0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ ba, 07/11/2023 07:52 (GMT+7)

Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế

Theo dõi KT&TD trên

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đóng vai trò quan trọng cho kinh tế hộ ở khu vực nông thôn. Nhiều HTX sau khi thành lập, chuyển đổi với mục tiêu giữ vai trò liên kết, là cầu nối để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát triển kinh tế HTX vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Thống kê của ngành chức năng tỉnh cho thấy, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 195 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% số lượng HTX của tỉnh. Doanh thu bình quân khoảng 1,035 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 250 triệu đồng/HTX/ năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/người/năm; số lượng thành viên là 3.091 thành viên.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, tùy ở mức độ khác nhau các HTX nông nghiệp đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn tham gia vào các HTX và liên kết sản xuất với các HTX. Những kết quả và thành tích đã đạt được ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của HTX nông nghiệp.

Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế

Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: NT.

Trên địa bàn huyện Đăk Hà hiện có 25 HTX, trong đó, có 21 HTX đang hoạt động, hầu hết trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng số thành viên của các HTX là 550 người, số lao động làm việc thường xuyên ước khoảng 1.378 người. Doanh thu bình quân năm 2023 dự kiến đạt 1,5 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận khoảng 272 triệu đồng/HTX; thu nhập của thành viên, lao động làm việc trong HTX bình quân 49,62 triệu đồng/người/năm.

Tại huyện Tu Mơ Rông, toàn huyện phát triển được 33 HTX với 659 thành viên đang họat động theo Luật HTX 2012. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 51 tổ hợp tác, với 233 thành viên tham gia. Đặc biệt, huyện đã có 1 HTX kiểu mới đầu tiên của tỉnh. Các tổ hợp tác và HTX chủ yếu hoạt động lĩnh vực nông- lâm nghiệp. Các HTX đã tạo được công ăn việc làm cho người dân trong vùng phát triển kinh tế, thu nhập bình quân của lao động làm việc trong HTX khoảng 2,5 triệu đồng/tháng/người.

Thực tế cho thấy, nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả gắn với việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Trong đó, có một số HTX tiêu biểu như HTX Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo (thành phố Kon Tum), HTX nông nghiệp Công bằng Pô Kô (huyện Đăk Hà), HTX Rau hoa và du lịch Thanh Niên (huyện Kon Plông) HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Rạng Đông (huyện Đăk Tô), Hợp tác xã Đoàn Kết (huyện Sa Thầy).

Để HTX phát triển và phát huy được vai trò của mình, từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh, các sở ngành, huyện thành phố thường xuyên quan tâm, hỗ trợ cho HTX về phát triển vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tập huấn đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho các thành viên HTX. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh đã hướng dẫn và hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử của tỉnh Kon Tum tại địa chỉ http://kontumtrade.gov.vn và tham gia các buổi triển lãm trực tuyến, tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (lazada, shopee...); hỗ trợ các HTX xây dựng website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ cho 8 HTX nông nghiệp xây dựng bộ giải pháp bán hàng trực tuyến thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ 100% các HTX trên địa bàn tỉnh được tham gia miễn phí vào hệ thống sàn thương mại điện tử tỉnh.

Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế

Phát triển kinh tế tại các khu vực HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế cần được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả. Ảnh: TL.

Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, dù có nhiều chuyển biến tích cực, song đóng góp của lĩnh vực kinh tế tập thể vẫn còn thấp, số hợp tác xã hoạt động thực sự hiệu quả chưa nhiều. Bên cạnh đó, sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự ổn định, bền vững; lợi ích đem lại cho các thành viên chưa nhiều nên chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Các hợp tác xã nông nghiệp tuy tăng về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhưng phát triển chưa như kỳ vọng, do phải đối mặt với những khó khăn như biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã. Thậm chí, một số hợp tác xã thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh còn thụ động

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù có tăng về số lượng và có những chuyển biến về chất lượng, song sự phát triển của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường. Hiện tại, trên 97 % HTX nông nghiệp có quy mô thành viên siêu nhỏ (dưới 50 thành viên), 51,8%, quy mô vốn siêu nhỏ (có mức vốn dưới 1 tỷ đồng) 42,4%, hợp tác xã có quy mô vốn nhỏ (từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng). Hầu hết HTX nông nghiệp đều thiếu vốn kinh doanh, giá trị tài sản thấp và khó tiếp cận tín dụng.

Mức độ tham gia của các HTX nông nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn ở mức thấp; số lượng hợp tác xã có ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ là những hoạt động quan trọng để HTX thu hút thành viên, tạo giá trị giá tăng cho thành viên và HTX và đảm bảo sự phát triển bền vững của HTX nông nghiệp.

Để HTX nông nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp tương xứng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, cần tăng cường củng cố, đổi mới, xây dựng HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện tái cấu trúc hoạt động sản xuất của các HTX nông nghiệp chưa hiệu quả, xây dựng HTX nông nghiệp phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; đa dạng các mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tính đặc thù, điều kiện của địa phương, trình độ phát triển và nhu cầu của hộ nông dân.

Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế

Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các HTX được ngành chức năng, địa phương phối hợp triển khai.

Theo Liên minh HTX, thời gian tới, để hỗ trợ HTX phát triển cần tập trung nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; đồng thời, lựa chọn những HTX có đủ năng lực để đầu tư xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Hỗ trợ HTX tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong, ngoài tỉnh và tham gia chương trình kết nối cung cầu giữa các nhà sản xuất, các cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị hỗ trợ, giúp các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số; hỗ trợ HTX tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước. Tạo điều kiện để các HTX vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất để HTX xây dựng trụ sở làm việc, nhà xưởng, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh; có các chương trình hỗ trợ, chính sách ưu đãi tín dụng cho đối tượng HTX, nhất là các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản triển khai tốt các chính sách hỗ trợ để HTX phát triển.

Nguyễn Hà

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Gỡ vướng, thúc đẩy tiến độ Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 423/TB-VPCP ngày 17/9/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.