Nhà băng VietABank “dính chàm” khi cho hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vay dù không đủ điều kiện
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, việc cấp tín dụng giai đoạn 2013-2017 ở Ngân hàng VietABank có nhiều vi phạm, khiến nợ xấu tăng lên.
Cụ thể, theo báo cáo của VAB, tại thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ cho vay là 38.770 tỷ đồng, nợ xấu là 525,7 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng dư nợ. Đến thời điểm 30/6/2018, tổng dư nợ cho vay là 37.673 tỷ đồng, nợ xấu là 941 tỷ đồng (tăng 415,3 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017), chiếm 2,5% tổng dư nợ, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 8,2%, tương ứng 3.504 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi kiểm tra 14 hồ sơ cấp tín dụng, với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 6.510 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 17,28% tổng dư nợ cho vay của VAB.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, việc cấp tín dụng giai đoạn 2013-2017 ở Ngân hàng VietABank có nhiều vi phạm khiến nợ xấu tăng. Cụ thể, VAB đã thẩm định, phê duyệt cho vay khi Dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án (Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC); thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác (gồm 02 khách hàng: Công ty CP Đầu tư Phát triển Hưng Thịnh Việt Nam, Công ty CP Đầu tư PHD); thu thập không đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay (Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại HSTC).
Ngoài ra, VAB phân loại nợ chưa đúng quy định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy định về nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro (gồm 02 khách hàng: Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland, Công ty CP Điện Bình Thủy Lâm Đồng); cơ cấu nợ không đúng quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 của NHNN (Công ty CP Đầu tư Toàn Cầu). Theo quy định các khách hàng nêu trên phải chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 4, nhóm 5.
Kiểm tra 10 khách hàng, Thanh tra Chính phủ phát hiện dư nợ 4.860 tỷ đồng, bao gồm nhóm 06 khách hàng: Công ty TNHH Đầu tư đô thị An Phú; Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Đầu tư Hà Thủy; Công ty CP Dịch vụ Đầu tư nhà đất Nhật Anh; Công ty TNHH Địa ốc Phú Gia Green; Công ty TNHH Đầu tư Đô thị Gia Phát; Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vạn Phúc, vay góp vốn hợp tác đầu tư thực hiện các dự án đối ứng của Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên.
Ngoài ra, nhóm 02 khách hàng bao gồm Công ty CP Đầu tư PHD và Công ty CP Đầu tư Phát triển Hưng Thịnh Việt Nam vay góp vốn hợp tác đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang; Công ty TNHH Hợp tác Thương mại Nam Bình vay góp vốn hợp tác đầu tư xây dựng Dự án Khu nhà ở cao tầng, dịch vụ tại ô đất quy hoạch ký hiệu CT8 thuộc Khu đô thị mới Mỹ Đình; Công ty TNHH XD Thương mại và Dịch vụ LT vay góp vốn hợp tác đầu tư thực hiện Dự án Khu tái định cư phục vụ xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội.
VAB cho khách hàng vay góp vốn theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án, bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn; các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định.
Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, đến thời điểm 10/10/2021 có 12/14 khách hàng đã tất toán; còn 02 khách hàng còn dư nợ, trong đó gồm có công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland với dư nợ 500 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư PHD dư nợ 483 tỷ đồng.
Lê Trang