Loạt vụ án lừa đảo hàng nghìn tỷ có chung một chiêu thức, nhà đầu tư vẫn sập bẫy, vì sao?
Sau lệnh bắt lãnh đạo Công ty Sen Tài Thu, cùng nhìn lại và nhận diện những thủ đoạn của các đối tượng trong việc sử dụng các thủ đoạn “núp bóng” các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư để qua mắt cơ quan chức năng;
“Vẽ” ra các dự án đầu tư qui mô lớn, nhưng “ảo”, đánh vào sự nhẹ dạ, lòng tham, “che mắt” nhà đầu tư bằng lãi suất rất cao.
Điểm qua loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng
Mới đây nhất, vào ngày 29/1, Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cổ phần Sen Tài Thu. Đồng thời cơ quan chức năng phát lệnh bắt khẩn cấp Phạm Thị Hòa - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sen Tài Thu, Nguyễn Thị Thùy Linh - con gái bà Hòa và Nguyễn Thị Lan Hương về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo điều tra ban đầu có 100 hợp đồng với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư đã được huy động. Sau khi thu được tiền, các đối tượng đã cắt hoa hồng rất cao từ 7 - 30% cho đối tượng cấp dưới và đội ngũ mở rộng khách hàng. Vụ việc hiện đang được Công an Thành phố Hà Nội tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ vai trò một số đối tượng khác liên quan.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Bất động sản Nhật Nam) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, bước đầu xác định: Vũ Thị Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào Công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Ở diễn biến khác, vào ngày 14/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội cũng đã tiến hành khởi tố vụ việc có dấu hiệu lừa đảo của Công ty CP Tập đoàn Bankland. Theo điều tra ban đầu, doanh nghiệp này đã tổ chức hàng loạt hội nghị, sự kiện để quảng cáo về nhiều ngành nghề kinh doanh (như bất động sản, mua bán ô tô, cổ phiếu nội bộ...) để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 72 tháng với mức 43,2%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế Bankland không có bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào.
Cơ quan công an xác định có khoảng 4.000 nhà đầu tư đã ký hơn 7.000 hợp đồng hợp tác đầu tư với số tiền góp vốn trên 400 tỷ đồng vào Công ty Bankland.
Hay như một trường hợp khác, ngày 14/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, thông qua hình thức huy động đầu tư vào Tập đoàn Trường Tiền xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, cơ quan này đã nhận đơn của nhiều cá nhân tố giác Tập đoàn này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, cuối năm 2018 đến 2019, nhiều người đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với hai cá nhân của Tập đoàn Trường Tiền. Sau khi nhận được tiền từ khách hàng, Tập đoàn Trường Tiền chỉ chi trả lợi nhuận cho khách trong một thời gian ngắn rồi ngưng, có dấu hiệu trốn tránh. Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 200 người tố cáo tập đoàn này chiếm đoạt gần 180 tỷ đồng…
Còn với trường hợp Sâm Ngọc Linh Mỹ Hạnh, Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG) đã tận dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh của Việt Nam. MHG đã truyền thông thương hiệu Sâm Ngọc Linh và công bố doanh thu năm sau cao hơn năm trước từ 100% đến 300%. Chỉ sau vài năm hoạt động, tập đoàn này đã mở rộng mạng lưới cửa hàng, đại lý trên khắp đất nước, với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định, thu nhập tốt cho hàng trăm lao động tại công ty. MHG đã huy động vốn của nhiều người với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng.
Trên thị trường, có không ít trường hợp lãnh đạo thổi phồng giá trị doanh nghiệp và thương hiệu để huy động vốn của nhà đầu tư bằng cách này hay cách khác rồi sau đó chiếm đoạt.
Qua loạt vụ án vừa được phanh phui gần đây, chúng ta càng dễ dàng nhận rõ bản chất đằng sau của mỗi vụ việc. Để hòng chiếm đoạt tài sản của người khác, họ có thể sẵn sàng làm đẹp mọi thứ trong báo cáo chính tài, vẽ các dự án “ảo” cùng những cam kết “siêu lợi nhuận”… hòng “lùa gà” các nhà đầu tư cá nhân có tiền nhưng nắm ít thông tin về doanh nghiệp bị hấp dẫn bởi bánh vẽ lợi nhuận dễ dàng do những kẻ chủ mưu tô dựng nên.
