Mức phí cố định đối với các cơ sở xả khí thải là 3 triệu đồng/năm
Tại dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, Bộ Tài chính đề xuất, mức phí cố định đối với các cơ sở xả khí thải là 3 triệu đồng/năm.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, căn cứ Luật Phí và lệ phí, để bảo đảm thống nhất với quy định thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải công nghiệp tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định xây dựng mức phí gồm 02 phần: (i) Phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải, để bảo đảm chi phí xử lý các chất nằm ngoài 04 chất (Bụi tổng, NOx, SOx, CO) và (ii) phí biến đổi thu bổ sung đối với các cơ sở phải quan trắc khí thải (thu đối với 4 chất: Bụi tổng, NOx, SOx, CO). Cụ thể:
Đối với phí cố định: Mức phí cố định (f) đối với các cơ sở xả khí thải: 3.000.000 đồng/năm. Mức phí cố định được quy định theo năm; trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì số phí phải nộp tính cho 01 quý là f/4; trường hợp người nộp phí nộp theo tháng thì số phí phải nộp tính cho 01 tháng là f/12.
Người nộp phí: Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng quan trắc khí thải tự động, liên tục và quan trắc định kỳ: Hàng quý, chậm nhất là ngày 10 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo, người nộp phí thực hiện lập Tờ khai phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của quý trước, nộp cho tổ chức thu phí. Trường hợp chậm nộp phí theo thông báo thì phải nộp cả tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
Người nộp phí thực hiện nộp phí bằng một trong các hình thức sau: Nộp phí theo hình thức không dùng tiền mặt vào tài khoản chuyên thu phí của tổ chức thu phí mở tại tổ chức tín dụng; nộp phí vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước; nộp phí bằng tiền mặt cho tổ chức thu phí.
Theo Bộ Tài chính, với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường không khí ở nhiều thành phố lớn, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng giảm, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại cho nền kinh tế cũng như môi trường.
Bộ này đánh giá, phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường không khí.
Vì vậy, theo Bộ Tài chính, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là cần thiết, phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn và nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội.
An Khanh