Quý IV/2023 Tisco ghi nhận đạt 2.741 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so với cùng kỳ
CTCP Gang Thép Thái Nguyên vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023. Kết quả kinh doanh cho thấy, lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận lũy kế cả năm 2023 của công ty vẫn âm.
Theo đó, trong quý IV/2023, thị trường thép có những diễn biến tích cực, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép. Theo đó, sản lượng tiêu thụ thép cán đã tăng 46.458 tấn, tỷ lệ tăng 31,6% so với cùng kỳ.
Một số khoản chi phí trong quý IV/2023 cũng giảm so với cùng kỳ, chẳng hạn như chi phí quản lý giảm 67,6 tỷ đồng (do giảm chi phí lương và tiền thuê đất), chi phí tài chính giảm 13,4 tỷ đồng (một phần do hoàn nhập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư).
Mặc dù doanh thu quý IV tăng so với cùng kỳ, nhưng doanh thu lũy kế cả năm 2023 của Tisco vẫn sụt giảm, cụ thể năm 2023 chỉ đạt 9.531 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đạt 11.699 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2023 vẫn ghi nhận mức âm 179 tỷ đồng, đây là mức thua lỗ nặng hơn khá nhiều so với mức lỗ 8,9 tỷ đồng trong năm 2022.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối quý IV của Tisco là 10.251 tỷ. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản dở dang 6.630 tỷ, chủ yếu ở Dự án Cải tạo Gang thép giai đoạn 2.
Tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là gần 3.844 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án là 8.105 tỷ đồng.
Doanh nghiệp thông tin hiện tại, dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, ban lãnh đạo công ty cùng Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (công ty mẹ) vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan để tháo gỡ các khó khăn cho dự án.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Tisco đạt 10.251 tỷ đồng, tăng 70 tỷ đồng so với số đầu năm. Hàng tồn kho của công ty ở mức 1.418 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm.
Tuy nhiên, chiếm hơn một nửa tài sản của công ty là chi phí xây dựng dở dang ở mức 6.629 tỷ đồng. Theo thuyết minh, tính tới cuối tháng 12/2023, tổng giá trị đầu tư của dự án đạt 6.627 tỷ đồng, trong đó lãi vay vốn hóa là 3.413 tỷ.
Xét về nguồn vốn doanh nghiệp, nợ phải trả chiếm phần lớn trong đó (chiếm hơn 83% tổng nguồn vốn – hơn 8.546 tỷ đồng). Trong đó, nợ vay tài chính của công ty ở mức 4.475 tỷ đồng với hơn một nửa là nợ ngắn hạn. Ở thời điểm 31/12/2023, Tisco ghi nhận vốn chủ sở hữu đạt 1.704 tỷ đồng.
Đáng chú ý, liên quan đến Dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên đang triển khai Dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang Thép Thái Nguyên – Giai đoạn II” với tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là 3.843,67 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án là 8.104,91 tỷ đồng.
Hiện tại, Dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, Ban Lãnh đạo Công ty cùng Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan để tháo gỡ các khó khăn cho dự án.
Cuối năm 2023, công ty có 117 tỷ tiền mặt. Tổng dư nợ cuối kỳ là hơn 4.474 tỷ đồng bao gồm 2.773 tỷ vay ngắn hạn. Tổng chi phí lãi vay năm qua của Tisco là 168 tỷ.
Được biết, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thành lập năm 2009, tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên thành lập năm 1959, là khu Công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép và cán thép.
Sản phẩm thép TISCO đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, được sử dụng vào hầu hết các Công trình trọng điểm Quốc gia như thuỷ điện Hoà Bình, Yaly, Sơn La, đường dây tải điện 500 KV Bắc Nam, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, cầu Thăng Long, Chương Dương, và nhiều công trình khác; thâm nhập vào được thị trường Quốc tế như Canada, Indonesia, Lào, Campuchia.
Tiến Hoàng