Chung một kịch bản, tạo niềm tin bằng những con số ‘ảo’
Xem xét lại các vụ án, vụ việc nêu trên, cho thấy điểm chung là các đối tượng tội phạm sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi và rất bài bản nhằm đánh vào sự nhẹ dạ, lòng tham của nhà đầu tư về lãi suất cao ngất ngưởng để kêu gọi đầu tư tham gia sau đó chiếm đoạt tiền. Trong đó có một số điểm rất đáng chú ý, gồm:
Tô vẽ các dự án đầu tư: Đầu tiên để thu hút nhà đầu tư quan tâm các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì.
Điển hình như trường hợp của Công ty Nhật Nam đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn công ty này. Theo đó, Công ty Nhật Nam quảng cáo có rất nhiều dự án mà công ty này là chủ đầu tư hay liên doanh, liên kết với các đối tác khác. Ngoài ra, công ty này cũng giới thiệu đang sở hữu quỹ đất dồi dào tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, ngoài trụ sở chính tại TP HCM còn có 12 chi nhánh trên cả nước và đang sở hữu quỹ đất rộng lớn nằm tại những vị trí đắc địa ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Thanh Hóa, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc,… Tuy nhiên, thực tế có không ít các khu đất là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc do các cá nhân (không phải lãnh đạo Nhật Nam) đứng tên.
Tương tự Nhật Nam, Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland cũng liên tục tổ chức hội nghị, sự kiện để quảng cáo, mở bán dự án bất động sản nhằm thu hút người tham gia. Tuy nhiên, Cơ quan chức năng xác định những dự án bất động sản mà Công ty Bankland quảng cáo là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa được cấp phép đầu tư…
Còn đối dự án Sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG), họ vẫn sử dụng một chiêu thức quen thuộc đó là đánh bóng hình ảnh, đánh bóng thương hiệu để kêu gọi đầu tư. MHG từng lập một trang web để quảng bá với những ngôn từ hào nhoáng, giới thiệu Dự án MHG - khu du lịch sinh thái Măng Cành được đầu tư và xây dựng tại Km 18, tỉnh lộ 676 (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) từ năm 2019 với đăng ký pháp quyền là Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông.
MHG giới thiệu họ sở hữu một đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... luôn đồng hành. MHG luôn tự tin sẽ triển khai dự án thành công ngoài mong đợi. "Nổi bật tại MHG Farm là khu vực trồng vườn sâm Ngọc Linh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quy trình quản lý khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế” - doanh nghiệp này giới thiệu. Bên cạnh đó, họ còn rao bán các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi như rượu, lương khô, trà... giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Không những vậy, MHG còn “nổ”: Nghiên cứu, trồng sâm Ngọc Linh, sản xuất, phân phối sản phẩm sâm Ngọc Linh là sứ mệnh, chiến lược mũi nhọn của doanh nghiệp. Công ty mang trong mình sứ mệnh bảo tồn giá trị quý báu của loại dược liệu quý này, đồng thời mang Sâm Ngọc Linh đến gần hơn với người Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi có thông tin công an điều tra làm rõ dấu hiệu lừa đảo góp vốn của MHG, mạo danh trồng sâm Ngọc Linh thì trang web này đã không thể truy cập.
Cam kết “siêu lợi nhuận”: Để nhà đầu tư xuống tiền các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, đưa ra cam kết lợi nhuận khủng từ 20-30 %, có những trường hợp lên đến 50 -70% năm hoặc đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng có giá trị lớn…
Các cam kết này chỉ là hứa hẹn, chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng. Thậm chí, trong thời gian đầu các đối tượng trả lãi, trả lợi nhuận đầy đủ sau đó liên tục “khất lần” mà không thực hiện thực hiện cam kết. Thực chất, các đối tượng lừa đảo thường lấy tiền của người sau trả cho người trước. Đây là những chiêu trò khá phổ biến mà các đối tượng khiến cho nhà đầu tư tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu ký kết hợp đồng.
