Ngân hàng SCB đóng cửa gần 100 phòng giao dịch
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã đóng cửa gần 100 phòng giao dịch kể từ sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt do liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát.
Chỉ trong hai ngày của tuần qua, SCB thông báo chấm dứt hoạt động của 9 phòng giao dịch.
Cụ thể, ngày 15/7, SCB thông báo đóng cửa 4 phòng giao dịch thuộc các chi nhánh tại TP.HCM và Bình Định. Đến ngày 18/7, ngân hàng này lại đóng cửa 5 phòng giao dịch tại TP.HCM, Đồng Nai và Hải Phòng.
Kể từ sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt do liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB đã đóng cửa 91 phòng giao dịch trên cả nước.
Trong đó, năm 2023, SCB đóng cửa 47 phòng giao dịch. 7 tháng đầu năm 2024, SCB lại đóng cửa tiếp 44 phòng giao dịch.
SCB khẳng định, việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Đồng thời, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của ngân hàng SCB.
Theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính ở TP.HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước.
Từ sau khi được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, SCB đã thực hiện đóng cửa nhiều phòng giao dịch trên cả nước.
Mới đây, SCB cũng thông báo bán thanh lý 27 máy ATM hư hỏng đã qua sử dụng tại các tỉnh, thành như TP.HCM, Cần Thơ, Long An, TP.Đà Nẵng,… Hình thức thanh lý bán riêng lẻ, nguyên lô theo nhu cầu của khách hàng. Phương thức bán chào giá kín và bán cho cá nhân, tổ chức có giá chào mua cao nhất.
SCB cũng mới rao bán thanh lý 23 xe ô tô chuyên dùng, tất cả mang biển kiểm soát TP.HCM. Giá bán thanh lý khởi điểm từ 106,92 - 220,32 triệu đồng/xe và bán lẻ từng chiếc thay vì bán cả lô như đợt thanh lý hồi đầu năm.
NHNN đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong những ngân hàng có quy mô và tổng tài sản lớn nên việc đưa ra những giải pháp xử lý đòi hỏi thủ tục và quy mô hỗ trợ lớn.
Đến nay, Ngân hàng SCB vẫn đang hoạt động ổn định và NHNN sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này, tạo điều kiện cho ngân hàng từng bước ổn định và phục hồi hoạt động”.
Trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, NHNN cho biết Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng là CBBank, OceanBank, GPBank. Còn DongABank và SCB vẫn do NHNN kiểm soát đặc biệt.
Minh Anh