0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 02/01/2024 14:24 (GMT+7)

“Mất tiền, ôm hận” vì mua hàng hiệu thanh lý

Theo dõi KT&TD trên

Mua đồ hiệu đã qua sử dụng đang trở thành trào lưu của nhiều nhiều người với khả năng tài chính có hạn. Nhiều người vì tin tưởng các chủ cửa hàng chốt mua chóng vánh trong các phiên livestream. Từ đây nhiều người đã bị lừa mua hàng hiệu giả hay chiếm đoạt tiền mua hàng của khách.

Mua đồ hiệu đã qua sử dụng đang trở thành trào lưu của nhiều nhiều người với khả năng tài chính có hạn. Nhiều người vì tin tưởng các chủ cửa hàng chốt mua chóng vánh trong các phiên livestream. Từ đây nhiều người đã bị lừa mua hàng hiệu giả hay chiếm đoạt tiền mua hàng của khách.

Mất hàng trăm triệu vì chủ quan

Một trong những tín đồ hàng hiệu đã qua sử dụng là chị Nguyễn Thị Thuý H. (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chị H. thường xuyên mua hàng của một vài shop quen. Theo chị H., khi mua tại những cửa hàng hay shop quen này, giá những chiếc túi hàng hiệu như Channel, Gucci, Louis Vuitton, Dior… mà chị thích chỉ bằng 1/3 giá những chiếc túi mới mà vẫn rất mới và đẹp. Thậm chí có những chiếc túi còn nguyên hộp, hóa đơn mua hàng… Thế nhưng trong một lần theo dõi livestream của một cửa hàng quen, chị đã bị lừa một cách dễ dàng.

Theo đó, trong phiên livestream của một chủ cửa hàng chuyên bán đồ hiệu đã qua sử dụng H.C, chị H. đã chốt một chiếc túi hàng hiệu trị giá 90 triệu đồng. Ngay sau đó, một tài khoản facebook cũng lấy tên tài khoản và hình đại diện như page của cửa hàng H.C đã nhảy vào inbox với chị H. và yêu cầu chuyển tiền túi vào tài khoản của chồng mình.

Vì không để ý đó là facebook giả, trong khi mọi lần khi chốt mua hàng của H.C, chị H. đều phải chuyển khoản trước, nên lần này không ngần ngại chị H. chuyển luôn 90 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng người chồng của chị H.C.

“Mất tiền ôm hận” vì mua hàng hiệu thanh lý
Những đồ hàng hiệu được chào bán rất nhiều trên mạng xã hội.

Thế nhưng một thời gian sau không thấy chủ cửa hàng giao túi, chị H. nhắn lại cho tài khoản nọ thì thấy bị chặn facebook. Bức xúc chị liên hệ với chủ cửa hàng H.C thì chị này cho biết, không có facebook nào khác ngoài facebook đang livestream cũng như tài khoản ngân hàng mang tên H.C. Lúc ấy chị H. mới tá hỏa mình đã bị lừa.

Tương tự như chị H., chị Lê Hồng G. (trú tại Ba Đình, Hà Nội) cũng bị lừa chuyển khoản gần 150 triệu đồng. Theo đó. chị G. cũng theo dõi livestream của một cửa hàng hiệu T.H và chốt trong phiên livestream một chiếc túi trị giá 148 triệu đồng. Sau phiên livestream, cũng có một tài khoản lấy tên T.H và hình đại diện giống như cửa hàng T.H vào inbox yêu cầu chị chuyển khoản. Sau hai lần chuyển khoản, chị G. được chốt thời gian giao hàng.

Tuy nhiên đến thời gian giao hàng, không nhận được hàng, chị liên hệ lại với facebook đã chuyển khoản thì đã bị chặn. Liên hệ với chủ cửa hàng T.H thì chị mới té ngửa chủ cửa hàng không có tài khoản ngân hàng nào khác ngoài tài khoản T.H cũng như page đã livestream. Lúc này chị mới biết mình bị lừa.

Chị G. cho biết, không chỉ có chị mà rất nhiều trường hợp bị lừa như vậy. Sau đó mọi người đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

“Mất tiền ôm hận” vì mua hàng hiệu thanh lý
Rất khó để phân biết đâu là hàng hiệu đâu là hàng hiệu "fake".

Mới đây Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Cao Phương Thảo (sinh năm 2001, trú ở xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với phương thức thủ đoạn như các đối tượng đã lừa chị H., chị G.

Quá trình xét xử làm rõ, cuối năm 2021, do không có việc làm và để có tiền chi tiêu cá nhân và trả nợ, Cao Phương Thảo nảy sinh việc chiếm đoạt tài sản của những người thích mua “hàng hiệu” trên mạng xã hội Facebook. Qua tìm hiểu, Thảo biết các tài khoản Facebook tên “Hy Closet” của chị Nguyễn Thị Thu Hường (ở Cầu Giấy, Hà Nội) và “Bùi Thị Minh Tâm” của chị Minh Tâm (ở quận Hoàn Kiếm) là những tài khoản bán hàng online nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook.