Điều này có thể thấy rõ trong vụ BĐS Nhật Nam, Theo thông tin của cơ quan chức năng, bà Vũ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam, đã đưa thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án bất động sản, cam kết trả lãi 34 - 46%, thậm chí là 80% để người dân tin tưởng nộp tiền.
Hay như trong vụ Công ty Bankland, để huy động được nhiều người tham gia nộp tiền, lãnh đạo công ty này đã liên tục ký ban hành văn bản thông báo về việc ra các chương trình ưu đãi thi đua, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng có giá trị lớn (không kể lãi suất đã cam kết) để thu hút nhiều người tham gia nộp tiền vào công ty như: tặng % lãi suất, tặng vàng, tặng sổ đỏ, tặng ô tô, xe máy SH, Iphone, tour du lịch...
Riêng với dự án Sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG), từ năm 2020-2022, thời điểm hút vốn đầu tư mạnh nhất của tập đoàn này, với vai trò là Chủ tịch HĐQT, bà Phạm Mỹ Hạnh đã đứng ra cam kết, hứa hẹn với đối tác về việc trả lãi suất từ 24% đến 48% một năm. Dùng mức lãi suất không tưởng này đã khiến nhiều người nhẹ dạ, đem tiền đến góp vào công ty của Hạnh. Để mọi việc “bài bản”, khi làm việc với nhà đầu tư, Công ty Mỹ Hạnh đưa ra 3 loại hợp đồng: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần của Hạnh trong công ty. Khách hàng có thể lựa chọn 1 hoặc cả 3.
Theo Cơ quan công an, với những chiêu thức “mật ngọt chết ruồi”, trong một thời gian ngắn, đã có hơn 1.000 nhà đầu tư nộp tiền cho MHG với số tiền lên tới 1.264 tỷ đồng. Số tiền này không được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh, không hạch toán tài chính của doanh nghiệp mà chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch HĐQT MHG. Chỉ đến khi Cơ quan công an tiến hành điều tra, công ty mất khả năng thanh toán, nhiều người mới “té ngửa”.
Các nhà đầu tư cần tỉnh táo trước chiêu trò huy động vốn và hợp tác đầu tư
Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, thời gian qua, các vụ lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép diễn ra ngày càng nhiều. Ông Thịnh cho rằng điểm chung là các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư.
“Để tạo được lòng tin với khách hàng, các đối tượng thường mời những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, đồng thời sử dụng các trang mạng quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Thực tế, trong những năm gần đây đã có nhiều bài học cho nhà đầu với không ít vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn, kêu gọi đầu tư đã bị cơ quan chức năng xử lý như: Bigbuy 24h gây thiệt hại 500 tỷ đồng; Gold times gây thiệt hại 900 tỷ đồng; Liên Kết Việt gây thiệt hại hơn 1.900 tỷ đồng… Thậm chí có những vụ cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo từ rất sớm, song loạt cảnh báo về những bất thường trong hoạt động kinh doanh, hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp vẫn bị phớt lờ khiến hàng nghìn người vẫn “sập bẫy”.
Điển hình như trường hợp của Công ty BĐS Nhật Nam mới đây. Hay hàng loạt các trường hợp huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo mà cơ quan công an đã và đang vào cuộc xác minh làm rõ như như trường hợp huy động vốn vào dự án trồng Sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh; và trường hợp huy động vốn hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam…
Trước thực trạng đáng quan ngại nêu trên, để tránh mắc vào những "cạm bẫy” đã giăng sẵn, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào...
Đặc biệt, sau khi phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án, bị can phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn, trả lãi sao, Phòng cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần hết sức cảnh giác, tìm hiểu kỹ về các doanh nghiệp, dự án trước khi đầu tư, tránh để các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Minh Đức