Phúc Thọ Hoa Bay: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng chưa bị xử lý
Dự án trồng hoa cây cảnh tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) do Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay làm chủ đầu tư đã bị “biến” thành Khu du lịch sinh thái với tên "Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay", trái với mục đích sử dụng đất được phê duyệt.
Tìm hiểu được biết, Khu vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay do Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay làm chủ đầu tư, nằm ở bãi sông Đáy, cách chân đê khoảng 100m và sát bờ sông. UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt mục đích sử dụng đất tại đây làm dự án trồng hoa, cây cảnh. Theo Quyết định số 1281-QĐTTG ngày 07/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, khu vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay nằm trong hành lang thoát lũ tuyến sông Đáy phạm vi 500m. Bao gồm hai bên bãi và lòng sông. Thuộc khu vực không được xây dựng mới nhà cửa, công trình. Đối với nhà cửa hiện có xây dựng kế hoạch từng bước rời đi.
Tổng diện tích dự án như sau, cụ thể trong quá trình thực hiện dự án trồng hoa, chủ đầu tư đã thỏa thuận thuê đất của các hộ dân bỏ hoang bên cạnh đề mở rộng diện tích trồng hoa, đồng thời tự kè bờ kênh tránh sạt lở, đặt các tâm đan trên tuyến mương tiêu để trang trí cảnh quan dự án và vẫn đảm bảo công tác tiêu úng của tuyến mương. Vì vậy, toàn bộ diện tích khu đất mà công ty đang triển khai thực hiện dự án tăng lên là 27.400m2 bao gồm: 9.400m2 đất trong dự án, 14.500m2 đất quỹ 1 thuê của các hộ dân (55 hộ dân) và đất thủy lợi, sông suối chuyên dùng khoảng 3.500m2.
Hàng loạt sai phạm vi phạm pháp luật vẫn ngang nhiên tồn tại
Các hạng mục công trình trên đất Dự án trồng hoa cây cảnh khu Tân Bồi xã Hiệp Thuận và các hạng mục công trình xây dựng trên các loại đất khác được chủ đầu tư đầu tư xây dựng từ năm 2009 đến nay bao gồm: Đối với các công trình xây dựng trên đất dự án diện tích 9400m2. Các hạng mục công trình đã được đầu tư xây và lắp dựng bao gồm: 1 nhà 2 tầng khung, đầm, sàn bê tông, cốt thép diện tích khoảng 200m; 3 công trình khung cột, kèo, xà gồ thép, mái tôn (có lợp lá cọ chống nóng phía trên), xung quanh bưng tôn và tre nứa diện tích mỗi công trình là 18m2. Hệ thống đường bê tông rộng khoảng 3m, dài 80m. Sân xếp gạch không nung diện tích khoảng 846m2. Diện tích còn lại được chủ đầu tư trồng hoa và cây cảnh.
Theo thông tin được cung cấp, dự án trên được xây dựng từ năm 2009, đến nay là 14 năm với hàng loạt các công trình sai phạm là các công trình kiên cố như: Nhà điều hành, nhà hàng, bể bơi, phòng nghỉ, phòng ăn…
Mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch ban đầu là Quy hoạch xây dựng dự án trồng cây cảnh khu đất Tân Bồi sẽ tạo lên vườn hoa và cây cảnh. Nhưng thực tế tại đây đã bị “biến tướng” và không còn làm đúng mục đích ban đầu. Theo Điều 12 Luật Đất đai, việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và sử dụng đất không đúng mục đích là một trong những hành vi bị cấm.
Vậy tại sao hàng loạt nhưng sai phạm hiện hữu rõ ràng như vậy, nhưng đến nay vẫn không được xử lý dứt điểm? Trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương ở đâu khi để ra sai phạm nói trên?
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho hàng loạt sai phạm trên?
Để có thông tin khách quan đến bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với đại diện UBND huyện Phúc Thọ và chủ đầu tư là Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay.
Ông Khuất Xuân Cảnh – Phó Phòng Kinh tế, UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Sau khi nhận được nhiều thông tin phản ánh từ người dân, UBND huyện đã nhanh chóng thực hiện công tác xác minh thông tin và ghi nhận một số hạng mục chưa đúng như: Nhà hàng, caffe, nhà điều hành, bể bơi, dãy phòng cho thuê, khu vui chơi cho trẻ em… UBND huyện đã tổ chức kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay dừng ngay hành vi vi phạm và tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu.
