Ngân hàng Nhà nước đề xuất tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp thêm 6 tháng
Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.
Thực hiện Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.
Như vậy, thay vì kết thúc vào giữa năm nay như dự kiến, những khoản nợ của doanh nghiệp, người đi vay có thể được tiếp tục kéo giãn đến hết năm nay. Việc gia hạn Thông tư 02 được kỳ vọng sẽ tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết năm 2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu hơn 183.000 tỷ đồng. Khi được giãn, hoãn nợ, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, mà còn giúp tăng cơ hội tiếp cận vốn. Bởi nếu bị chuyển sang nhóm nợ xấu, doanh nghiệp sẽ khó có thể vay thêm vốn cho sản xuất kinh doanh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Đây là một chính sách trực tiếp hỗ trợ cho cả doanh nghiệp, cả ngân hàng khi những khoản nợ về lãi, về gốc mà chưa trả được thì có thể kéo dài thêm thời gian để giúp cho doanh nghiệp khắc phục được khó khăn”.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 3 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 2,06%. Điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM cho rằng chính sách hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp là điều mà doanh nghiệp và ngân hàng cũng rất mong chờ. Nhưng cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng để đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn nợ.
"Cần phải có nhiều giải pháp đi kèm để đảm bảo doanh nghiệp, người vay có thể phục hồi và trả được nợ ở thì tương lai, khi áp lực nợ mới và cũ cùng đến, tránh dồn rủi ro cho các ngân hàng", vị này gợi ý.
H.A