0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 25/06/2024 10:55 (GMT+7)

Nguồn cung hạn chế, giá tiêu tăng cao

Theo dõi KT&TD trên

Theo dự báo, với diễn biến giá hạt tiêu từ đầu năm đến nay, giá hồ tiêu vẫn sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Nguyên nhân chính là nguồn cung hạt tiêu hạn chế trên toàn cầu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 5 đạt 26.342 tấn, trị giá 117 triệu USD, tăng nhẹ 0,5% về lượng và 0,7% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm 9% về lượng nhưng tăng 30,2% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu đạt 109.330 tấn với trị giá thu về 469 triệu USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng tới 15,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá bán tăng cao. Giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt 4.290 USD/tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 5, giá xuất khẩu đạt bình quân 4.443 USD/tấn, tăng 43% so với cùng kỳ và là mức cao nhất đạt được trong 2 năm trở lại đây.

Nguồn cung hạn chế, giá tiêu tăng cao - Ảnh 1

Về chủng loại, tiêu đen nguyên hạt chiếm đến 74,3% tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, với khối lượng đạt 84.950 tấn. Tiếp đến là tiêu đen xay chiếm 13,1% tỷ trọng; tiêu trắng nguyên hạt chiếm 8%; còn lại 3,7% là tiêu trắng xay và 0,8% là tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng…

Trong tháng 5, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Đức, Ấn Độ… giảm so với tháng trước, trong khi tăng trưởng được ghi nhận ở UAE, Hà Lan, Pakistan, Hàn Quốc…

Đáng chú ý, xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc đang cho thấy sự khởi sắc trở lại trong tháng 5 với khối lượng đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất đạt được trong 11 tháng trở lại đây. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), nhu cầu nhập khẩu tiêu của Trung Quốc trong những tháng đầu năm ở mức thấp do lượng tồn kho của năm trước vẫn còn. Song có dấu hiệu cho thấy, trong quý II này Trung Quốc sẽ tham gia thị trường, đầu tiên là mặt hàng tiêu trắng và sau đó là tiêu đen. Năm ngoái, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam với khối lượng nhập khẩu lên đến hơn 60.000 tấn. Mặc dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc vẫn giảm mạnh 89,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4.871 tấn. Thị phần của Trung Quốc trong tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm từ 35,1% xuống còn 4,5%.

Ở chiều ngược lại, Mỹ đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với khối lượng đạt 28.604 tấn, tăng 35,7% và chiếm 26,2% thị phần. Ngoài ra, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường lớn khác cũng tăng rất mạnh như: Đức đạt 6.842 tấn, tăng 85,8%; Ấn Độ đạt 6.813 tấn, tăng 38,8%; Hà Lan tăng 41,9%; Pakistan tăng 55,9%; Hàn Quốc tăng 153,7%...

Thời gian gần đây, giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng cao và thiết lập các mức đỉnh mới. Cụ thể, giá tiêu đen nhân xô tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã tăng 30.000 đồng/kg (tương đương 32 – 36%) trong tháng 5 lên mức 130.000 – 133.000 đồng/kg. Sau đó giá tiếp tục tăng mạnh thêm 32 – 38% chỉ trong 11 ngày đầu tháng 6, lên mức 176.000 – 180.000 đồng/kg. Mặc đã có sự điều chỉnh giảm xuống còn 159.000 – 160.000 đồng/kg vào ngày 18/6, nhưng nhìn chung giá tiêu vẫn đang ở vùng đỉnh của 8 năm qua. Như vậy, giá tiêu trong nước đã tăng gần 2 lần so với đầu năm và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên chính thúc đẩy giá hồ tiêu tăng trong thời gian qua là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới.

Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka và đặc biệt là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết El Nino gây hạn hán. Về dài hạn trong 3-5 năm tới, lượng tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Ngoài ra, việc Trung Quốc quay trở lại mua hàng cũng tác động mạnh lên giá tiêu. Trong khi đó, các doanh nghiệp cho biết dù giá tăng cao nhưng vẫn khó thu mua nguyên liệu do người trồng tiêu kỳ vọng giá sẽ còn tăng tiếp. Nông dân các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ có thu nhập cao từ sầu riêng, cà phê nên có đủ khả năng tài chính để găm giữ hồ tiêu, thậm chí nhiều người sẵn sàng trữ đến 2 - 3 năm, không vội bán.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Hiện nguồn cung hồ tiêu thiếu hụt trong khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Sản lượng hạt tiêu năm nay của Việt Nam và nhiều nước sản xuất lớn được dự báo đều sụt giảm, do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác.

Tính đến hết tháng 5, Việt Nam đã xuất khẩu 109.330 tấn hồ tiêu tương đương gần 65% sản lượng của niên vụ hiện tại. Điều này khiến nguồn cung ngày càng thu hẹp, lượng hàng dành cho xuất khẩu không còn nhiều trong khi mùa thu hoạch năm 2025 vẫn còn 8 tháng nữa mới đến. Đây là thách thức không nhỏ đối với thị trường hồ tiêu khi nguồn cung được dự báo thấp hơn nhu cầu toàn cầu.

Hương Trà

Bạn đang đọc bài viết Nguồn cung hạn chế, giá tiêu tăng cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thương mại điện tử Việt Nam "khát" nhân lực thực chiến
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam bùng nổ nhưng lại đối mặt nghịch lý "khát" nhân sự trầm trọng. Trong khi doanh nghiệp "đỏ mắt" tìm người có kỹ năng thực chiến, sinh viên mới ra trường vẫn loay hoay lời giải cho bài toán này?
Giá xăng giảm nhờ thuế VAT xuống còn 8%
Theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, mặt hàng xăng được giảm thuế từ 10 xuống còn 8%. Do đó, giá xăng đã giảm tại kỳ điều hành ngày 1/7/2025.

Tin mới

"Cửa nào" cho người trẻ muốn an cư ở Hà Nội?
Nhiều người trẻ ở Hà Nội đang rơi vào trạng thái mắc kẹt giữa ước mơ an cư và thực tế tài chính eo hẹp. Không với tới nhà nội đô, họ đang tìm những lối đi khác như mua nhà ven đô, chờ nhà ở xã hội hoặc săn lùng căn hộ cũ diện tích nhỏ.
Méo mặt "ôm" đất chờ lên quận
Trước thông tin 5 huyện ngoại thành Hà Nội sắp lên quận, nhiều nhà ôm đất chờ tăng giá kiềm lời. Nay, sắp xếp địa phương 2 cấp, bỏ cấp trung gian (quận, huyện), nhà đầu tư đứng ngồi không yên.