Phê Duyệt chủ trương đầu tư đường dây 500kV Nam Định I - Thanh Hóa để “giải cứu” điện miền Bắc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1241/QĐ-TTg quyết định phê duyệt chủ trương, chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa. Dự án có chiều dài khoảng 74,4 km với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Nỗ lực đảm bảo điện miền Bắc
Theo chủ trương, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) sẽ là nhà đầu tư dự án. Mục tiêu dự án nhằm tránh quá tải, giảm tải cho các đường dây 500kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp.
Đồng thời nâng cao độ dự trữ ổn định truyền thị trên giao diện Bắc - Trung, kết hợp với các cung đoạn Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa – Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 - Phố Nối. Qua đó bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.
Nâng cao độ dự trữ ổn định truyền tải trên giao diện Bắc - Trung, kết hợp với các cung đoạn Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - NMNĐ Nam Định I - Phố Nối, góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.
Ngoài ra truyền tải công suất Nhà máy nhiệt điện Nam Định I sau khi đi vào vận hành và các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung Bộ cũng như các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực miền Trung vào hệ thống điện quốc gia, tạo mối liên kết lưới điện các khu vực.
Dự án có mức vốn đầu tư khoảng 3.086 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 925 tỷ đồng (chiếm 30% giá trị tổng mức đầu tư được phân bổ theo kế hoạch), vốn thương mại là 2.161 tỷ đồng (chiếm 70% giá trị tổng mức đầu tư đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Quy mô dự án xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép, chiều dài khoảng 74,4km, từ sân phân phối 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I đến Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa. Dự án thuộc địa bà 3 tỉnh Nam Định, Thanh Hóa và Ninh Bình. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2023-2025, phấn đấu hoàn thành sớm vào tháng 6 năm sau.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Dự án theo ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Dự án trong quá trình thực hiện. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư, thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ đối với quá trình đầu tư dự án. Ủy ban Nhân dân các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa phối hợp cùng EVNNPT thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm đảm bảo tiến độ, theo đúng quy định pháp luật.
Cảnh báo thiếu điện mùa hè năm 2024
Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng báo cáo về kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt các tháng cuối 2023 và cả năm 2024. Đáng chú ý các tháng cuối năm 2023 cung ứng điện được đảm bảo. Tuy nhiên đến năm 2024, tháng 6 và tháng 7 khả năng vẫn thiếu điện.
Bộ đánh giá khả năng cung ứng phát hiện cùng khắc phục sự cố các nhà máy nhiệt điện đã đảm bảo công tác cung ứng điện cho các tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên tổ máy nhiệt điện miền Bắc thực hiện bảo dưỡng để chuẩn bị phát điện cho mùa khô 2024 nên công suất dự phòng miền Bắc ở mức thấp trong một vài thời điểm cuối năm nay.
Để ứng phó với các tình huống Bộ cho rằng cần phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác.
Thời gian tới sẽ thực hiện chính sách, cơ chế để khuyến khích người dân phát triển điện mặt trời áp mái. Chỉ đạo EVN/EVNNPT đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình lưới điện, đặc biệt là công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa – Nam Định – Phố Nối… Đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào.
Phạm Thu