Doanh nghiệp vay vốn bị ép mua bảo hiểm: Đừng để khách hàng mất thiện cảm, tẩy chay ngân hàng
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp vay vốn bị ép vào thế phải mua kèm bảo hiểm rõ ràng là lỗi của những ngân hàng đang hành xử theo kiểu vì lợi nhuận mà sẵn sàng trái với lương tâm, đạo lý.
Ngân hàng phải tỉnh táo lại, cần xác định lại cách làm ăn tử tế, bởi nếu thực trạng này kéo dài càng lâu thì khiến người dân có cái nhìn mất thiện cảm về sản phẩm bảo hiểm, về cách hành xử và tẩy chay ngân
Doanh nghiệp vay vốn bị ép phải mua kèm bảo hiểm
Tại hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố" nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp diễn ra mới đây, câu chuyện doanh nghiệp vay vốn bị "ép" mua bảo hiểm tiếp tục tiếp tục được nhắc đến, như một nỗi khổ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đó, đại diện một doanh nghiệp phản ánh, doanh nghiệp rất cần vốn tín dụng ngân hàng nhưng nếu cuối năm ngoái là khó khăn về hạn mức (room) tín dụng, ngân hàng đang giải ngân thì hết room nên ngừng lại. Đến khi mở room, lãi suất đột ngột tăng cao lên hơn 11-12%/năm khiến doanh nghiệp không dám vay.
"Đến khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, lại phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Nhân viên ngân hàng chỉ đưa ra một lựa chọn cho doanh nghiệp, mua bảo hiểm mới được lãi suất ưu đãi, không mua thì phải chịu lãi suất cao hoặc không được giải ngân. Đây là một cách "lách" của ngân hàng nên dù đã có quy định cấm, doanh nghiệp vẫn rất khó" – doanh nghiệp này than phiền.
Theo đại diện doanh nghiệp này, khoản tiền mua bảo hiểm với họ không quá lớn nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thì rất đáng. Vì có thêm mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng nên các ngân hàng mới phải "ép" khách hàng như vậy.
"Đề xuất cấm ngân hàng không bán bảo hiểm nhân thọ có được không? Vì như hiện nay doanh nghiệp vẫn phải mua bảo hiểm, không có lựa chọn là quá khó. Do hồ sơ tín dụng, hồ sơ vay vốn đã gửi vào ngân hàng, tài sản thế chấp cũng đã ở ngân hàng, rất khó để chuyển từ ngân hàng sang ngân hàng khác" - doanh nghiệp này đặt vấn đề.
Đáng chú ý, khi ban tổ chức hỏi doanh nghiệp này tên gì? làm ở lĩnh vực hoặc ngành nghề nào? đại diện doanh nghiệp trả lời xin phép không nêu tên, cũng không nêu lĩnh vực đang kinh doanh vì… nhạy cảm.
Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp và khách hàng than phiên vì bị các ngân hàng ép mua bảo hiểm. Trước đây, một khách hàng định vay 3 tỉ đồng để mua nhà ở TP.HCM cho biết, ngân hàng thông báo hết hạn mức cho vay (room tín dụng). Tuy nhiên, nếu khách hàng chấp nhận mở thẻ tín dụng, mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ được ưu tiên vay vốn.
Tương tự, một khách hàng khác tạ Hà Nội vừa đăng ký vay mua nhà tại 2 chi nhánh khác nhau của cùng một ngân hàng cổ phần cho biết, nhân viên tư vấn tại 2 chi nhánh đều mời khách hàng mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân. Nhân viên nơi trực tiếp ký hồ sơ nói đó là "quy ước" của ngân hàng, còn nhân viên chi nhánh khác lại xác nhận nếu không mua bảo hiểm thì không được vay.
Theo đó, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ mệnh giá 2 tỉ đồng và mức phí hằng năm là 45 triệu đồng. Dù phí bảo hiểm nhân thọ cộng với lãi suất khoản vay mua nhà là một gánh nặng đối với gia đình nhưng để được giải ngân khoản vay vì đã đến hạn thanh toán tiền mua nhà, khách hàng đành "bấm bụng" mua bảo hiểm dù rất ấm ức. Người viết đem câu chuyện này trao đổi với nhiều nhân viên tín dụng, họ đều khẳng định không hề ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn mà chỉ là một trong những tiêu chí ưu tiên. Nếu khách không đồng ý, ngân hàng sẽ ưu tiên những khách hàng khác vì nhu cầu vay vốn cao, room tín dụng hạn chế.
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp cần phân biệt các loại bảo hiểm khi vay vốn. Nếu là bảo hiểm tín dụng cho khoản vay để phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và ngân hàng, yêu cầu khách hàng mua khi vay vốn là đúng. Doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cũng cần mua bảo hiểm này nhằm mục tiêu hạn chế rủi ro cho khoản vay.
"Riêng đối với bảo hiểm nhân thọ mà tổ chức tín dụng liên kết với công ty bảo hiểm, nếu "ép" khách hàng vay vốn là không được, quy định đã có và thậm chí có đường dây nóng phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Nếu bị "ép" mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hãy phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước", ông Lệnh khẳng định.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo đối với các ngân hàng thương mại có hoạt động đại lý bảo hiểm. Theo đó, hoạt động đại lý bảo hiểm trong quá trình tư vấn, giới thiệu bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng phải đảm bảo phải cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm… Trong trường hợp như công ty phản ánh cho thấy việc vay vốn có bảo hiểm hay vay vốn không có bảo hiểm thuộc về lựa chọn của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại.
