0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ ba, 12/09/2023 17:17 (GMT+7)

Sài Gòn VRG: “Ăn nên làm ra” trong 6 tháng đầu nhưng nợ phải trả vẫn chiếm tới gần 82% tổng tài sản

Theo dõi KT&TD trên

6 tháng đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (Sài Gòn VRG) đã báo lãi hơn 460 tỷ đồng. Mặc dù hoạt động kinh doanh trong những năm gần đây khá tích cực, tuy nhiên cơ cấu nợ phải trả trong tổng tài sản của doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao, lên tới 81,8%.

Sài Gòn VRG: “Ăn nên làm ra” trong 6 tháng đầu năm nhưng nợ phải trả vẫn chiếm tới gần 82% tổng tài sản
Sài Gòn VRG là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Được thành lập ngày 24/10/2007 với vốn điều lệ ban đầu là 250 tỷ đồng, Sài Gòn VRG là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhà xưởng, khu dân cư. Hiện nay, ông Trần Mạnh Hùng đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Sài Gòn VRG.

Thu lãi hơn 60 tỷ đồng từ đầu tư vào 4 công ty liên kết

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đã được soát xét, Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) báo lãi 6 tháng hơn 460 tỷ đồng, giảm 43,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, Sài Gòn VRG ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.057 tỷ đồng, giảm 29 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp của SIP ghi nhận con số âm 2.636 tỷ đồng, giảm nhẹ 2 tỷ đồng so với con số âm 2.638 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp trong kỳ đạt 246,4 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ, đạt 51,1 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của SIP trong kỳ đều ghi nhận con số âm, cụ thể lần lượt là âm 8,5 tỷ đồng và âm 43,2 tỷ đồng.

Tới thời điểm ngày 30/6/2023, về đầu tư tài chính, Sài Gòn VRG có hơn 122,2 tỷ đồng đầu tư vào Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (HSX: TRC). Bên cạnh đó, Sài Gòn VRG đầu tư 1.022,3 tỷ đồng vào các công ty liên kết, bao gồm: Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên với 791,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam với 210,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Khoáng Sản Fico Tây Ninh với 20,4 tỷ đồng. Nhóm 4 công ty liên kết này đã đưa về cho Sài Gòn VRG hơn 60 tỷ đồng bao gồm cổ tức và lợi nhuận được chia.

Sài Gòn VRG: “Ăn nên làm ra” trong 6 tháng đầu năm nhưng nợ phải trả vẫn chiếm tới gần 82% tổng tài sản
Kết quả hoạt động kinh doanh của Sài Gòn VRG trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong kỳ, Sài Gòn VRG ghi nhận 38,9 tỷ đồng lợi nhuận phân chia từ các công ty liên doanh, liên kết. Qua đó, Sài Gòn VRG ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2023 đạt gần 603 tỷ đồng, giảm 18,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Với kế hoạch kinh doanh được đặt ra trong năm 2023 là tổng doanh thu đạt 5.312,5 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế dự kiến 755,15 tỷ đồng, như vậy tính tới thời điểm hiện tại, Sài Gòn VRG đã hoàn thành 57,5% kế hoạch doanh thu và 61% kế hoạch lợi nhuận.

Nợ phải trả chiếm tới 81,8% tổng tài sản

Tính đến ngày 30/6/2023, Sài Gòn VRG ghi nhận tổng cộng tài sản ở mức 20.218 tỷ đồng, tăng 6,3% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, tài sản ngắn hạn có 9.329 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2022. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm ngoái, đạt 1.331 tỷ đồng. Hàng tồn kho của Sài Gòn VRG giảm 30 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Tài sản dài hạn của Gòn VRG tính tới thời điểm ngày 30/6/2023 đạt 10.889 tỷ đồng, trong đó bất động sản đầu tư và tài sản dở dang dài hạn đều ghi nhận tăng lên, lần lượt đạt 5.229 tỷ đồng và 2.939 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án là 2.943 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là chi phí phát triển Dự án Khu công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (1.257,8 tỷ đồng), chi phí phát triển Dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (600,1 tỷ đồng), chi phí phát triển Dự án Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (669,6 tỷ đồng)…

Sài Gòn VRG: “Ăn nên làm ra” trong 6 tháng đầu năm nhưng nợ phải trả vẫn chiếm tới gần 82% tổng tài sản
Nhà xưởng cho thuê Củ Chi một trong những dự án của Sài Gòn VRG.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Sài Gòn VRG tính đến ngày 30/6/2023 là 16.550 tỷ đồng, tăng 7,8% so với thời điểm hồi cuối năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.545 tỷ đồng, nợ dài hạn là 14.005 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của SIP tính tới thời điểm ngày 30/6/2023 đạt 3.668 tỷ đồng, tương đương chiếm 18% tổng cộng nguồn vốn.

Mặc dù vốn chủ sở hữu của SIP liên tục gia tăng, tuy nhiên cơ cấu nợ phải trả trong tổng tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao. Tính tới ngày 30/6/2023, nợ phải trả của Sài Gòn VRG chiếm tới 81,8% tổng tài sản của Sài Gòn VRG có.

Trong kỳ, Sài Gòn VRG đã thu hồi hơn 1.210 tỷ đồng đã cho cổ đông lớn vay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc. Số dư đầu năm liên quan đến việc Sài Gòn VRG cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc vay là hơn 1.797 tỷ đồng. Trong quá khứ, Sài Gòn VRG từng nhập nhằng trong kinh doanh, bị phạt và truy thu thuế.

Về hoạt động kinh doanh của Sài Gòn VRG, đơn vị này còn từng có dấu hiệu vi phạm quy định của Nhà nước về việc kê khai thuế. Cụ thể, trong tháng 03 năm 2020, đơn vị này cũng đã bị Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) truy thu, phạt vi phạm hành chính và tiền nộp chậm lên tới 3,56 tỷ đồng.

Tiếp đó, vào cuối năm 2021, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng ra quyết định xử phạt hành chính đối với Sài Gòn VRG với sai phạm khai sai thuế giá trị gia tăng dẫn đến thiếu số thuế phải nộp; Khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Với các hành vi này, Sài Gòn VRG đã phải nộp phạt hành chính 42,7 triệu đồng và bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền lên tới 181 triệu đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/9, cổ phiếu SIP của Sài Gòn VRG giảm 2,3%, qua đó đưa thị giá SIP xuống còn 67.800 đồng/cổ phiếu.

Lê Trang

Bạn đang đọc bài viết Sài Gòn VRG: “Ăn nên làm ra” trong 6 tháng đầu nhưng nợ phải trả vẫn chiếm tới gần 82% tổng tài sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.