Sau đó, Thảo tự lập 2 tài khoản Facebook giả, lấy tên là “Hy Closet” và “Bùi Thị Minh Tâm”, sao chép hình ảnh đại diện của 2 Facebook thật làm ảnh đại diện cho hai Facebook giả do bị cáo tạo lập ra và đăng các hình ảnh sản phẩm như túi xách, giày dép hàng hiệu giống với tài khoản thật để tạo sự tin tưởng nhằm đánh lừa bị hại.

“Mất tiền ôm hận” vì mua hàng hiệu thanh lý
Bị cáo Cao Phương Thảo.

Thảo thường xuyên truy cập vào kênh livestream của hai tài khoản Facebook trên. Thấy các tài khoản khách hàng bình luận đặt chốt đơn mua sản phẩm, Thảo sử dụng 2 tài khoản Facebook giả nhắn tin cho khách hàng qua ứng dụng Messenger, Zalo, mạo nhận là nhân viên của hai tài khoản Facebook “Hy Closet” và “Bùi Thị Minh Tâm” thật để tư vấn và báo giá sản phẩm cho khách hàng.

Để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, Thảo dùng 3 số điện thoại khác nhau để liên lạc trực tiếp với các bị hại. Sau khi khách đồng ý mua hàng, Thảo sẽ nhắn thông tin tài khoản ngân hàng, yêu cầu khách chuyển tiền. Sau khi nhận được tiền, Thảo chặn liên lạc với người bị hại.

Bằng phương thức và thủ đoạn nêu trên, từ tháng 12-2021 đến 6-2022, Thảo đã chiếm đoạt của 15 người với số tiền hơn 645 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Thảo không thực hiện đúng cam kết giao hàng mà sử dụng toàn bộ số tiền chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tuyên phạt Cao Phương Thảo 10 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố.

Nên đến các store chính hãng

Trên các mạng xã hội, nhiều hội, nhóm dành cho người muốn thanh lý và người có nhu cầu mua các sản phẩm hàng hiệu đã qua sử dụng thu hút khá đông thành viên tham gia. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để lừa đảo. Ngoài những chiêu lừa như giả danh các page, các cửa hàng uy tín để chiếm đoạt tiền của khách như trường hợp của chị H., chị G. thì không ít nạn nhân cũng bị lừa khi mua phải hàng giả, hàng nhái với giá cao trong các hội nhóm thanh lý hàng hiệu, hay page bán hàng hiệu. Đặc biệt, hình thức mua sắm online khiến người mua khó nhận diện sản phẩm qua hình ảnh hoặc đoạn video ngắn.

Thanh lý, bán lại là một trong những giải pháp được giới chơi hàng hiệu áp dụng nhằm dọn bớt tủ đồ, chừa chỗ cho những món đồ mới và giúp người có thu nhập thấp hơn có thể sở hữu những món đồ cao cấp. Đây cũng là xu hướng đang bùng nổ trên thị trường.

“Mất tiền ôm hận” vì mua hàng hiệu thanh lý
Khách hàng nên tìm đến store chính hãng để mua hàng hiệu, tránh bị lừa tiền mất tật mang (ảnh minh họa).

Để mua được những món đồ đảm bảo chất lượng qua hình thức thanh lý, trước tiên, người mua nên tìm hiểu những địa chỉ bán, ký gửi hàng hiệu uy tín, có đầy đủ công cụ kiểm tra hàng thật, hàng nhái. Nếu mua trên các hội, nhóm trên mạng xã hội, người mua nên giao dịch với những người bán đã được người quản lý nhóm và các thành viên kiểm chứng, xác nhận độ tin cậy. Không giao dịch với “nick” lạ, các “nick” chỉ trả lời qua “inbox”, không công khai sản phẩm, giá bán.

Khi giao dịch, bạn nên yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ thông tin, số tài khoản chính chủ. Đối với những món đồ giá trị cao, nên ưu tiên cho loại còn nguyên đai nguyên kiện: Có hộp sản phẩm gốc và biên lai gốc để bạn có thể xác minh nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, bạn nên cảnh giác với những sản phẩm được thanh lý quá rẻ. Tốt nhất để thỏa mãn nhu cầu sử dụng hàng hiệu, không lo sợ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hay bị lừa đảo, khách hàng nên tìm đến những store chính hãng tại Việt Nam để mua được những sản phẩm ưng ý và có bảo hành từ chính hãng.

Quang Anh

Bạn đang đọc bài viết “Mất tiền, ôm hận” vì mua hàng hiệu thanh lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Tin mới

Xu hướng kinh doanh đồ uống: Đâu là mô hình tiềm năng nhất?
Thị trường đồ uống luôn là một lĩnh vực năng động với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh đồ uống mới, sáng tạo và đầy tiềm năng.
Giá căn hộ tăng cao: Khi nào người mua nhà mới "dễ thở"?
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ vẫn duy trì ở mức cao, khiến người mua nhà - đặc biệt là tầng lớp trẻ và người có thu nhập trung bình - vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.
Gen Z và cơn sốt trà: Khi thế hệ trẻ biến thức uống cổ điển thành xu hướng mới!
Gen Z đang biến trà từ một thức uống truyền thống thành xu hướng sành điệu và sáng tạo. Từ trà sữa trân châu đến trà masala chai đậm đà, họ không ngừng thử nghiệm và đổi mới. Không chỉ là một sở thích, trà đã trở thành phong cách sống, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.