Không phát hiện bất thường tại SCB, 3 công ty kiểm toán KPMG, E&Y, Deloitte kinh doanh thế nào?
Mới đây, các vấn đề liên quan tới việc kiểm toán "bỏ lọt" các bất thường tại doanh nghiệp, ngân hàng SCB đã làm "nóng"nghị trường Quốc hội khi các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Báo cáo tài chính thập kỷ qua của SCB được kiểm toán bởi những công ty kiểm toán hàng đầu như KPMG, Ernst & Young Vietnam (EY) và Deloitte. Đây là 3 công ty được biết đến trong nhóm Big4 ngành kiểm toán.
Kiểm toán Big4 "bỏ lọt" bất thường tại SCB, Bộ trưởng Tài chính bị chất vấn
Phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang diễn ra thu hút sự chú ý bởi số tiền bị "rút ruột" khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.096 tỷ đồng. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan đã từng bước thâu tóm, dẫn tới nắm tỷ lệ chi phối hơn 91,54% vốn điều lệ SCB. Để thực hiện việc rút tiền, bà Lan dùng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hàng ngàn công ty vệ tinh và pháp nhân "mượn danh" để lập hồ sơ khống cho các khoản vay, rút hơn 1,06 triệu tỷ đồng từ SCB.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính thập kỷ qua của SCB được kiểm toán bởi những công ty kiểm toán lớn như Klynveld Peat Marwick Goerdeler (KPMG), Ernst & Young Vietnam (EY) và Deloitte. Trong suốt 10 năm kiểm toán cho báo cáo tài chính của SCB, các kiểm toán viên tại 3 công ty dường như không phát hiện điều gì bất thường của ngân hàng.
Sau khi bà Lan bị khởi tố, SCB được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam công bố tháng 5/2023 xác định, SCB âm vốn chủ sở hữu hơn 443.000 tỷ đồng.
KPMG Việt Nam cũng là công ty kiểm toán báo cáo tài chính của SCB trong các năm 2020, 2021. Tuy nhiên trong các báo cáo kiểm toán năm 2020 và soát xét 6 tháng đầu năm 2022, KPMG chỉ nhấn mạnh việc SCB đang thực hiện đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Kiểm toán viên của KPMG cho rằng báo cáo tài chính của SCB đã phán ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính hợp nhất của ngân hàng.
Trước KPMG Việt Nam, hai công ty kiểm toán danh tiếng khác là Deloitte Việt Nam và Ernst & Young Việt Nam đều từng kiểm toán báo cáo tài chính cho SCB. Cụ thể, giai đoạn 2012-2016 là Ernst & Young Việt Nam kiểm toán cho SCB. Giai đoạn 2017-2019 là Deloitte Việt Nam. Từ 2020-2022 là KPMG Việt Nam.
Các kỳ báo cáo phần lớn đều là “không thấy có vấn đề gì”, “phản ánh trung thực”, phù hợp với chuẩn mực kế toán... Chỉ tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 và báo cáo soát xét bán niên 2013, Ernst & Young Việt Nam chỉ lưu ý một số vấn đề, trong đó có nhắc tới thanh khoản ngân hàng.
Cụ thể, kiểm toán viên có lưu ý trong thuyết minh 41.3 về rủi ro thanh khoản, tại ngày 30/6/2012 ngân hàng có các khoản nợ khác đã quá hạn, gồm: Tiền gửi, vay các tổ chức tín dụng và các khoản nợ khác. Ngân hàng cũng có một khoản phải thu đã quá hạn nhưng chưa thu hồi được gây ra những khó khăn về thanh khoản và hoạt động kinh doanh.
Ban điều hành SCB đã biết được các vấn đề này và đã thực hiện các biện pháp để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Ngoài ra ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu danh mục tài sản có và tái cấu trúc ngân hàng để ổn định hoạt động, nâng cao thanh khoản.
Với báo cáo tài chính năm 2021, kiểm toán viên của KPMG Việt Nam chỉ nêu vấn đề nhấn mạnh, lưu ý người đọc các thuyết minh liên quan phân loại nợ, dự phòng và khoản lãi dự thu phát thuộc đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020.
Dù vậy, nhìn chung các kỳ báo cáo phần lớn đều là "không thấy có vấn đề gì", "phản ánh trung thực", phù hợp với chuẩn mực kế toán….
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 18/3, vấn đề này được đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Đại biểu đặt vấn đề không ít doanh nghiệp kiểm toán bỏ qua sai sót đối tượng kiểm toán, vì lợi ích riêng của kiểm toán viên từ đó dẫn tới thất thoát Nhà nước, bao che tiêu cực.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết thời gian qua có một số vấn đề về kiểm toán độc lập có sai phạm trong một số vụ án hình sự. Điều này liên quan đến nhiều yếu tố. Thứ nhất là năng lực của các nhân sự tại các công ty kiểm toán. Thứ 2 là tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công việc kiểm toán trực tiếp. Thứ 3 không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình làm sai.