Ngoài ra cũng ghi nhận những vướng mắc của người dân với chủ đầu tư trong quá trình cho thuê dẫn đến việc tranh chấp, kiện tụng, đơn thư. UBND huyện Phúc Thọ xác minh đây là sai phạm của chủ đầu tư nên đã xử lý và tháo dỡ để trả lại 500m2 cho 21 hộ dân và đã có Báo cáo số 96/BC-UBND ngày 28/03/2023 về Kết quả giải quyết đơn của một số công dân xã Hiệp Thuận.
Đối với các hạng mục vi phạm là công trình kiên cố, UBND huyện Phúc Thọ khẳng định, các hạng mục công trình này là vi phạm trật tự xây dựng và không đúng với dự án được phê duyệt nên yêu cầu chủ đầu tư tổ chức tháo dỡ các công trình vi phạm, trường hợp không tự giác tháo đỡ yêu câu hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới nội dung vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay đã đủ điều kiện kinh doanh lưu trú chưa, ông Khuất Xuân Cảnh cho biết, đây không phải là hạng mục của Phòng Kinh tế quản lý, vì vậy nội dung này sẽ cần xác minh lại với UBND xã và Công an xã Hiệp Thuận để thông tin lại sau.
Đại diện Phòng Kinh tế, UBND huyện Phúc Thọ cho rằng: “Vấn đề này chủ đầu tư có làm sai và chính quyền UBND xã Hiệp Thuận đã chưa quyết liệt xử lý dẫn đến các công trình sai phạm xuất hiện. Thời gian tới, huyện mong muốn các cấp sở ngành sẽ tham mưu để địa phương vừa có thể phát triển kinh tế, vừa đúng theo quy định của pháp luật”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, đại diện chủ đầu tư – Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay cho biết: Trước những vấn đề dư luận đặt ra về việc Dự án tự ý kè sông, thì thực chất chúng tôi đã được cấp dự án từ năm 2009, trong quá trình này, Phúc Thọ Hoa Bay đã được hình thành và xây dựng. Năm 2010, khảo sát khu vực sông và nhận thấy phía sát bờ sông bị sạt lở 40m và chỉ còn 10m nữa là vào đất của dự án. Vì thế chúng tôi đã kè sông để tránh trường hợp bị lấn sâu vào bên trong, việc kè sông khi đó là cần thiết để bảo vệ dự án. Đến năm 2014 mới có văn bản duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, lúc này chúng tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Năm 2019, dự án bắt đầu kinh doanh, trải qua mùa dịch Covid-19 khiến chủ đầu tư ảnh hưởng tổn thất rất nhiều. Đến năm 2021 thì vướng phải tranh chấp với 21 hộ dân xung quanh và chúng tôi đã chấp thuận tháo dỡ 500m2 trong dự án.
Về khu vực nhà hàng phần chìa ra mép sông, chúng tôi sử dụng để cho bà con tại đây buôn bán các sản phẩm nông sản, với mô hình này, Phúc Thọ Hoa Bay đã tạo công ăn việc làm cho 35 hộ dân.
Về những vi phạm trong xây dựng nhà điều hành kiên cố, thì công trình này đã có khi chủ sở hữu trước đó bán cho chúng tôi. Các công trình lưu trú khác thì có 10 phòng và 8 lung”.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn thông tin: Đối với những công trình bị yêu cầu phá dỡ, chúng tôi đã xin sẽ tạm thời chưa tháo dỡ vì cảm thấy hợp với quy hoạch xin chuyển khu đất sang quy hoạch hệ sinh thái của UBND xã (Văn bản xin chuyển đổi Quy hoạch Hệ sinh thái chưa được chủ đầu tư cung cấp, cũng như chưa được UBND huyện cung cấp cho phóng viên - PV).
Căn cứ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 13/8/2020 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành "Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Thành phố Hà Nội", trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều thủy lợi trên địa bàn Thành phố của UBND các cấp, quy định tại Điều 7 thì những vi phạm tại vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay vi phạm nhiều lĩnh vực, bao gồm cả tài nguyên môi trường, quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, xây dựng trên đất nông nghiệp và vi phạm lấn chiếm lòng sông...Trách nhiệm của UBND xã Hiệp Thuận và của UBND huyện Phúc Thọ đối với những sai phạm trên, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xác minh làm rõ.
Vì sao các sai phạm Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay diễn ra nhiều năm, lại ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật. Vì sao chính quyền địa phương không dứt điểm xử lý mặc dù các cơ quan ban ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý triệt để các sai phạm của khu sinh thái nêu trên? Đề nghị các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội chỉ đạo thanh kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).
Phương Thảo