Người Việt 'mê" thanh toán điện tử hơn nhiều nước trong khu vực
Nửa đầu năm 2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35 so với năm 2022 trong khi giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 6,3%.
Ngân hàng trở thành “ví” của người dân
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, ngành Ngân hàng là một trong những ngành tiên phong, đi đầu trong quá trình chuyển đổi số (CĐS). Nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân.
Giai đoạn 2020 – 2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Nếu như trước năm 2016, khoảng 500 – 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các TCTD, nhưng đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Với lượng thanh toán lớn hàng ngày như vậy, CĐS là hết sức quan trọng và thiết thực. Đối với ngành Ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, CĐS có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư và nếu không có CĐS thì sẽ không thể tích hợp nhanh đến vậy. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng.
Hơn 90% người Việt sử dụng ít nhất 1 phương thức thanh toán số
Theo Hiệp hội ngân hàng, sở dĩ chuyển đổi số như vậy là do trong giai đoạn vừa qua, các ngân hàng thương mại đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho công cuộc CĐS.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin, Ngân hàng Techcombank cho hay, riêng ngân hầng này đã đầu tư 300 triệu USD cho chuyển đổi số.
“Chúng tôi đã đầu tư khoảng 300 triệu USD về công nghệ và con người. Đây là 2 yếu tố mà không chỉ riêng Techcombank, mà các ngân hàng khác cũng đặc biệt quan tâm và luôn sẵn sàng đầu tư. Tôi tin rằng trong tương lai, tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ còn tăng nhiều hơn nữa” - ông Tuấn nhận định.
Theo đánh giá của bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra nhanh hơn nhiều nước khác trong khu vực. Các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam đã rất chủ động trong việc đảm bảo bắt kịp các xu hướng và công nghệ. Ít nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi số.
Điều này cũng một phần rất lớn là nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động và tạo môi trường tốt cho các ngân hàng hoạt động và phát triển. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam rất hưởng ứng và đón nhận chuyển đổi số.
“Xu hướng này ở Việt Nam thậm chí phổ biến hơn các nước còn lại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2022, chúng tôi nhận thấy 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn thì tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%” - bà Winnie Wong cho hay.
Theo đánh giá của NHNN, CĐS là xu thế tất yếu. Rất nhiều TCTD đã đạt được số lượng giao dịch trên kênh số lên tới 90%. Điều đó giúp các TCTD giảm thiểu nhiều chi phí so với thực hiện các giao dịch truyền thống trước đây.
CĐS góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các hình thức thanh toán số đều hướng tới mục tiêu Quyết định 1813 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025). Trong đó, làm sao để đến năm 2025, Việt Nam đạt khoảng 80% người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản ngân hàng. Đây là một trong những mục tiêu NHNN đang tích cực hướng tới.
Đồng thời, việc thúc đẩy sử dụng dịch vụ số giúp người dân tránh được các dịch vụ chuyển tiền bất hợp pháp, cho vay nặng lãi… Trong đó, hình thức cho vay bằng phương thức điện tử giúp cho việc phổ cập tài chính đến người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo… Chính phủ cũng thông qua 1 loạt các biện pháp như Mobile Money để góp phần thúc đẩy TTKDTM không chỉ ở thành thị mà còn phổ cập đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Sau 1 năm triển khai, Mobile Money đã có khoảng trên 4 triệu người dùng và con số này đang có chiều hướng tăng dần, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi các TCTD, các trung gian thanh toán cũng chưa đặt chân đến nhiều mà chủ yếu phát triển thông qua các mô hình đại lý hoặc điểm kinh doanh do các nhà mạng viễn thông triển khai. Việc này cũng góp phần thúc đẩy quá trình CĐS tại Việt Nam trong thời gian qua.
Thanh Cao