Bộ trưởng cho biết đối với công tác kiểm toán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo và siết chặt. Cụ thể, từ khâu kiểm toán viên để được cấp giấy chứng nhận kiểm toán viên đã đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, tổ chức đào tạo.
"Thường kiểm toán viên chưa năm nào thi đậu vượt trên 30%. Năm cao nhất chỉ đậu 30%. Những chuẩn mực kiểm toán, phương pháp kiểm toán Bộ Tài chính đã chỉ đạo ban hành. Tuy nhiên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục siết chặt các hoạt động của các công ty kiểm toán, kiểm tra lại những bộ hồ sơ xem thử có sai phạm thì sẽ xử phạt và xử lý nghiêm", Bộ trưởng trả lời.
3 công ty kiểm toán KPMG, E&Y, Deloitte kinh doanh thế nào?
Đáng chú ý, 3 cái tên Klynveld Peat Marwick Goerdeler (KPMG), Ernst & Young Vietnam (EY) và Deloitte được biết đến là các đơn vị trong nhóm Big4 ngành kiểm toán. Cai tên còn lại được nhắc tới là PricewaterhouseCoopers (PwC).
Theo báo cáo minh bạch cho năm tài chính 2023, nhóm Big4 này đạt tổng doanh thu gần 3,848 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng (PIE) là 575 tỷ đồng, chiếm 15% và tăng 5% so với năm 2022. Mảng này, EY đóng góp nhiều nhất với 296 tỷ đồng (giảm 7%), tiếp đó là KPMG 144 tỷ đồng (tăng 22%), còn lại PwC và Deloitte lần lượt là 83 tỷ đồng (tăng 33%) và 51 tỷ đồng (tăng 12%).
Doanh thu khác đạt 1,508 tỷ đồng, giảm 35% so cùng kỳ; trong khi doanh thu Non PIE là 1,765 tỷ đồng, tăng 32%.
Trong năm nay chỉ còn hai đơn vị kiểm toán có doanh thu trên ngàn tỷ là PwC và EY. Còn Deloitte hụt hơi khi chỉ mang về 568 tỷ đồng doanh thu, cùng kỳ là 1,111 tỷ đồng.
Trong năm qua, khoản chi phí lớn đã ăn mòn lợi nhuận của nhóm Big4. Đứng đầu chi phí là EY với 1,362 tỷ đồng (tăng 22%), kế đến là PwC 1,046 tỷ đồng (tăng 3%), KPMG 667 tỷ đồng (tăng 12%) và sau cùng là Deloitte 537 tỷ đồng (giảm 48%).
Về chi trả tiền lương, thưởng cho nhân viên EY 703 tỷ đồng (tăng 33%). Tuy nhiên EY lại là đơn vị chi nhiều tiền nhất (658 tỷ đồng) để mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tổng số kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận nhóm Big4 năm 2023 là 172 người, giảm 34 người so với 2022. Trong đó, Deloitte nhiều nhất với 67 người, EY là 59 người, PwC 46 người, còn lại 41 người của KPMG.
Kết thúc năm tài chính 2023, tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm Big4 đạt 184 tỷ đồng, giảm 45%. EY và KPMG có lãi tăng trưởng mạnh nhất nhưng tỷ trọng đóng góp ít nhất; trong khi PwC và Deloitte đóng góp nhiều nhất lại ghi nhận lợi nhuận sụt giảm.
Là đơn vị kiểm toán có tổng doanh thu cao nhất đạt 1,376 tỷ đồng, mặc dù vậy, EY chỉ đạt hơn 8 tỷ đồng lãi sau thuế. KPMG có lãi ròng thấp nhất đạt hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên với kết quả này, cả EY và KPMG tăng trưởng lần lượt 119% và 53% so với cùng kỳ.
Với doanh thu sụt giảm 49% so với năm 2022 còn 568 tỷ đồng, lãi ròng Deloitte chỉ ở mức gần 23 tỷ đồng, giảm 58%. Đóng góp nhiều nhất cũng như đứng đầu lợi nhuận trong nhóm Big4 là PwC đạt 151 tỷ đồng, cũng giảm 46% so cùng kỳ.
Kết quả trong nhóm Big4 tạm thời được chia ra làm hai thái cực trong năm 2023, khi một bên có lợi nhuận tăng trưởng đột phá, một bên lợi nhuận lao dốc. Dù nổi tiếng với mảng kiểm toán, hoạt động mỗi doanh nghiệp trong nhóm Big4 có sự phân hóa theo các mảng riêng. PwC tập trung phần lớn vào kiểm toán, tư vấn kế toán, định giá, tư vấn chuyển đổi báo cáo sang IFRS. EY chuyên trách về thuế, công nghệ và giao dịch từ các dịch vụ thuế.
Deloitte mạnh về tư vấn kế toán và BCTC, tư vấn sự kiện đột phá, tư vấn hoạt động kế toán và các dịch vụ đảm bảo khác. Còn KPMG mạnh về kiểm toán, tư vấn vận hành, tư vấn thương vụ, tư vấn thuế và pháp lý.
Hồng Quang