Giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững
Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực mấu chốt của nền kinh tế số. Các mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số.
Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, năm 2022 doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Kinh tế số Việt Nam.
Cũng theo báo cáo mới nhất “Nền kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2022” của Google và Temasek, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô nền kinh tế Internet đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan, đạt 23 tỷ USD vào năm 2022. Báo cáo trên cũng đưa ra dự báo trong giai đoạn 2022 – 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.
Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Kinh tế số Việt Nam.
Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo sẽ đạt 260- 285 USD/người trong năm nay.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử lành mạnh bền vững, Bộ Công Thương tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp.
Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về thương mại điện tử.
Mặt khác, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể gồm các giải pháp về thanh toán (keypay, thẻ việt); trục hợp đồng điện tử; ngày mua sắm trực tuyến quốc gia Online Friday, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu (GoExport, ECVN, Vietnamexport); triển khai giải pháp nâng cao năng lực dự báo thương mại điện tử quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm địa phương thông qua phương thức giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bộ cũng xây dựng và triển khai Đề án Xây dựng Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành công thương - Hệ sinh thái này sẽ quy tụ các hệ thống, giải pháp kỹ thuật đã phát triển trong thời gian qua, trên cơ sở đó triển khai một cách đồng bộ những hoạt động, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới. Dự kiến Hệ sinh thái sẽ ra mắt vào Quý III năm 2023.
Tiến Hoàng