0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 03/06/2024 07:57 (GMT+7)

Ngân hàng đồng loạt tăng phí SMS Banking, cách nào tránh mất tiền tin nhắn?

Theo dõi KT&TD trên

Nhiều ngân hàng thông báo tăng phí dịch vụ biến động số dư SMS Banking. Có ngân hàng thu đến nửa triệu đồng/tháng phí tin nhắn. Nếu không muốn mất thêm phí SMS Banking, khách hàng có thể bật tính năng nhận thông báo tự động qua App ngân hàng.

Nhiều ngân hàng tăng phí SMS Banking

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chính thức điều chỉnh phí dịch vụ thông báo biến động số dư SMS Banking từ 1/6.

Theo đó, mức phí mới (chưa bao gồm VAT) là 13.200 đồng/tháng/số điện thoại và không giới hạn số lượng tin nhắn. So với mức phí cũ, phí dịch vụ SMS Banking của Agribank tăng thêm 3.200 đồng.

Đồng thời, Agribank dừng gửi tin nhắn biến động số dư với các giao dịch có giá trị dưới 20.000 đồng.

So với các ngân hàng khác, mức phí SMS Banking của Agribank được cho là “mềm” nhất.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) thông báo điều chỉnh tăng phí SMS Banking từ 1/6. Đối với khách hàng cá nhân, phí dịch vụ SMS Banking được thu theo mức số lượng tin nhắn biến động số dư phát sinh trên số tài khoản của khách hàng.

Cụ thể, từ 0-15 tin nhắn/tháng, mức phí là 10.000 đồng/tháng. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả không phát sinh tin nhắn nào trong tháng, khách hàng vẫn phải chịu mức phí tối thiểu 10.000 đồng/tháng.

Đối với tài khoản phát sinh từ 16-30 tin nhắn/tháng, mức phí là 20.000 đồng/tháng; từ 31-60 tin nhắn/tháng, mức phí 40.000 đồng/tháng. Từ 61 tin nhắn/tháng trở lên, mức phí lên đến 60.000 đồng/tháng.

Các mức phí trên chưa bao gồm thuế VAT. Do đó khách hàng cá nhân của Bac A Bank có thể phải trả mức phí cao nhất là 66.000 đồng/tháng.

Ngân hàng đồng loạt tăng phí SMS Banking, cách nào tránh mất tiền tin nhắn?

Vào đầu tháng 5, SHB cũng điều chỉnh biểu phí dịch vụ thông báo số dư tài khoản thanh toán qua SMS Banking. Theo đó, khách hàng phát sinh dưới 15 tin nhắn/tháng sẽ phải trả mức phí 15.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT).

Đối với khách hàng phát sinh từ 15 tin nhắn trở lên, phí ngân hàng thu sẽ bằng 15.000 đồng cộng với 750 đồng trên mỗi tin nhắn vượt qua 14 tin nhắn đầu (đã bao gồm VAT).

Trước đó, từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng phí SMS Banking như Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank, VPBank, Nam A Bank, OCB, Eximbank.

Đơn cử, ACB tính phí theo số lượng dưới 20 tin nhắn mỗi tháng với mức phí 15.000 đồng/thuê bao.

Trường hợp trên 20 tin nhắn/tháng, ngân hàng này sẽ thu phí 15.000 đồng và công thêm 700 đồng trên mỗi tin nhắn sau 20 tin nhắn đầu tiên. ACB cho biết thông báo biến động số dư chỉ gửi tin nhắn cho các giao dịch từ 50.000 đồng trở lên. Mức phí này đã bao gồm VAT.

Vietcombank cũng thông báo tăng phí SMS Banking từ đầu năm nay tính phí theo số lượng tin nhắn phát sinh trong tháng thay vì mức phí cố định như trước là 10.000 đồng/tháng/số điện thoại (chưa bao gồm VAT).

Cụ thể, nếu dưới 20 tin nhắn/tháng/số điện thoại, phí dịch vụ khách hàng phải nộp là 10.000 đồng/tháng. Trên 20 tin nhắn/tháng/số điện thoại, ngân hàng thu phí theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh trong tháng với mức phí 700 đồng/tin nhắn. Các mức phí này chưa bao gồm VAT.

