Người đất liền đổ xô mua gom đất trồng hành, tỏi ở đảo Lý Sơn
Rất nhiều thửa đất trồng hành, tỏi – Tư liệu sản xuất từ ngàn đời của người dân huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã được những người không sinh ra và sinh sống ở hòn đảo tiền tiêu này mua gom, sở hữu.
Ồ ạt mua gom
Một tháng trở lại đây, đất nông nghiệp ở huyện đảo Lý Sơn được giới mua bán, kinh doanh bất động sản đến từ đất liền ráo riết săn lùng, tìm mua. Trên các chuyến tàu cập bến huyện đảo ở thời điểm này, có rất nhiều nhóm các “nhà đầu tư” mang trên mình sứ mệnh mua gom các thửa đất trồng hành, tỏi - tư liệu sản xuất nông nghiệp chủ lực của người dân Lý Sơn.
Chiều về, nắng tắt cũng là lúc nông dân Lý Sơn đổ ra đồng để chăm sóc, thu hoạch nông sản. Lựa chọn thời điểm này, từng tốp môi giới 3 đến 4 người liên tục quần thảo trên các con đường, cánh đồng… ruộng nào có người là ngay lập tức sà vào, mỗi người một việc, giá cả được ngã ngay trên bờ ruộng.
Vốn chỉ mất chừng 5 phút để thực hiện công đoạn pha thuốc phun cho ruộng tỏi của nhà mình, nhưng dạo gần đây bà T – ngụ thôn Tây An Vĩnh mất cả tiếng đồng hồ để làm công việc ấy. Nguyên nhân đến từ việc bà phải tiếp nhiều… tốp người lân la, dò hỏi mua đất. “Ngồi bên bờ ruộng là họ chạy lại hỏi có bán đất không, bán bao nhiêu… ở đây có ai bán không thì giới thiệu cho họ”, bà T cho biết.
Theo người nông dân đã gắn cả cuộc đời với cây hành, cây tỏi này thì nhóm người mua đất đều nói giọng đất liền, đi xe máy thuê của các nhà nghỉ trên Cảng. Mức giá được môi giới đưa ra tùy từng vị trí, dao động từ 1,2 – 1,5 triệu đồng cho mỗi mét vuông đất mặt tiền đường, đất mặt tiền đường cơ động hướng biển giá gấp đôi, những thửa nằm bên trong thấp hơn chút ít, diện tích nào họ cũng mua. “Người tìm mua đất ngày càng nhiều, họ hỏi mình trả lời còn mệt hơn làm đồng. Chưa bao giờ ruộng tỏi Lý Sơn lại nhiều cò như bây giờ” - Bà T hóm hỉnh.
Một số người am tường chuyện đất đai ở Lý Sơn cho biết, gia cao nên đa phần các thửa đất nông nghiệp nằm trên mặt tiền một số tuyến đường lớn, hướng biển đã được người dân bán sạch, thậm chí nhiều thửa không giáp đường cũng đã bán. Ruộng tỏi sau khi được hai bên làm hợp đồng mua bán, thanh toán thì chủ mới tiếp tục cho chủ cũ canh tác, trông coi… đến khi cần sẽ lấy lại.
Hiện tại, môi giới từ khắp nơi đổ ra đảo mỗi ngày một đông hơn để gom hàng, giá cả đang có dấu hiệu nhích lên. Trên các diễn đàn, mạng xã hội thông tin chuyển nhượng đất nông nghiệp ở Lý Sơn được đăng tải liên tục, thu hút lượng tương tác lớn.
Cần có giải pháp kiểm soát tình hình
Thị trường bất động sản khắp nơi trầm lắng, thông tin “sốt” đất nông nghiệp ở Lý Sơn đã kéo rất nhiều môi giới kể cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đổ xô vượt biển ra đảo với mong muốn nương theo sóng, tìm kiếm cơ hội.
Có môi giới thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về các quy định của pháp luật, quy hoạch và đầu tư xây dựng nhằm mục đích tạo giao dịch.
Trong vai một nhà đầu tư muốn mua đất nông nghiệp để “chờ thời”, phóng viên Báo điện tử Xây dựng được nhóm môi giới ra giá hơn 500 triệu đồng cho khoảng 300m2 đất trồng tỏi giáp đường nối từ Trung tâm hành chính huyện đi chùa Hang. Mức giá trên một mực được khẳng định vẫn còn rất… hời vì sắp tới đây Lý Sơn sẽ lên thành phố, xây dựng sân bay, nhiều tập đoàn, dự án bất động sản lớn đang rục rịch kéo ra đảo để đầu tư, phát triển du lịch.
Nói về thủ tục giấy tờ, phương thức chuyển nhượng, phóng viên được nhắn nhủ… yên tâm, cùng với đó nếu muốn dựng hàng quán để buôn bán trên đất trồng tỏi thì chỉ cần không đổ bê tông kiên cố thì có thể thoải mái làm, sau này khi Nhà nước cho chuyển mục đích sử dụng qua đất ở thì chỉ cần làm hồ sơ xin chuyển là xong.
Hơn nữa, những môi giới này còn không quên bật mí cho phóng viên một thông tin “tuyệt mật” và vô cùng hấp dẫn rằng tháng 6 tới đây sẽ khởi công xây dựng cáp treo ở đảo Lý Sơn, lúc đó giá đất sẽ bức tốc. Đồng thời nhận định đây là thời điểm “vàng” để đầu tư đất nông nghiệp Lý Sơn, khả năng sinh lời trong tương lai rất cao.
Cả trăm người từ đâu bỗng dưng đổ đến lùng sục, tìm mua đất nông nghiệp với giá cao đã khiến nhiều nông dân Lý Sơn bị cuốn vào cơn “sốt” đất. Việc đồng áng, lịch thời vụ và giá cả nông sản đang được bà con tạm gác qua một bên, quyết định bán hay giữ đất sản xuất đang được nhiều người đắn đo trước những lời chào mời, săn đón và ngã giá của môi giới.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về thực trạng đáng báo động trên, bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, chính quyền đã chủ động nắm tình hình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan của huyện, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an chủ động rà soát, kiểm tra và đấu tranh, cũng như tham mưu xử lý các trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không đúng quy định. Nhất là các trường hợp mang tính đầu cơ, trục lợi hoặc có hành vi mua đất chờ quy hoạch nhằm mục đích kiếm lời, hưởng lợi trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo bà Hương, qua báo cáo sơ bộ của Công an huyện thì khả năng người nước ngoài đến đảo để mua đất đã được loại trừ. Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều người từ địa phương khác, không trực tiếp sản xuất nhưng mua gom đất nông nghiệp ở huyện đảo là thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương. Các giao dịch đều được người dân thực hiện thông qua các Văn phòng công chứng, chứ không qua chính quyền địa phương nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho rằng, trước mắt thực trạng này sẽ khiến người nông dân huyện đảo không còn quyền tự quyết đối với thửa đất mình đang canh tác, gây xáo trộn và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương. Cũng như gây khó cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công. Hơn nữa, trong tương lai gần, đây sẽ là rào cản, vướng mắc rất lớn khi huyện tiến hành hiện thực hóa các Quy hoạch đã được duyệt, các chính sách kêu gọi, thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển các dự án hạ tầng, đô thị và du lịch trên địa bàn.
“Đầu tuần tới, khi Công an huyện có báo cáo chi tiết, chính quyền sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp siết chặt hơn nữa công tác quản lý đất đai, giao dịch mua bán đất nông nghiệp trên địa bàn”, bà Hương nói.
Lê Danh