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Đặc biệt, đối với các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường cần phải quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo nhưng chưa có quy định cụ thể tại Luật Quảng cáo mà nằm trong Nghị định hướng dẫn và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành gây mâu thuẫn, chồng chéo....
Hiện tại, Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến trên nguyên tắc giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về chính sách của nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; phương tiện quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên các phương tiện như điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác; quảng cáo có yếu tố nước ngoài…
Cụ thể, dự luật sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định về: nội dung và hình thức quảng cáo trong đó bổ sung thêm quy định về Hội đồng thẩm định, việc phê duyệt quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo theo ngành, lĩnh vực; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo; Quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; Quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo và nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương.
Dự thảo Luật gồm 2 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung 19 điều, khoản; bổ sung 2 Điều mới), bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản của Luật Quảng cáo và Điều 2 về Điều khoản thi hành.
Minh Đức