Đáng chú ý, Sacombank áp dụng chính sách với khách hàng có phát sinh dưới 30 tin nhắn SMS áp dụng mức phí là 15.000 đồng/tháng/số điện thoại.

Như vậy, nếu trên 30 tin nhắn, Sacombank thu theo số lượng tin nhắn với số tiền 500 đồng/tin nhắn và mức phí thu tối đa là 500.000 đồng/tháng/số điện thoại (chưa bao gồm VAT).

Lưu ý để tránh mất nhiều tiền phí

Tin nhắn biến động số dư là dịch vụ quen thuộc mà bất kỳ ai sử dụng dịch vụ ngân hàng đều quan tâm để theo dõi sát sao các giao dịch trên tài khoản thanh toán.

Tuy nhiên, nếu không muốn mất thêm phí SMS Banking, khách hàng có thể bật tính năng nhận thông báo tự động qua App ngân hàng.

Ngân hàng đồng loạt tăng phí SMS Banking, cách nào tránh mất tiền tin nhắn?

Bên cạnh hình thức quen thuộc là nhận tin nhắn biến động số dư qua SMS Banking, hiện nhiều ngân hàng đã cung cấp dịch vụ OTT, nhận tin biến động số dư trên các ứng dụng ngân hàng điện tử, ngân hàng số. Nhưng để nhận được tin nhắn OTT, điện thoại của khách hàng phải có kết nối Internet và cài ứng dụng ngân hàng trên điện thoại.

Tin nhắn OTT có ưu điểm là ngoài biến động số dư, khách hàng còn nhận được thêm thông tin về chương trình khuyến mại, ưu đãi dịch vụ, nhắc lịch trả nợ,…

Hơn nữa OTT không giới hạn độ dài ký tự so với SMS truyền thông, tin nhắn tiếng Việt có dấu dễ hiểu. Khách hàng cũng không cần lo lắng không nhận được thông tin thay đổi số dư khi đi nước ngoài như khi sử dụng SMS Banking.

Đa số ngân hàng đang miễn phí gửi tin OTT, không thu đồng nào của khách hàng đối với dịch vụ này.

Các ngân hàng cho biết, phí tin nhắn SMS thông báo biến động số dư tiền gửi và tài khoản thanh toán là dịch vụ của bên thứ ba - nhà mạng viễn thông cung cấp và thu tiền.

Động thái tăng phí SMS Banking diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng cho biết đang phải chịu lỗ từ dịch vụ này do phải trả phí SMS cho nhà mạng với mức giá đắt gấp 3 lần thông thường.

Thời gian qua ngân hàng chi trả một phần phí này để khuyến khích người dùng thanh toán điện tử. Nhưng trong xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng, đến nay, số phí này ngân hàng càng ngày càng phải bù lỗ nặng hơn.

Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông cả hệ thống ngân hàng trả cho các nhà mạng lên tới vài trăm tỷ đồng mỗi tháng.

Thay đổi chính sách tính phí SMS Banking ngoài việc để phù hợp với nhu cầu thực tế phát sinh tin nhắn của từng khách hàng, giảm chi phí cước tin nhắn, một lý do quan trọng khác là phòng ngừa rủi ro lừa đảo, gian lận, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản của khách hàng.

Mạo danh thương hiệu ngân hàng qua tin nhắn SMS là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến, khi kẻ gian tạo link giả mạo giống tên ngân hàng, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link... Nguy cơ khách hàng bị lừa đảo là rất lớn mà ngân hàng không thể kiểm soát được, trong khi ứng dụng ngân hàng số của các ngân hàng có độ bảo mật cao gần như không thể bị chèn tin nhắn giả mạo.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho biết xu hướng hiện nay các ngân hàng đều khuyến khích người dùng sử dụng kênh ngân hàng số để giảm chi phí tin nhắn, đồng thời giảm các rủi ro phát sinh.

Minh Dũng

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng đồng loạt tăng phí SMS Banking, cách nào tránh mất tiền tin nhắn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
Tập hợp những tiện ích tối ưu như góp và rút quỹ, lịch sử thu chi, thông báo khi có biến động số dư, mời và xóa thành viên tham gia tiện lợi, tính năng Quỹ nhóm của App HDBank là lựa chọn của nhiều khách hàng khi mở quỹ nhóm.
HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.