Sản xuất công nghiệp tháng 7 của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khởi sắc
Cục Thống kê TP.HCM cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 trên địa bàn Thành phố ước tính tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Cụ thể, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện giảm 0,4% so với tháng trước nhưng tăng 7,9% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,6% so với tháng trước nhưng tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,4%.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 19/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 23,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 22,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 21,2%.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 17,3%; ngành cơ khí tăng 6,5%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 4,2%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,8%.
Đối với tình hình hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn, từ ngày 01/01 đến ngày 20/7/2023, Thành phố đã cấp phép 27.664 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 261.167,1 tỷ đồng, tăng 9,3% về giấy phép và giảm 14,1% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, 09 ngành dịch vụ chủ yếu có 20.509 doanh nghiệp thành lập, tăng 10,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 176.424,6 tỷ đồng, giảm 23,8%.
Đối với tình hình thực hiện vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 7 năm 2023 đạt 4.842,5 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 57,6% so với cùng kỳ. Cộng dồn 7 tháng năm 2023, ước thực hiện 20.295,5 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ.
Về tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm, dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến trong quý 3 năm nay sẽ được cấp 268 tỷ đồng vốn điều lệ để chuẩn bị nhân sự khai thác tuyến tàu điện đầu tiên.
Dự án Thành phần số 1 đường Vành đai 3: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của 4 gói thầu xây lắp đã được Sở Giao thông vận tải thẩm định và Ban Quản lý dự án công trình Giao thông phê duyệt. Đến thời điểm hiện nay, nguồn vật liệu cung cấp cho Dự án đường vành đai 3 đã sẵn sàng, bảo đảm phục vụ công tác thi công liên tục đến khi hoàn thành.
Dự án Thành phần số 2 đường Vành đai 3: Tính đến ngày 14/7/2023, tỉ lệ bàn giao mặt bằng cho tuyến Vành đai 3 trên địa bàn đạt khoảng 91,7% (374 ha/410 ha). Trong đó, huyện Hóc Môn bàn giao 100% mặt bằng, huyện Củ Chi bàn giao 97% mặt bằng (đạt 63/65 ha), huyện Bình Chánh bàn giao hơn 94% mặt bằng (137/145 ha) và thành phố Thủ Đức bàn giao gần 75% mặt bằng (74/99 ha). Tính đến hết tháng 6/2023, đã thực hiện chi trả, bồi thường giải phóng mặt bằng 9.401 tỷ đồng, đạt tỉ lệ giải ngân 52% (so với Kế hoạch vốn được giao là 18.000 tỷ đồng). Dự kiến, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đường Vành đai 3 sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Tính chung 7 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, có 10/23 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng; một số ngành tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 70,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 56,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 28,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,4%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 16,7%; 13 ngành còn lại có chỉ số tiêu thụ giảm và giảm mạnh nhất là ngành sản xuất kim loại với tỷ lệ là 40,9%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 7 năm 2023 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ, xét theo ngành công nghiệp cấp II thì 15 ngành có chỉ số tồn kho tăng, 8 ngành có chỉ số tồn kho giảm. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 47,5%; sản xuất kim loại tăng 28,3%; sản xuất trang phục tăng 28,1%. Một số ngành có mức tồn kho giảm mạnh như: Sản xuất đồ uống giảm 43,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 34,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 26,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 25,2%.
Chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 7/2023 giảm 0,4% so với tháng trước và giảm 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số lao động giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số lao động tăng như: Sản xuất xe có động cơ tăng 34,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 31,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 27,2%. Một số ngành có chỉ số lao động giảm như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 14,3%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 13,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại giảm 10,9%.
Tiến Hoàng