Đừng để khách hàng mất thiện cảm, tẩy chay ngân hàng
Trên thực tế, hiện nay Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; rà soát, chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ, đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã có văn bản số 6535/2022 của cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Theo đó phải cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm...
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng “ép” mua bảo hiểm của các ngân hàng, nhưng tình trạng này vẫn tràn lan.
Về vấn đề này, LS Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ, theo quy định về giao dịch dân sự, hợp đồng sẽ bị vô hiệu do lừa dối, đe doạ, cưỡng ép, nhầm lẫn. Soi chiếu quy định này vào các hợp đồng vay ngân hàng có yêu cầu “bia kèm lạc” thì thấy phải có sự ép buộc thì khách hàng mới phải mua bảo hiểm (loại trừ những người thực sự muốn mua bảo hiểm). Thực trạng này diễn ra ở nhiều ngân hàng, song lại rất khó để chứng minh.
“Bút sa gà chết”, tiền được giải ngân rồi, mọi việc liên quan đến hợp đồng giao dịch đều đã được giải quyết, thậm chí nhờ những khoản giải ngân kịp thời của ngân hàng mà những khoản vay đầu tư của khách hàng đã sinh lời rồi. Đợi cho xong việc, khách hàng mới quay ra kiện ngược ngân hàng là điều rất khó để chứng minh thiệt hại. Thậm chí kéo nhau ra toà dân sự cũng không giải quyết được. Chỉ có công an vào cuộc, thông qua nhiều hồ sơ, bằng chứng mới biết được ai đúng, ai sai, sai ở mức độ nào…
“Để xảy ra thực trạng này rõ ràng là lỗi của những ngân hàng đang hành xử theo kiểu vì lợi nhuận mà sẵn sàng trái với lương tâm, đạo lý. Đầu tiên là ngân hàng phải tỉnh táo lại đi, cần xác định lại cách làm ăn tử tế, bởi nếu thực trạng này kéo dài càng lâu thì khiến người dân có cái nhìn mất thiện cảm về sản phẩm bảo hiểm, về cách hành xử của ngân hàng. Trong khi đây lại là ngành kinh doanh dựa trên uy tín và niềm tin. Một khi niềm tin của khách hàng bị lung lay thì chính các ngân hàng sẽ chịu thiệt hại, sẽ phải trả giá.” LS Trương Thanh Đức nhận định.
Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm cũng phải xem lại cách bán hàng như vậy có đúng không, có hợp lý không, quyền lợi của khách hàng có bảo đảm không… Ngân hàng “lợi dụng” khó khăn của khách hàng là đang cần vốn để ép họ mua bảo hiểm. Còn người vay cũng biết mình bị ép, nhưng vì để đạt được cái lợi trước mắt nên vẫn chấp nhận mua. Nếu khách hàng không đóng tiếp thì sản phẩm bảo hiểm đó coi như mất giá trị, nhưng nếu khách hàng tiếp tục đóng thì họ vẫn được hưởng các quyền lợi bảo hiểm khi gặp rủi ro. Tức là họ bị ép mua một mặt hàng, nhưng đây không phải hàng giả, hàng vứt đi.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng, bản thân người mua cũng có cái sai trong mối quan hệ này, có thể là cái sai của người mua và ngân hàng có thể tương ứng với tỉ lệ 30-70, thậm chí là 50-50. Tức là người mua có phần nào đó bị ép buộc, song không thể đổ lỗi 100% cho ngân hàng. Ngoại trừ trường hợp người dân gửi tiền mà ngân hàng lại chuyển đổi sang sản phẩm đầu tư bảo hiểm, thì đây hoàn toàn là cái sai của ngân hàng và phải có trách nhiệm trong việc này.” - Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận.
Chỉ chăm chăm bán bảo hiểm bằng được sẽ mất khách hàng
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ với báo chí, để xảy ra tình trạng “bia kèm lạc” là điều đáng tiếc. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu là vì nhiều nhân viên ngân hàng “ẩu”, chỉ vì chạy theo chỉ tiêu, muốn đạt được kết quả kinh doanh mà không chịu khó học hỏi kỹ năng để phân tích lợi ích của sản phẩm để thuyết phục khách hàng thay vì “chiêu dụ” dựa vào lợi thế của bên cho vay.
Ở đây cần phải nói đến đạo đức của người bán hàng. Ví dụ, có nhân viên ngân hàng giới thiệu sản phẩm bảo hiểm mà giống như sản phẩm tiền gửi là sai rồi, đó là người không có đạo đức nghề nghiệp. Người có đạo đức là phải phân tích cho khách hàng để họ thấy cả mặt lợi ích lẫn rủi ro của sản phẩm bảo hiểm. Phải nhắm đúng đối tượng, để khách hàng gắn bó lâu dài với ngân hàng.
Nếu như chỉ chăm chăm bán hàng bằng được, bán bằng mọi cách thì chắc chắn là không giữ được khách hàng. Trong khi đó trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thì cần nhất là khách hàng và mọi thu nhập ngân hàng có được đều đến từ “thượng đế”.
Hồng Quang