Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết theo thống kê, có khoảng 19.956ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 4.246 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất và nuôi trồng thuỷ sản.
Bão Yagi đã tấn công trực tiếp vào các khu vực ven biển các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt là Hải Phòng và Quảng Ninh, nơi có nhiều vùng nuôi cá lồng bè lớn nhất khu vực miền Bắc. Gần một tuần trôi qua kể từ thời điểm cơn bão số đổ bộ vào nước ta, nhưng thiệt hại do cơn bão gây ra đang khiến nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp gần như mất trắng do ảnh hưởng của bão lũ, nguồn nguyên liệu cũng bị nước lũ cuốn trôi, khó khăn chồng chất khó khăn.
Các lồng bè nuôi cá tại Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng) và Vân Đồn (Quảng Ninh) bị sóng lớn đánh sập, hàng trăm tấn cá bị cuốn trôi ra biển. Người nuôi mất trắng toàn bộ sản lượng, chưa kể đến các thiệt hại về lồng bè và cơ sở vật chất. Nhiều vùng nuôi trồng tôm và ngao ven biển bị ngập úng, ao hồ sạt lở khiến người dân phải thu hoạch non hoặc chấp nhận mất trắng.
Tại Quảng Ninh, nơi được coi là tâm bão, huyện Vân Đồn đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo ước tính, bão Yagi đã cuốn trôi hơn 1.000 lồng bè nuôi cá, tôm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Tại một số hộ gia đình, tài sản bị mất hoàn toàn, trong đó có những hộ bị thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Những hộ này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nuôi cá lồng bè trên vịnh Bái Tử Long, và hầu hết đều vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Chị Lê Thị Kim Yến, một hộ dân nuôi cá tại Vân Đồn, đã mất trắng 165 lồng cá song và 300 lồng cá dìa chỉ sau vài giờ bão quét qua. Tổng thiệt hại của gia đình chị lên đến hơn 10 tỷ đồng, và khoản vay ngân hàng lớn vẫn chưa được trả hết.
Anh Nguyễn Trường Giang, hộ nuôi trồng thủy sản ở phường Tân Thành quận Dương Kinh, Tp.Hải Phòng, cho biết, bà con ở đây bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão và ngậpo lụt sau bão. Gia đình anh bị mất trắng khoảng 150.000 tôm thẻ chân trắng chuẩn bị đến kỳ thu hoạch và hàng trăm con cua mới thả mỗi con 0,5 - 0,6 kg do ngập bờ bao.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết "Không chỉ thiệt hại lớn về tài sản, các doanh nghiệp còn đang đối mặt với nguy cơ không thể thực hiện các đơn hàng xuất khẩu theo đúng thời hạn do cơ sở nhà xưởng, thiết bị, máy móc, điện, nước bị hư hỏng, đình trệ khiến hoạt động sản xuất bị ngưng lại làm ảnh hưởng đến đơn hàng và nguy cơ bị khách hàng phạt tiền là những tổn thất về cơ hội kinh doanh chưa thể tính được hết”.
Một doanh nghiệp thuỷ sản tại Hải Phòng, cho hay theo hợp đồng đã ký kết, cuối tháng 9/2024 doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, 5 bè nuôi tôm và cá của doanh nghiệp này đã bị bão cuốn trôi. Công ty đã gửi thư cho đối tác để giải thích, nói rõ tình hình dịch bão lũ mong đối tác thông cảm.
Bão Yagi cũng gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và logistics. Hệ thống giao thông bị tắc nghẽn do mưa lũ và hư hỏng khiến quá trình vận chuyển nguyên liệu từ các vùng nuôi đến nhà máy chế biến bị trì hoãn. Cảng Hải Phòng, một trong những cảng lớn nhất Việt Nam, cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước những thiệt hại của các doanh nghiệp thuỷ sản miền Bắc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị các địa phương đề xuất các giải pháp có chính sách hỗ trợ cho các gia đình nông, ngư dân khắc phục khó khăn, khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống thời gian tới.
Để khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng sau bão, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đối tác logistics để khôi phục hoạt động vận chuyển hàng hóa. Chính quyền cần ưu tiên sửa chữa hạ tầng giao thông, cảng biển và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần linh hoạt trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế và xây dựng kế hoạch dự phòng để đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý chuỗi cung ứng thông minh có thể giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống khẩn cấp như bão lũ.
Sau bão, vấn đề ô nhiễm môi trường nước và dịch bệnh là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với các vùng nuôi trồng. Việc giám sát và kiểm soát dịch bệnh cần được triển khai đồng bộ, với sự tham gia của cả nhà nước, các doanh nghiệp và người nuôi. Chính quyền địa phương cần tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn người nuôi các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý ao hồ và đảm bảo nước sạch trước khi tái sản xuất. Bên cạnh đó, cần đầu tư vào hệ thống xử lý nước và bảo vệ môi trường nuôi trồng để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm trong tương lai.