Nhiều địa phương khu vực miền Trung bị thiệt hại bởi mưa lũ
Từ ngày 13/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-500mm, có nơi trên 700mm. Mưa lớn kèm lũ khiến nhiều địa phương bị thiệt hại.
Tại Quảng Nam, sáng 13/11 mưa lớn khiến một số vùng trũng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị ngập gây khó khăn cho người dân đi lại.Ngoài ra tại tuyến đường Quang Trung, trước Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc tỉnh Quảng Nam thuộc huyện Đại Lộc cũng bị ngập nước sâu làm thiệt hại tài sản của người dân. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, từ ngày 15 đến ngày 17/11 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm, có nơi trên 400 mm.
Từ đêm nay 13/11 đến ngày 18/11, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 5,0 - 8,0 m, hạ lưu đạt từ 1,0 - 3,0 m. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi; ngập úng tại các vùng thấp trũng ven sông và các khu tập trung đông dân cư.
Mưa lớn khiến nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ bị sạt lở. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Nhằm tập trung ứng phó đảm bảo kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, sáng nay 13/11, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công điện yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn của Nhân dân là trên hết.Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn về diễn biến gió mùa Đông Bắc, tin cảnh báo mưa lớn, tin cảnh báo lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử về phòng chống thiên tai của tỉnh.
Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; thu hoạch sớm sản phẩm đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là đối với nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và khu vực ven biển; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. Khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Tại Đà Nẵng, mưa lớn gây ngập lụt cục bộ trên địa bàn 18 thôn thuộc huyện Hòa Vang. Toàn huyện có 83 nhà bị ngập; 7 hộ, 29 khẩu ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc sơ tán đến nơi an toàn. Về giao thông, đường ĐT 601 khu vực đoạn đèo La Ngà, thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang bị sạt lở. Dự báo từ ngày 13/11 đến ngày 15/11 Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa tại quận Cẩm Lệ, huyện Hoà Vang 150-300 mm, có nơi trên 350 mm; các quận còn lại 100-250 mm, có nơi trên 280 mm.
Ngoài Quảng Nam và Đà Nẵng, một số địa phương khách như: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế cũng xuất hiện mưa lớn từ đêm ngày 12/11 khiến nhiều nơi bị ngập úng, sạt lở đất đá ảnh hưởng đến việc di chuyển của phương tiện giao thông. Tại Quảng Trị, tối ngày 13/11 mưa to từ thượng nguồn làm nước lũ trên sông Hiếu dâng cao cuốn trôi đàn bò 56 con của một hộ dân tại huyện Cam Lộ. Người dân địa phương cho biết, mưa lớn liên tục làm nước lũ lên rất nhanh vào đêm 13/11. Nước lũ từ sông Hiếu tràn vào làm ngập nhiều nhà dân ở thôn Ba Thung, Bắc Bình và các khu vực dân cư ven sông.
LÝ LAN