Nông thôn: Miền quê đáng sống
Từng là nước đi lên từ nông nghiệp, từ cây lúa với hơn 80% dân số là nông dân, trải qua công nghiệp hóa - hiện đại hóa, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện đã phần nào thu hẹp nông nghiệp, nông thôn, nhưng “ tam nông” vẫn là cái lõi, hồi cốt của dân tộc ta.
Người Việt Nam, nói đến quê hương là nói đến nông thôn với cây đa, bến nước, sân đình, ao cá, ruộng nương, cánh đồng thẳng cánh cò bay; là sông suối, núi đồi; là câu ca, lời ru, điệu hò bên cánh võng thoi đưa bên lũy tre làng; là bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, thôn, bản... Cuộc sống nông thôn vốn yên bình, giản đơn, mộc mạc ngập tràn tình yêu thương, rộn ràng nụ cười hạnh phúc, tình làng nghĩa xóm… Trải qua biến cố của lịch sử, sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của kinh tế - xã hội, nông thôn hôm nay đang là sự pha trộn giữa nông thôn cổ đang được cố gắng gìn giữ, bảo tồn đan xen với nông thôn mới, hiện đại, sôi động chẳng kém gì chốn đô thị phồn hoa.
Năm 2023 khép lại với sự kiện Đại hội đại biểu Hội nông dân Việt Nam lần thứ 8 thành công tốt đẹp. Gần 1000 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân cùng hàng triệu người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực “tam nông” tham dự Đại hội. Nghị quyết “tam nông” của Đảng đã và đang dần đi vào đời sống xã hội, khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo không ngừng của người nông dân. Giai cấp nông dân đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế nước nhà.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẻ chia sâu sắc tình cảm với Đại hội nỗi trăn trở của mình: “Làm sao để nông thôn phát triển hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh có môi trường xanh, sạch đẹp và thực sự trở thành miền quê đáng sống, để mỗi người dân đi xa quê hương đều khát khao, mong muốn được trở về quê”.
Hình ảnh người nông dân “chân lấm tay bùn, con trâu đi trước, cái cày theo sau, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã dần mờ nhạt, trở thành quá khứ. Phương thức sản xuất cơ giới hóa, máy móc phương tiện lao động hiện đại. Công cuộc đổi mới đã thay đổi tư duy người lao động trong lĩnh vực tam nông, các mô hình hợp tác xã, hội nghề nghiệp nông thôn, nông dân giữ vai trò định hướng sản xuất, kết nối, chia sẻ cách làm hay cho mọi người giúp nhau làm ăn hiệu quả hơn, không chỉ sản xuất được nhiều lương thực, lúa gạo, mà còn đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng về năng xuất, chất lượng theo chu trình khép kín, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng, từng bước hướng đến nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng: lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4, 8 tỷ USD. Việt Nam, đã và đang chiếm lĩnh thị trường lúa gạo thế giới, dẫn đầu về sản lượng, giành nhiều giải thưởng khích lệ. Giá gạo xuất khẩu lên mức cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt hoa quả chiếm tỷ trọng hàng đầu, kim ngạch xuất khẩu tăng.
Thực tế cho thấy, thành công có được là nhờ đẩy mạnh CNH - HĐH , hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế trí thức, phát triển kinh tế số, xã hội số, chất lượng nguồn lực cao, nông dân có tri thức, kỹ năng chịu khó học tập, không ngừng sáng tạo nên hiệu quả kinh tế nông nghiệp ngày một tăng và bền vững.
Nông dân hôm nay không chỉ là nông dân truyền thống mà trở thành nông dân “ ba trong một”. Buổi sáng là nhà nông mặc áo màu bùn; buổi trưa là nông dân khoác áo xanh màu công nhân (qua đào tạo có tay nghề); buổi tối người nông dân mặc áo trắng, màu của trí thức, thương nhân. Nhiều nông dân đã thành thạo sử dụng công nghệ (đúng với nghĩa nông dân thời công nghệ) để quản trị doanh nghiệp, điều hành sản xuất kinh doanh, điều khiển sản xuất, canh tác, phun thuốc, tưới cây… từ xa bằng điện thoại thông minh.
Đối thoại cuối năm 2023 với nông dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: “Năm nay khó khăn như thế nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng 3, 83%; xuất khẩu vẫn đạt chỉ tiêu, ít nhất được 53 tỷ USD, trong đó hơn 10 ngành nghề đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Những thành quả đó có sự đóng góp lớn của nông dân. Rõ ràng đây là kết quả của sự xoay chuyển tình thế”.
Một năm trúng lớn của ngành nông nghiệp khi hàng ngàn nông dân thu tiền tỷ từ sầu riêng, cà phê, lúa gạo… Càng về cuối năm, nông dân càng đón nhận nhiều tin vui khi xuất khẩu tăng trưởng nhờ giá cao từ mít trái; dự kiến năm tới là rau củ quả, chanh dây, bưởi, dừa… Ông chủ vườn hoa ở Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đã đưa sản lượng vụ hoa năm nay tăng gấp ba lần… 83% HTX nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động rất hiệu quả, đang triển khai làm 1 triệu ha lúa chất lượng cao; trước thông tin chăn nuôi nhỏ lẻ, heo, bò, gà ở Đồng Nai thua lỗ, nông dân nhiều tỉnh, thành chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đón trước nhu cầu thị trường, như cây táo mèo Sơn Tra (xã Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La).
