Ngành kinh doanh bán lẻ năm 2022 có nhiều sự khởi sắc so với năm 2021
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Theo đó, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tuy 42% nhà bán hàng ghi nhận sự sụt giảm doanh thu so với năm 2021, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30.7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.
Cũng trong năm 2022 ghi nhận sự phát triển vượt bậc của kênh marketing qua Người nổi tiếng/ Người ảnh hưởng (KOL)/ Người tiêu dùng chủ chốt (KOC), hình thức đa dạng, sáng tạo; chất lượng được gia tăng. Tỷ lệ nhà bán hàng đang sử dụng kênh này chiếm 7,37%. Đồng thời, kênh này cũng vượt qua kênh Quảng cáo trên sàn thương mại điện tử, lọt top 3 kênh marketing được đánh giá hiệu quả cao nhất (sau Tiếp thị tại cửa hàng và Quảng cáo trên Mạng xã hội).
Xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. 57,65% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Tỷ lệ người kinh doanh chỉ bán offline tại cửa hàng chiếm 23,7% và người kinh doanh chỉ bán online chiếm 17,35%.
Mặt khác, nhà bán hàng đa kênh thể hiện ưu thế về doanh thu so với các nhà bán hàng chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc chỉ bán online. Người bán hàng đa kênh ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu chiếm 68%, trong khi đó tỉ lệ này với người bán hàng online là 16,9% và người chỉ bán tại cửa hàng là gần 15,1%.
Trong số các kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử được ưa chuộng nhất với tỷ trọng 49,69% nhà bán hàng sử dụng, tiếp đó là mạng xã hội Facebook (39,13%), website (9,94%). TikTok Shop - kênh bán hàng mới xuất hiện trong năm 2022 hiện chỉ chiếm 1,24% tỷ trọng nhưng đang là xu hướng khai thác và chuyển dịch của nhà bán hàng.
Trong số những nhà bán hàng chỉ kinh doanh trực tuyến hoàn toàn, tỷ lệ có sự tăng trưởng doanh thu so với 2021 nhiều nhất đến từ sàn thương mại điện tử (43,75%). Trong khi đó, phần lớn nhà bán hàng trên Facebook (mạng xã hội) cho biết họ ghi nhận sự sụt giảm doanh thu từ 10-30%.
Dự đoán trong năm 2023, lĩnh vực sáng tạo nội dung số hay xu hướng thương mại giải trí sẽ tiếp tục lên ngôi. Mỏ vàng kinh doanh online sẽ tiếp tục được khai thác theo chiều hướng mang lại trải nghiệm ấn tượng và mới mẻ cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Xu hướng thứ 2 là Shoppertainment - Mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm. Xu hướng thứ ba là cải tiến vận hành, quản trị doanh nghiệp trong ngành bán lẻ.