“Tri thức hóa” nông dân ngày một hiện thực hóa bằng mô hình “Hội quán” bàn chuyện làm ăn lớn như Nông hội ở Gia Lai; Hội quán Đồng Tháp; Hội nghề cá, Hội những người đi biển, Hiệp hội thủy sản… tạo dựng lực lượng nông dân tri thức làm nông nghiệp gắn tăng trưởng xanh, nông nghiệp gắn thị trường, chuyên nghiệp hóa nông nghiệp, di sản nông thôn, nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với hàng chục triệu nông dân từ miền núi cao xuống đến đồng bằng vươn ra tận vùng biển đảo xa; liên kết sản xuất theo chu trình khép kín, nâng cao chất lượng sản phẩm, bao tiêu trọn gói, không bán sản phẩm thô.
Điển hình thành công là quả vải Bắc Giang, cam Cao Phong, xoài, sầu riêng, lúa ở miền Tây Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân thấm sâu triết lý “mua có bạn, bán có phường”, được trang bị kỹ năng ứng phó với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bon chen, đố kỵ, mua rẻ bán đắt, chụp giựt.
Nhận thấy tác hại của phân bón và thuốc hóa học, nhà nông đã hướng mạnh đến mục tiêu nông nghiệp hữu cơ, nuôi cấy vi sinh, nhờ đó hồ tiêu tăng 35% giá trị, cà phê tăng 50% giá trị, giá gạo và cà phê trên đỉnh thế giới. Nông nghiệp là lĩnh vực phát thải nhiều cần áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm giảm phát thải theo cam kết Việt Nam giảm phát thải bằng 0 vào 2050. Song, vẫn còn thực tế, địa phương có đất đai trù phú, con người luôn năng động, nơi có khả năng thu hút lao động rất lớn, nơi có nền nông nghiệp phát triển cao, được xem là vựa lúa của cả nước thì số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm qua lại vượt con số hàng triệu người, nhất là đồng bằng sông Cửu Long 220.000, Đông Nam bộ 263.000 chỉ trong quý 1/2023.
Không ít lao động từ đây lại ra kiếm sống nơi các khu công nghiệp, làm dịch vụ, hay làm đủ nghề nơi đô thành. Phải chăng, hiệu quả kinh tế từ hạt gạo, từ tam nông còn quá khiêm tốn so với ngành nghề khác? Không ít vùng nông thôn chỉ thấy người già, trẻ nhỏ, phụ nữ; thừa và thiếu nhân lực lao động trong nông nghiệp đang là bài toán nan giải khi máy móc hiện đại, lao động qua đào tạo nghề dần thay thế lao động thô sơ, chưa qua đào tạo.
Không thể lặp lại sai lầm như Bảo Lộc (Lâm đồng, Đà Lạt) ồ ạt lấn nhiều ha rừng phòng hộ để làm nông nghiệp; sau 15 năm Tây Nguyên mất 650.000 ha rừng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân. Sạt lở đê kè sông, biển ở đồng bằng sông Cửu Long, nước biển dâng, đất nông nghiệp bị xâm lấn, hoang hóa ở nhiều địa phương đang là vấn đề nóng… An ninh lương thực đang là mối quan tâm của không ít quốc gia kể từ khi xảy ra xung đột Nga- Ukraina; giao tranh ở giải Gaza. Ô nhiễm môi trường sống bởi rác thải các khu công nghiệp. nhà máy, xí nghiệp, công trường khai thác tài nguyên khoáng sản; lấn đất nông nghiệp… đang tác động tiêu cực đời sống nông dân, uy hiếp vùng thôn quê yên bình.
Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sớm khắc phục tình trạng tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên tư duy sản xuất, thiếu chế biến sâu, gia tăng thâm hụt tài nguyên. Phải chuyển đổi sang tư duy kinh tế, tích hợp đa giá trị, gắn với phát triển xanh và bền vững; nâng nhận thức cho nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng mọi cơ hội, biến nguy thành cơ; thuần thục triết lý: “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Tập trung chuyển đổi số nông nghiệp là nhu cầu khách quan của sự phát triển, là lĩnh vực ưu tiên thực, làm thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất - chế biến - kinh doanh nông sản. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại và nông thôn văn minh.
Tại Đại hội 8, Hội nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý 7 vấn đề, trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác đào tạo nghề, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh; xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa ở cả thị trường trong nước và ngoài nước để nông nghiệp tiếp tục là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.
Mỗi độ Xuân về, có một bài hát phổ thơ của Đỗ Trung Quân lại vang lên trong tôi “Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học. Con về rợp bóng vàng bay… Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một Mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người..”.
Bài hát ca ấy lại gợi nhớ mỗi người về nơi sinh ra và trưởng thành - những miền quê đáng sống.
Văn Hùng